Vũ Trọng Phụng với 27 năm trên dương thể: Một đám cưới rình rang và một đám tang không kèn trống

Sinh thời, Vũ Trọng Phụng đã phải viết cật lực 3 bộ tiểu thuyết Số đỏ, Giông tố, Làm đĩ để có tiền tổ chức 1 đám cưới rình rang. Thế nhưng, khi tạ thế, ông lại chỉ có 1 đám tang không kèn trống. 

Đỗ Thu Nga
12:00 30/07/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

"Ông vua phóng sự Bắc Kỳ" Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912, quê ở Hưng Yên nhưng sống ở Hà Nội trong một gia đình nghèo khó. Cha mất khi ông mới 7 tháng tuổi, một mình mẹ vất vả nuôi con ăn học.

Sống bằng nghề cầm bút nhưng cuộc đời Vũ Trọng Phụng chưa bao giờ dễ dàng cả. "Câu nói "Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu" của Xuân tóc đỏ - nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm Số đỏ dường như rất giống với cuộc đời của nhà văn.

Trong nhiều tài liệu, các bạn văn chia sẻ, nhà văn Vũ Trọng Phụng là một trong số các nhà văn nghèo nhất. Ở nơi quê quán, ông không có một tấc đất cắm dùi.

Chuyen-ve-dam-cuoi-va-dam-tang-cua-nha-van-Vu-Trong-Phung-9
Bộ tem bưu chính được phát hành nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng

Vũ Trọng Phụng còn là một nhà văn yểu mệnh. Ông chỉ sống vỏn vẹn 27 năm. Trong 27 năm ấy, ông đã để lại 1 sự nghiệp văn chương đồ sộ (28 truyện ngắn, 9 tiểu thuyết, 8 phóng sự, 6 vở kịch, 2 tác phẩm dịch...) cùng với một đám cưới rình rang và một đám ma không kèn trống.

Trong buổi “Lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Vũ Trọng Phụng” hồi năm 2012, ông Nguyễn Bá Đạm - người cùng làng với Vũ Trọng Phụng đã kể lại về lễ cưới long trọng và đám tang buồn thương vĩnh biệt con người tài hoa chỉ có 27 năm tồn tại trên dương thế. Câu chuyện đã được ông viết lại in trong cuốn “Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ XIX-XX” do NXB Văn học ấn hành.

Một đám cưới rình rang, đón dâu bằng xe ô tô

Bà Vũ Mỵ Lương là vợ của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Bà sinh ra trong gia đình có cha mẹ là thầy lang ở Hà Nội. Bà Lương nổi tiếng cần cù, chịu khó, khép tay hay làm. Thông cảm với hoàn cảnh mồ côi cha từ nhỏ và mến phục tài năng văn chương của Vũ Trọng Phụng mà đồng ý kết hôn với ông.

Đám cưới được tổ chức vào chủ nhật (23/1/1938), tức 22 tháng Chạp năm Đinh Sửu. Cách đây gần một thế kỉ, ít đám cưới nào ở Hà Nội có xe ô tô rước dâu long trọng như vậy. Nửa tháng trước, nhà trai đã làm lễ ăn hỏi, dẫn đến nhà gái đầy đủ lễ vật. Ngày hôm trước, bà con trong họ, trong làng kéo đến làm giúp, dựng rạp, kê bàn ghế, làm cỗ... Khách khứa ăn uống ở 5 gian nhà chính và 3 gian nhà ngang, còn phải làm thêm rạp ở ngoài sân mới đủ chỗ ngồi. 

Mới sáng ra, trẻ con trong làng đã tụ tập bên bờ ao đình, nhìn sang con đường Láng, chờ xem ô tô đám cưới. Đến gần trưa, một đoàn 10 chiếc ô tô sơn đen đi theo hàng một, người mặc quốc phục, trong đó có chú rể đội khăn, mặc áo đoạn, đi giày hạ. Vũ Trọng Phụng người xương xương, mỏng manh, mắt nhỏ, trán nở và cao, miệng có quai ở hai bên mép, vai hơi ngang. Ông có cái nhìn tinh anh, nụ cười hóm hỉnh. Trong số người đi cùng với chú rể có nhiều nhà văn già, trẻ.

Chuyen-ve-dam-cuoi-va-dam-tang-cua-nha-van-Vu-Trong-Phung
Chân dung nhà văn Vũ Trọng Phụng

Mọi đám cưới, trẻ con thường kéo đến chăng dây, nhà trai muốn đi qua phải nộp một phong bao, trong đó có năm, sáu đồng xu bằng đồng. Nhưng đám cưới này, chúng nghe có cả các ông nhà báo về dự nên bảo nhau bỏ cái tục không hay ấy đi. Lần đầu tiên, đám cưới Vũ Trọng Phụng được hưởng nếp sống mới.

Chú rể đi tới bàn thờ gia tiên, vừa lúc cô dâu ở trong buồng đi ra. Chú rể bước lên sập, lễ tiếp. Hôm nay, cô dâu chít khăn vành dây lam, đeo hoa tai đầm, kiềng vàng, mặc áo dài màu hồng, đi giày nhưng đen thêu hạt cườm. Mấy năm trước, làng mở hội, có đánh cờ người, cô đã được chọn làm quân sĩ. Giờ hoàng đạo – giữa trưa – sắp đến. Nhà trai xin phép đón dâu.

Mở đường là cụ già râu tóc bạc phơ, đạo mạo, mặc áo sa màu lam, tay cầm lư hương khói nghi ngút. Tiếp theo là chú rể Vũ Trọng Phụng và hai phù rể. Cô dâu đi phía sau, hai tay nâng chiếc quạt che mặt. Hai cô phù dâu mặc đẹp chẳng kém, dáng e lệ, đi hai bên.

Hai họ đi bộ tới cổng làng rồi mới lên ôtô. Hơn nửa giờ sau, đoàn xe dừng bánh ở bên số chẵn phố Hàng Bạc, trong tiếng pháo nổ ran, dân hàng phố kéo đến xem đông nghịt, đứng kín cả vỉa hè. Hai họ phải nhường nhau mới lên nổi căn gác hẹp. Nhìn lên ba bức tường thấy vài câu đối bằng vóc hồng thêu kim tuyến hoặc bằng satanh đỏ thêu con trĩ bên hoa phù dung. Cô dâu lễ gia tiên với chú rể xong, tiếp tục tiếp khách. Chuyện trò hồi lâu, nhà gái xin cáo lui. Riêng các văn hữu còn uống rượu, trò chuyện đến khuya mới chịu về.

Về đám cưới của Vũ Trọng Phụng có nhiều tài liệu ghi rằng, đây là một đám cưới không môn đăng hậu đối. Nhưng lại được mẹ của bà Lương rất ủng hộ. Bởi bà ngưỡng mộ những tiểu thuyết, những bài phóng sự sắc sảo của con rể. 

Và để có một đám cưới rình rang với bà Lương, Vũ Trọng Phụng đã cật lực làm việc ngày đêm để hoàn thành 3 tác phẩm là Số đỏ, Giông tố và Làm đĩ. Tiền tổ chức đám cưới của ông, một đám cưới rất linh đình, có mặt gia đình, họ hàng và các bạn bè văn chương của ông, chính là lấy từ khoản tiền nhuận bút ấy.

Một đám tang không kèn trống

Sau khi kết hôn, cuộc sống của gia đình Vũ Trọng Phụng ngày càng khó khăn, nhất là khi con gái ông - Vũ Mỵ Hằng chào đời. Ông phải nuôi mẹ già, nuôi vợ và con gái nên ngày đêm ăn uống kham khổ, làm việc đến mức lao lực, sức khỏe ngày càng hao mòn. Thương con gái và con rể, mẹ vợ đã cho vợ chồng ông sống cùng trong chái nhà nhỏ ở làng Giáp Nhất. 

Đây cũng là nơi chứng kiến sự ra đời những tác phẩm cuối cùng của nhà văn và chứng kiến những ngày cuối đời ốm đau bệnh tật của ông. Vì lao lực để kiếm cái ăn nuôi cả gia đình, vì phải ăn uống kham khổ, Vũ Trọng Phụng đã mất khi mới 27 tuổi vì bệnh lao phổi.

Nói về đám tang của nhà văn Vũ Trọng Phụng, ông Đạm kể: Đó là sáng mà cái nắng gắt như giữa mùa hè, một cỗ xe tang do hai con ngựa kéo lặng lẽ bước đi từ số nhà 73 Cầu Mới đến nghĩa trang Quảng Thiện (ở khu vực Thanh Xuân hiện nay). Theo sau là khoảng ba trăm người vừa đi bộ vừa dắt xe đạp, họ là thân quyến, bạn bè người quá cố, đa số là người viết văn, làm báo.

Chuyen-ve-dam-cuoi-va-dam-tang-cua-nha-van-Vu-Trong-Phung-0
Bút tích của nhà văn Vũ Trọng Phụng

Tiếng khóc của người vợ trẻ nghe não nùng, thảm thiết. Con gái Vũ Trọng Phụng còn trứng nước, chưa đầy một năm tuổi, được một bà bế trên tay. Trông em bé bụ bẫm, hai con mắt đen như hạt nhãn, đội cái mũ mấn khâu bằng vuông vải trắng.

Đi theo những người phu đòn mặc đồng phục màu đen, nẹp trắng, đội nón chóp sơn đen, trước mắt là khu mộ mới. Mộ thi sĩ Tản Đà cũng nằm gần đây, chỉ cách mươi mươi mười lăm bước. Hố huyệt đã được đào từ chiều hôm trước. Linh cữu vừa được từ từ hạ xuống thì người vợ nhà văn, vì quá thương chồng đã lăn xuống huyệt. Người ta phải ra sức kéo lên.

Thay mặt cho giới văn hữu, Lưu Trọng Lư đọc điếu văn. Giọng ông run run, ông đọc: “… Anh là một nhà văn. Tên tuổi anh sẽ sống mãi cùng sự nghiệp của anh. Anh đã chuyển bại thành thắng, ở chỗ này, tử thần đã không làm gì được nữa…”.

Mọi người ném xuống mộ nhà văn những nắm đất to nhỏ không đều, chỉ trong khoảnh khắc ngôi mộ đã cao dần và được đắp cho chắc chắn. Những thỏi vàng bồ cũng được rắc lên. Lan Khai và Phùng Tất Đắc suốt mấy ngày bận rộn lo việc tang ma cho bạn, nay lại lanh lẹn vác vòng hoa đặt lên mộ, Phạm Cao Củng mang theo máy ảnh chụp một vài kiểu. Những nén nhang từ từ cháy, làn khói cuộn dần lên theo gió. Mọi người nghiêng mình, cúi đầu hoặc hai tay chắp vái từ biệt Vũ Trọng Phụng lần cuối. Lúc đó là 9 giờ 45 phút sáng ngày chủ nhật, 15/10/1939.

Nhà văn Vũ Trọng Phụng sống long đong, khi qua đời, cũng nhiều phen đổi dời. Ông mất năm 1939, được chôn cất ở nghĩa trang Hợp Thiện, rồi nghĩa trang Quán Dền. Mãi đến năm 1988, con gái Vũ Mỵ Hằng mới đưa ông về quy thổ vĩnh viễn tại mảnh vườn nhà mẹ vợ nhà văn tại làng Giáp Nhất hiện nay. Tên của ông cũng đã được đặt tên cho con đường cách nơi ông yên nghỉ chỉ chừng 1 km.

Xem thêm: Nhà văn Kim Lân: Nỗi buồn của "đứa con người vợ lẽ" và chuyện về món quà cuối cùng tặng Nguyễn Tuân

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận