Hoàng phúc hầu Hoàng Sầm - kỳ tài nước Việt: Kẻ mù chữ chỉ tốn 3 năm đèn sách đã đậu Thám hoa
Có người sĩ tử thời xưa tốn cả 20 năm đèn sách mới đỗ kỳ thi Hội, ấy vậy mà Hoàng Sầm chỉ mất vỏn vẹn 3 năm để từ một kẻ mù chữ đến đoạn thi đậu Thám hoa. Buổi ấy, chuyện thi cử của ông được xem là điều lạ chưa từng thấy trong thiên hạ.
Hoàng Sầm - sĩ tử làng Hiệp Hòa là ai?
Hiệp Hòa là một huyện thuộc tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm TP Bắc Giang khoảng 30km về hướng tây nam. Trong lịch sử khoa bảng, Hiệp Hòa có 13 người đỗ tiến sĩ, trong đó có 1 Trạng nguyên.
Sử chép, vào thế kỷ 16, có vợ chồng nọ ở Hiệp Hòa, dựa vào mấy sào ruộng mà sinh sống. Không may sau đó người chồng mất đi để lại vợ cùng con thơ là Hoàng Sầm (1512 - ?). Hai mẹ con làm ruộng, nương tựa vào nhau mà sinh sống.
Cũng vì gia cảnh khó khăn mà Hoàng Sầm không được đi học. Đến năm 24 tuổi mà một chữ bẻ đôi ông cũng không biết. Ấy vậy mà sau này, hậu thế phải gọi ông là người đặc biệt nhất lịch sử thi cử phong kiến Việt Nam.
Căn nguyên là vì thuở ấy, ông có thầm thương trộm nhớ cô tiểu thư con nhà quan. Thấy mình ngoài nghèo và mù chữ thì chẳng có gì trong tay để cưa đổ nàng. Chính vì thế, Hoàng Sầm quyết chí học hành, chỉ 3 năm sau ông đã tạo ra điều không tưởng.
Đúng là kỳ tài nước Việt
Theo sách "Tang thương ngẫu lục" của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, bấy giờ có quan Thượng thư là Nguyễn Doãn Địch về làng nghỉ hưu, quan địa phương yêu cầu dân phu phải ra đón rước. Hoàng Sầm nằm trong số dân phu phải khiêng kiệu cho con gái quan Thượng thư.
Được khiêng kiệu và tận mắt chứng kiến dung nhan đoan chính, xinh đẹp của tiểu thư, Hoàng Sầm bắt đầu thay đổi. Trở về nhà, ông thổ lộ với mẹ rằng muốn lấy tiểu thư con nhà quan Thượng thư. Mẹ ông nghe vậy thì giật mình, cho đó là điều hão huyền.
Hoàng Sầm thì không nghĩ vậy, ông kiên trì nói chuyện với mẹ, đồng thời còn tự mình sẵm sắn sính lễ đơn giản. Ông lại cầu mẹ đến nhà quan Thượng Thư để dạm hỏi.
Người mẹ khi ấy biết gia cảnh nghèo khó, con trai lại mù chữ thế kia thì sao "chòi được mâm son". Nhưng chiều lòng con, bà đành mang trầu cau đến nhà quan Thượng thư, lúng túng xin được quan tha tội rồi mới dám nói rõ ngọn ngành. Quan Thượng thư nghe xong thì cười phớ lớ, ông nói cứ đưa con trai của bà đến xem mặt mũi ra sao.
Hoàng Sầm mặc quần đùi chạy đến nhà quan sụp lạy trước thềm. Quan Thượng thư Nguyễn Doãn Địch từng thi đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1481 đã nói rằng: "Con gái nhà quan, có đâu lại gả cho một kẻ bạch đinh. Hễ sau này anh làm nên sự nghiệp như ta, anh mới có thể lấy con gái ta được”.
Hoàng Sầm lạy hai lạy rồi nói: “Xin vâng theo lệnh, nhưng mong quan lớn đừng sai lời".
Thời đất, muốn được hiển vinh quan lộ thì hầu như chỉ có con đường học hành khoa bảng. Ngoài ra chỉ có thi làm võ trướng chứ chẳng còn đường nào khác. Ngay cả con cái quan lại đầu triều muốn theo đường quan lộ cũng phải thi đỗ.
Hoàng Sầm lúc này một chữ bẻ đôi cũng không biết vậy mà dám lên kế hoạch đầy táo bạo, quyết tâm cho kỳ thi tới vào 3 năm sau. Ông bán một sào ruộng được 30 quan, lên kinh tìm học một danh nho.
Sau 3 năm học miệt mài vất vả, Hoàng Sầm đăng ký sát hạch ở quê nhà, vượt qua vòng sát hạch, chuẩn bị cho kỳ thi Hương. Bước vào thi Hương ông vượt qua tứ trường, đỗ đầu tức Giải nguyên, chuẩn bị bước vào thi Hội.
Trước khi đến kinh thi Hội, Hoàng Sầm nhờ người báo tin cho quan Thượng thư, nhắc lời ước cũ. Bấy giờ con gái quan Thượng thư dù đã có mấy đám hỏi nhưng vẫn chưa ưng ai.
Lên kinh sư, Hoàng Sầm vượt qua tứ trường, thi đỗ kỳ thi Hội. Bước vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình, Hoàng Sầm xuất sắc thi đỗ Thám Hoa.
Năm 24 tuổi mới học chữ, sau 3 năm đến 27 tuổi đã đậu Thám hoa, quả là một kỳ tích hiếm có.
Hoàng Sầm vinh quy bái tổ trở về làng trong niềm vui hân hoan của người dân làng Hiệp hòa. Quan Thượng thư Nguyễn Doãn Địch cũng rất tự hào về ý chí của Hoàng Sầm, đồng ý gả con gái cho vị Thám hoa.
Đám cưới của Hoàng Sầm và tiểu thư được diễn ra tại sân nhà quan Thượng thư ngay trong ngày vinh quy bái tổ, nhiều người dân trong làng cùng đến chúc phúc.
Hoàng Sầm làm quan đến Lễ bộ Tả thị lang, được phong tước Hoàng Phúc Hầu.
Xem thêm: Chân dung vị thám hoa ngang tàng của nước Việt dám ví vua quan Thanh triều như "ếch ngồi đáy giếng"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận