Người vợ duy nhất của "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu và đêm tân hôn kỳ lạ
Đêm ấy, chàng thi sĩ đến bên vợ và ôm chặt nàng trong vòng tay, âu yếm hôn nàng, nồng nàn, cuống quýt... Nhưng lại đột ngột dừng lại, bỏ ra ngoài phòng.
Bất chấp những lời đồn thổi về chuyện tình đồng giới, năm 1958, nhà thơ Xuân Diệu bất ngờ lên xe hoa cùng với nhà báo Bạch Diệp. Những tưởng, tin đồn ấy sẽ mãi mãi chìm vào quên lãng, nhưng bỗng nó lại bùng lên khi cuộc hôn nhân chóng vánh kết thúc sau 6 tháng. Và ít ai biết được, mối duyên tơ giữa hai con người tài hoa ấy đã kỳ lạ ngay từ đêm đầu tiên - đêm tân hôn.
Những ngày yêu đương lãng mạn như trong thơ
Bạch Diệp là người phụ nữ duy nhất trong cuộc đời của "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu. Bà là nữ đạo diễn điện ảnh đầu tiên của Việt Nam. Họ thành đôi vào năm 1958 qua sự mai mối của ông Hoàng Tùng - Nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, nơi bà Bạch Diệp công tác.
Bà Bạch Diệp trở thành vợ của nhà thơ Xuân Diệu ở tuổi 29. Còn "ông hoàng thơ tình" khi ấy đã ngoài 40.
Nói về mối duyên tơ này, bà Bạch Diệp từng bộc bạch: Trước đó, vào một ngày cuối đông năm 1957, trong cái rét như cắt da cắt thịt của Hà Nội, ông Hoàng Tùng chợt gọi Bạch Diệp lại và bảo sẽ giới thiệu chồng cho cô.
Bạch Diệp nghe thấy vậy liền giãy nảy phản đối. Ông Hoàng Tùng liền nhẹ nhàng bảo, người này anh ngắm kỹ cho em rồi, không ai xứng đáng hơn đâu. Chính là Xuân Diệu đấy.
Bạch Diệp khi ấy vốn là một người rất yêu thơ ca. Bà còn rất phục tài năng của thi sĩ Xuân Diệu. Bà thường chép những bài thơ tình của ông vào cuốn sổ tay.
Lần đầu gặp mặt, Bạch Diệp dường như đã chìm trong đôi mắt to, sáng và thăm thẳm của Xuân Diệu (dù lúc ý nhà thơ đã ngoài 40 tuổi). Xuân Diệu thì ai cũng biết rồi, lúc nào cũng rất bảnh bao, cuốn hút người đối diện với vầng trán cao, những sợi tóc loăn xoăn bồng bềnh, lãng mạn.
Những buổi hẹn hò sau đó, Xuân Diệu thường chở nàng Bạch Diệp trên xe đạp đi lang thang ra ngoài ngoại ô chơi. Một lần nọ, khi đang rong ruổi trên đường, một cơn mưa lớp bất ngờ ập đến, Xuân Diệu liền kéo Bạch Diệp vào trú mưa dưới mái hiên. Chàng thi sĩ rút khăn mùi xoa, lau từng giọt mưa lấm tấm trên mặt người bạn gái khiến nàng cảm động vô cùng.
Trong thời gian tìm hiểu, Xuân Diệu còn cất công chọn những bông hồng tươi thắm nhất để mang đến tặng. Điều này khiến Bạch Diệp càng thêm mê đắm mê đuối sự lãng mạn của nhà thơ.
Ngày ấy, Xuân Diệu thường từ ngôi nhà ở 24 Cột Cờ đi xuống nhà nàng ở phố Bà Triệu, nơi có hàng hoa dạ lan thơm nữa. Nàng Bạch Diệp trở thành nguồn cảm hứng thơ ca để thi sĩ viết nên bài thơ tình tứ tuyệt bất hủ:
Tôi cầm mùi dạ lan hương
Trong tay đi đến người thương cách trùng
Dạ lan thơm nức lạ lùng
Tưởng như đi mãi không cùng mùi hương.
Sau những thắm thiết, mặn nồng của tình yêu, hai người quyết định gắn bó dài lâu bằng việc tổ chức hôn lễ. Nhưng gần ngày cưới, một cô bạn đồng nghiệp kéo Bạch Diệp lại bảo: Nghe người ta nói, anh Xuân Diệu có vấn đề đấy, phải xem lại đi, không lại lỡ dở đời con gái. Bạch Diệp gạt đi: Người ta ghen ghét, nói xấu anh Xuân Diệu Thôi.
Trước đám cưới vài ngày, bà Bạch Diệp có giục Xuân Diệu đi đăng ký kết hôn nhưng ông lại ậm ừ cho qua, kêu để từ từ. Giục mất lần không thấy Xuân Diệu động tĩnh gì, bà Bạch Diệp cũng thôi không nhắc nữa.
Đám cưới diễn ra vào tháng 4/1958, do cơ quan bà Bạch Diệp tổ chức. bà Bạch Diệp xuất hiện trong bộ áo dài đội voan trắng muốt, hạnh phúc trở thành nữ hoàng thi ca của Xuân Diệu.
Đêm tân hôn... siêu kỳ lạ
Sau hôn lễ, đôi vợ chồng trẻ được thu xếp ở trong một căn phòng nhỏ xinh, ấm cúng. Phía đầu giường gắn chữ "Hỉ" màu đỏ. Xuân Diệu khi ấy tỏ ra vô cùng chu đáo, ông lọ mọ đun ấm nước sôi, sau đó pha nước vào chậu men cho vợ. Ông chu đáo đến mức tự nhúng tay thử độ ấm chậu nước xem đã vừa chưa rồi mới bảo nàng đi tắm.
Chậu nước ấm thơm phức mùi hương hoa do chính tay chú rể chuẩn bị. Điều này khiến cô dâu Bạch Diệp thêm phần cảm động. Ngồi trong căn phòng tân hôn nhỏ xinh, cô nữ sinh trường dòng Saint Dominique ngày nào đầy ắp tâm trạng e ấp, ngại ngùng của một cô gái lớn lên trong môi trường của các bà Xơ.
Rồi đôi bàn tay mềm mại của chàng thi sĩ đặt lên vai nàng. Cô dâu Bạch Diệp tim đập thình thịch, má đỏ bừng ngượng ngùng... Chợt Xuân Diệu cất tiếng hỏi: Em có thấy cái bút ở đâu không? Ngạc nhiên, nàng hỏi lại: Để làm gì anh? Xuân Diệu không trả lời, ông lục tung bàn, giấy tờ và cúi cả xuống gầm giường để tìm bút. Rồi ông thắp thêm cây nến, ngồi vào bàn, loay hoay viết một lúc rồi cầm tờ giấy quay sang đọc cho vợ nghe và hỏi ý kiến nàng. Chú rể mới lại hì hụi, cắm cúi viết như quên mất cô dâu và đêm ân hôn diễn ra như lẽ thường của các đôi vợ chồng mới cưới.
Sáng bảnh mắt sau đêm tân hôn của... thơ, Bạch Diệp đi làm. Và hàng đêm, thi nhân vẫn miệt mài với bàn, với mực và miên man trong những vần thơ lai láng. Bạch Diệp cũng không tỏ thái độ gì, nàng như một con chiên ngoan ngoãn lạ lẫm với sự đời.
Nhớ lại những ngày ấy, bà Bạch Diệp bảo: "Tôi lớn lên trong môi trường giáo dục khắt khe của cha mẹ. Ngày nhỏ cha tôi cấm không được đọc tiểu thuyết như mốt thời bấy giờ nên suốt cả thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, tôi không hề được tiếp cận với những thứ người ta viết về tình yêu, về đôi lứa trai gái hay về nhục dục. Hồi đó, cha tôi chỉ cho đọc sách hồng là loại sách, truyện của trẻ con mà thôi. Rồi tôi lại được gửi về Hải Phòng học trong trường tu viện Saint Dominique nên càng bị bó buộc trong lễ giáo, không biết gì về tình yêu đôi lứa bên ngoài cuộc sống cả".
Rồi bà thở dài nói, cha của bà vốn giỏi tử vi, sau khi lập lá số cho con gái liền nói: Số bà là số đi tu nhưng vì có một ngôi sao phá nên không đi tu được. Ngẫm lại những năm tháng thăng trầm của cuộc đời, bà khẽ nói, có lẽ vì số đi tu mà không đi tu nổi nên tình duyên mới lận đận như vậy.
Ngay từ khi còn là một bài thai bé xíu trong bụng mẹ, dương như cái số đi tu đã ấn định vào mệnh của bà. "Tôi có một ông anh trai rất thông minh, khi chưa đến 4 tuổi, chỉ nghe thôi mà đã đọc thuộc làu bộ kinh bằng tiếng Phạn mà ông nội tôi thường tụng. Ông nội tôi thấy vậy liền bảo thằng bé này sẽ yểu mệnh. Được 4 tuổi thì anh tôi mất thật. Mẹ tôi suy sụp đến nỗi ông nội tôi phải cho bà đến nhà thờ nghe giảng kinh. Mẹ tôi chỉ làm mỗi một việc là nghe giảng kinh suốt từ lúc anh tôi mất cho đến khi sinh ra tôi", bà Bạch Diệp nhớ lại. Thời kỳ hôn nhân với Bạch Diệp, những bài thơ tình của Xuân Diệu vẫn đắm đuối, khát khao: "Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt/ Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng/ Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng/ Gần hơn nữa thế vẫn còn xa lắm" (Xa Cách).
Rồi đến một ngày nọ, Xuân Diệu không còn ngồi bên bàn giấy nữa. Ông đến bên vợ và ôm chặt nàng trong vòng tay, âu yếm hôn nàng, nồng nàn, cuống quýt... Những tưởng đêm ấy là đêm tân hôn thực sự của đôi vợ chồng mới cưới. Nhưng thi nhân đột ngột dừng lại, bỏ ra ngoài phòng. Còn lại người vợ lặng lẽ bên chiếc giường cưới còn vẹn nguyên nếp chăn.
NSND Bạch Diệp (tên thật Nguyễn Thanh Tâm) sinh năm 1929 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh. Từ năm 6 tuổi, bà được đưa theo học ở trường tu viện Saint Dominique ở Hải Phòng.
Năm 1941, gia đình bà chuyển sang Hải Dương. Khi mới chỉ 16 tuổi, bà đã đi theo Cách mạng, tham gia tổng khởi nghĩa và tham gia phụ nữ cứu quốc ở Hải Dương rồi hoạt động trong Tỉnh hội và thường vụ liên khu III. Năm 1955, bà chuyển về làm tại báo Nhân Dân, làm tổ trưởng tổ Hà Nội, chịu trách nhiệm thông tin về thành phố.
Năm 1959, bà theo học lớp đạo diễn điện ảnh do Bộ Văn hóa Thông tin mở dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô. Bà tốt nghiệp năm 1963, sau đó về làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam. Tác phẩm đầu tay của bà là bộ phim Trần Quốc Toản ra quân, chuyển thể từ chèo, sau được trao giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai. Những bộ phim tiếp theo của bà ra đời là Người về đồng cói (1973), Ngày lễ thánh (1976), Câu chuyện làng Dừa (1977), Người chưa biết nói (1979), Ai giận ai thương (1982)... Nổi bật trong sự nghiệp điện ảnh của bà là hai bộ phim Ngày lễ thánh (dựa theo cuốn tiểu thuyết Bão biển của Chu Văn) và Huyền thoại mẹ. Hai tác phẩm đều do NSND Trà Giang đóng vai chính và giành được giải thưởng Bông sen bạc.
Bà về hưu năm 1992 nhưng vẫn được mời làm phim truyền hình cho Đài truyền hình Việt Nam. Bà còn làm phim cho các chuyên mục Điện ảnh chiều thứ 7 và Văn nghệ chủ nhật.
Năm 1997, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Năm 2007, bà nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm Ngày lễ thánh, Huyền thoại mẹ. Bà cũng là một trong số các nghệ sĩ Việt Nam có tên trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô. Năm 2008, tên bà nằm trong danh sạch 11 nghệ sĩ đương đại được tôn vinh trong ngày kỉ niêm 55 năm thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.
Bà mất vào ngày 17/8 tại Hà Nội.
(Theo Lã Xưa/Đời sống & Pháp luật)
Xem thêm: Nhà thơ Xuân Diệu: "Nhớ nhé, nhà thơ không bao giờ có tuổi"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận