Chuyện chưa kể ở Nauru: Hòn đảo giàu có nhờ phân chim, từng có thời lấy USD làm... giấy vệ sinh nhờ
Một cựu tổng thống Nauru kể, từng có thời gian đất nước giàu có vô cùng, chẳng ai quan tâm đến đầu tư sinh lời. Tiền USD thậm chí còn được dùng làm giấy vệ sinh.
Nauru là đảo quốc nhỏ bé nằm ở Đông Bắc Papua New Guinea. Nói là quốc gia nhưng đất nước này có diện tích nhỏ thứ 3 thế giới sau Tòa thánh Vatican và Công quốc Monaco. Nauru cũng là quốc gia nhỏ nhất ở Nam Thái Bình Dương, quốc gia nhỏ nhất ngoài châu Âu và là đảo quốc nhỏ nhất trên thế giới với diện tích chỉ 21km2. Dân số quốc đảo này là khoảng 11.347 người, ít thứ 3 trên thế giới sau Tòa thánh Vatican và Tuvalu.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Nauru là quốc gia có tỷ lệ béo phì cao nhất thế giới. 95% dân số nước này bị thừa cân và 71.7% bị béo phì. Quốc gia này cũng có tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết, Nauru từng là quốc gia cực kỳ giàu có. GDP bình quân đầu người đứng thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, sự giàu có này giờ đã trở thành dĩ vãng với quốc gia này.
Đảo quốc giàu lên nhờ... phân chim
Theo tờ Financial Times, Nauru từng là quốc gia giàu có nhờ trữ lượng phốt phát dồi dào được tạo thành từ phân chim. Theo nghiên cứu, phân chim tích tụ từ nhiều thế kỷ trên đảo này, nó mang lại nguồn lợi lớn cho người dân. Bởi việc bán phốt phát để sản xuất phân bón mang đến lợi nhuận cao.
Được biết, nền kinh tế đảo quốc này đạt đỉnh vào năm 1975 nhờ doanh thu từ khai thác phốt phát. Khi đó GDP bình quân đầu người của hòn đảo này ước tính khoảng 50.000 USD, chỉ đứng sau Ả Rập Xê Út.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp khai thác sụt giảm vào những năm 1990. Điều đó khiến quốc gia này gặp khó khăn, vỡ nợ và phải vay nợ, bán bất động sản để trả nợ.
Quá trình khai thác phốt phát khiến đất đai của quốc đảo này trở nên cằn cỗi, không có khu bảo tồn thiên nhiên hay di sản thế giới nào cả. Xung quanh đảo có các rặng san hô có thể thu hút khách đến lặn, khám phá đại dương. Song việc khai thác phốt phát cũng xóa sổ phần lớn sinh vật biển.
Đến thời điểm hiện tại, Nauru còn nhiều di tích từ sau Thế chiến thứ 2. Nằm trên những ngọn đồi cao, trong cỏ cây bụi rậm là những nhà tù cổ. Đây là địa điểm phù hợp cho những người yêu thích khám phá lịch sử. Nhưng lượng du khách đến đây không đông lắm. Và hiện nay, Nauru là 1 trong những quốc đảo có nền kinh tế khó khăn. Ngành công nghiệp du lịch khó lòng vực dậy đưa nước này trở về thời hoàng kim năm nào.
Từ một nước giàu có, Nauru rơi xuống thành quốc đảo nghèo khổ với GDP chỉ vào khoảng 102 triệu USD, thấp nhất thứ 2 thế giới sau Tuvalu. Khoảng 90% người dân Nauru thất nghiệp còn tệ nạn tham nhũng, rửa tiền thì tràn lan.
Lấy USD làm giấy vệ sinh
Trước khi giành độc lập năm 1968, quốc đảo này chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản và trồng trọt. Thực phẩm của họ khi đó chỉ có cá, rau củ và một cuộc sống lao động vất vả.
Nhưng sau khi giành độc lập, quốc đảo nhanh chóng thu hút đầu tư quốc tế nhờ những mỏ phốt phát lộ thiên, dễ khai thác. Nhờ loại khoáng sản này mà nền kinh tế Nauru bùng nổ, người dân sống sung sướng hơn mà không cần đánh bắt, trồng trọt. Lối sống phương Tây cũng theo đó du nhập vào đây. Người dân bản địa trở nên lười làm và nghiện đồ ăn nhanh.
Trong khoảng thời gian này, kinh tế Nauru đứng thứ 2 thế giới. Với lượng tiền khổng lồ từ khai khoáng, quốc đảo này xây sân bay, thậm chí còn mua 7 chiếc máy bay để phục vụ giao thông, du lịch.
Xin nhắc lại, quốc đảo này khi đó chỉ khoảng 11.000 người (chưa bằng nửa số sinh viên trường đại học Oxford 22.000 người). Tất nhiên, tất cả những khoản đầu tư của Nauru từ may bay cho đến mua xe hơi hay các dự án xa xỉ khác đều lỗ.
"Chẳng có mấy ai quan tâm đến việc đầu tư có sinh lời hay không. Tiền USD thậm chí còn được dùng làm giấy vệ sinh. Cuộc sống khi đó cứ như là bữa tiệc mọi ngày vậy", một cựu tổng thống giấu tên của Nauru nhớ lại.
Tuy nhiên, khi tài nguyên cạn kiệt, các nhà đầu tư rút vốn, Nauru bị bỏ lại trong tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề và không có nguồn thu nhập nào nữa. Mảng thủy sản và nông nghiệp cũng bị bỏ hoang. Trong khi người dân lại quá quen với cuộc sống hưởng thụ.
Nauru từng kiện lên tòa án quốc tế yêu cầu các công ty nước ngoài bồi thường vì đã làm ô nhiễm tài nguyên. Tất nhiên là Nauru thành công khi Australia đồng ý trả 2,6 triệu USD/năm trong vòng 20 năm trong khi New Zealand và Anh trả một lần 12 triệu USD. Dẫu vậy con số này là không đủ với một quốc gia chẳng còn gì ngoài một hòn đảo ô nhiễm.
Nauru bị phá sản khi không thể thanh toán các khoản vay quốc tế. Chính quyền không còn tiền để chi trả các dịch vụ công. Quốc đảo này trở thành đất nước không thu thuế, ngân sách trống rỗng.
Để sinh tồn, Nauru phải trở thành thiên đường thuế cũng như trung tâm rửa tiền tại Nam Thái Bình Dương. Ngoài ra cũng lệ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn trợ cấp từ Úc.
Năm 2001, Úc đề nghị trả tiền để Nauru trở thành trung tâm tị nạn cho xứ sở chuột túi và quốc đảo này quá nghèo để có thể nói không. Hậu quả là đến năm 2008, quốc đảo này không những là trung tâm của rửa tiền ở Nam Thái Bình Dương mà còn là nơi tụ tập những người tị nnaj.
Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng người dân lại thích sống ỷ lại. Thay vì tìm đường phát triển kinh tế thì họ phó mặc cho số phận và mong chờ vào viện trợ quốc tế. Những thực phẩm rẻ tiền được họ nhập về ồ ạt dẫn đến ăn nhiều và béo phì
Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Nauru đang khuyến khích người dân vận động nhiều hơn. Sân bay vốn được xây dựng cho du lịch thì nay trở thành không gian chạy bộ cho người dân bản địa.
Dừng chân ở quốc đảo Fiji xinh đẹp - nơi duy nhất trên Trái đất không có người bị ung thư
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận