Vô sự như hữu sự
Lão Tử nói: “Kỳ vị triệu dịch mưu”, khi sự vật còn chưa có những dấu hiệu rõ ràng, mới dễ mưu sự. Dẫu là việc gì, khi ổn định sẽ khá dễ duy trì, khi sự việc chưa có dấu hiệu thay đổi, mới dễ dàng mưu tính. Lúc yếu nhược mới dễ phân giải, khi còn nhỏ mới dễ tiêu trừ. Người không biết lo xa, ắt có cái hoạ gần, vậy nên con người cần phải có ý thức phòng ngừa hoạ hại.
Khi bình yên có thể ở nơi thân an mà nghĩ tới cảnh nguy nan, dự báo và chuẩn bị sẵn sàng, đến khi sự việc phát sinh, tự nhiên sẽ không sợ hãi.
Lúc sóng yên biển lặng không biết lo lắng thì khi có sự cố đột biến, trong tâm sẽ không có chút phòng bị, ắt sẽ hoang mang, mất đi sự trầm tĩnh, không biết nên ứng phó như thế nào, từ đó phạm lỗi.
Khi đắc thời đắc thế, con người thường dễ buông lơi cảnh giác, thậm chí phóng túng bản thân, rất dễ khiến rắc rối xảy tới. Cho nên dẫu ở trong hoàn cảnh nào cũng nên cẩn trọng, cảnh giác thì hơn.
Đường Huyền Tông những năm còn nhỏ đã mưu đồ đại sự, rồi sáng lập nên một thời đại “khai nguyên thịnh thế”. Nhưng dần dần khi thiên hạ ở trong cảnh thái bình vô sự, ông lại chủ quan, cuối cùng dưỡng thành Loạn An Sử, khiến triều Đường chuyển từ thịnh thế sang suy bại.
Hữu sự như vô sự
Khi sự việc xuất hiện, cần điềm tĩnh tự tại như thể lúc an nhiên vô sự, mới có thể tiêu trừ những nguy cơ trước mắt. Tâm hoảng ý loạn, quyết sách ắt sai lầm, sẽ khiến nguy cơ ngày càng mở rộng hơn.
Hoàng đế Khang Hy thời nhà Thanh viết bản “Đình huấn”, dùng để dạy dỗ các hoàng tử, bồi dưỡng vị hoàng đế tương lai. Trong đó có kể:
Khi loạn Tam Phiên xảy ra, chủ lực của quân Thanh quyết chiến với quân đội của Ngô Tam Quế, nửa tháng vẫn không có tin tức gì từ tiền tuyến. Trong thành Bắc Kinh nhân tâm vô cùng hoảng loạn.
Trong tình huống ấy, Khang Hy vẫn giữ được sự kiên định trong tâm. Bề ngoài ông vẫn tỏ ra thư thái, tự tại, hàng ngày hoàng đế đều lên núi Cảnh Sơn cưỡi ngựa, bắn cung.
Có người nói rằng, tình hình cấp bách như thế này, đại sự quân cơ nhiều như vậy, hoàng thượng sao có thể ngao du khắp nơi? Nhưng hoàng đế Khang Hy vẫn thản nhiên trầm tĩnh, dù ông là người trước nay luôn chuyên cần việc chính sự.
Khang Hy muốn mượn chuyện này để khuyến cáo các con của mình rằng: Khi lâm đại sự cần phải có tĩnh khí.
Kỳ thực cục diện lúc đó đâu chỉ có vậy. Trong thành Bắc Kinh, những người trung thành trong tâm sẽ có dao động. Những người hiểm ác tất phải vội vàng muốn thăm dò tình thế. Trăm con mắt đều đổ dồn vào hoàng đế.
Kết quả hoàng đế chẳng hề sốt sắng, sợ hãi, ngoài việc điều binh khiển tướng nghiêm cẩn ra thì tâm tình vẫn rất trầm tĩnh vui vẻ. Vậy nên những người trung thành vững tâm hơn, những kẻ có dã tâm cũng không dám manh động. Ngược lại, nếu lúc này hoàng đế cũng hoảng hốt giống mọi người, vậy thì hậu quả có thể là tổn thất lớn hơn nhiều.
Những bậc thánh hiền từ xưa tới nay đều là những bậc có phong thái cao. Khi càng gặp phải đại sự kinh thiên động địa, lại càng có thể tâm tĩnh như nước, trầm mặc ứng phó.
Tĩnh lặng mới có thể nhìn xa, bình tâm mới có thể tĩnh khí, tĩnh khí mới có thể hành sự, hành sự mới có thể thành sự.
Tâm tĩnh mới có thể nghe được âm thanh của vạn vật, mới có thể nhìn thấu bản chất của vạn vật. Thân nơi hồng trần, việc tới thì ứng phó, việc đã qua thì coi như không có, sống như vậy sẽ tốt hơn!
Xem thêm: Vì sao cổ nhân dạy "lấy chồng chọn đàn ông tuổi Dậu, lấy vợ không gả cho con gái tuổi Mùi"?