Chị thủ thư khuyết tật học hết lớp 7 và hành trình gần 20 năm lan tỏa giá trị của sách

Mỗi ngày trôi qua, chị Nga lại cố gắng làm cách nào để mở rộng không gian đọc sách để nhiều người được tiếp cận với tri thức hơn...

Chị thủ thư khuyết tật học hết lớp 7 và hành trình gần 20 năm lan tỏa giá trị của sách

Mỗi ngày trôi qua, chị Nga lại cố gắng làm cách nào để mở rộng không gian đọc sách để nhiều người được tiếp cận với tri thức hơn...

“Tôi từng nghĩ mình là người thừa của xã hội và muốn giải thoát khỏi cuộc đời sau cơn bạo bệnh, nhưng chính những cuốn sách đã giúp tôi lấy lại nghị lực sống, và tôi mở thư viện cộng đồng gần 20 năm nay để lan tỏa giá trị của sách đến với mọi người, trả ơn những cuốn sách đã kéo tôi lên từ vũng lầy”, đó là chia sẻ của chị Trần Thúy Nga, quản lý Thư viện Thúy Nga tại xóm 6B, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.

“Sách được mở ra đọc mới là sách sống”

Đến thăm thư viện Thúy Nga, tôi thật sự bất ngờ bởi sự đông vui và hăm hở đọc sách của người dân nơi đây – một vùng quê còn nhiều khó khăn về kinh tế. Không chỉ có học sinh trong xã Nghĩa Đồng mà học sinh các xã lân cận, chủ yếu ở trường THPT Lê Lợi đều là những “khách quen” của thư viện.

Em Phan Nguyễn Lam, cựu học sinh Trường THPT Lê Lợi chia sẻ: "Em đọc sách ở tủ sách chị Nga đã 5 năm nay. Những cuốn sách giúp em thêm nhiều kiến thức, cải thiện thành tích học tập. Ngoài ra, trò chuyện với chị Nga, em còn có thêm bài học về nghị lực cuộc sống, có thái độ tích cực và lạc quan cho dù rơi vào bất kỳ hoàn cảnh nào".

Thư viện luôn đầy ắp tiếng cười và không khí vui tươi

Thư viện tuy trông không phô trương, hoành tráng nhưng lại là điểm hẹn tri thức uy tín và rất đỗi thân thiện. Thư viện có tới hơn 6.000 đầu sách gồm rất nhiều thể loại như khoa học, văn học, lịch sử, truyện dài, ngoại ngữ, sách kỹ năng sống....và có một cuốn sách sống rất yêu đời, đó chính là thủ thư Trần Thúy Nga.

Nói vậy không quá, bởi lẽ suốt chặng đường từ ngày mở thư viện đến nay, chị Nga đã đọc qua hàng nghìn cuốn sách, đối với chị đọc sách chính là duy trì nhựa sống hằng ngày. Chính những cuốn sách đã cứu rỗi chị trước vũng lầy tuyệt vọng sau khi gặp phải bạo bệnh làm mất khả năng đi lại. “Người phải sống, sách cũng phải sống. Giở sách ra đọc giúp tôi sống tốt hơn và cũng giúp quyển sách không bị giết chết”, chị Nga tâm sự.

Cảm ơn mọi điều được gọi là “số phận”

Giờ đây, khi nhắc lại chuyện số phận ngày nào, chị chẳng còn rơm rớm nước mắt nữa. Chị đã biết học cách chấp nhận, vui vẻ với những gì đang có, “sống mới khó, sống có ý nghĩa càng khó hơn, chết thì đơn giản, chỉ là chạy trốn thôi mà”, chị Nga vui vẻ trò chuyện.

Chuyện là, hồi mới sinh ra chị khỏe mạnh như bao người khác. Năm lên 13 tuổi, bỗng dưng chị bị bệnh viêm đa khớp, chị đau buốt khắp các khớp, chân tay ngày càng khó cử động. Sau nhiều tháng ngày điều trị, bác sĩ bảo bệnh của chị đã bị “nhờn thuốc tây”, không thể chữa trị dứt điểm.

Chị Nga phải sống chung với bệnh trong sự đau đớn về thể xác. Nghiệt ngã hơn, bệnh càng ngày càng nặng, toàn thân chị bị tê liệt và căn bệnh quái ác đã cướp đi khả năng đi lại của chị. Chiếc xe lăn bỗng dưng trở thành vật bất ly thân với cô gái ngày nào vẫn chạy nhảy tung tăng. “Lúc đó tôi thực sự sốc và không tin vào thực tại. Tôi bỗng nhiên trở thành người tàn tật, thậm chí các ngón tay cũng không duỗi ra nổi, làm việc gì cũng phải gọi mẹ, gọi chị, tôi chỉ mong nhắm mắt lại và ngủ đi mãi mãi không dậy nữa”.

Đôi bàn tay co quắp do tổn thương của bệnh viêm đa khớp

Thương cô em gái đang tuổi xuân xanh mà phải chịu cảnh tật nguyền, chị gái đã mua cho chị Nga nhiều cuốn sách để quên đi nỗi buồn và gặm nhấm thời gian. Nào ngờ, những cuốn sách chính là “thần dược” giúp chị Nga hồi sinh. Đặc biệt, cuốn tự truyện “Không gục gã” của chị Nguyễn Bích Lan đã giúp chị Nga tìm ra bản ngã của mình.

Không những thế, Nga còn tự học vẽ tranh, viết báo, học tiếng Anh thông qua internet.. những bức tranh của Nga mang đầy ánh sáng hy vọng, ước mơ về một ngày mai tươi đẹp hơn. Nhìn những bức tranh lấp lánh của Nga, chẳng mấy ai tin được tác giả của nó là một cô gái có bàn tay co quắp, cầm cọ không chắc

“Sứ mệnh của tôi là lan tỏa văn hóa đọc”

Nga có người chị gái Lan Phương hết mực thương em. Chị gái Nga làm ăn xa nhà nhưng thường xuyên gửi sách về cho em gái đọc cho đỡ buồn. Ngoài ra, Nga còn mua một số cuốn và được bạn bè tặng sách, nhờ đó mà Nga có một tủ sách kha khá cỡ gần 200 cuốn. Nhưng rồi, Nga lại cho những người khác mượn lại, sách thất thoát rất khó kiểm soát.

Chị gái Nga đề xuất với em gái, hãy cho thuê để người mượn sách có trách nhiệm giữ gìn và hoàn trả. Đồng thời, những người mượn sách sẽ ghi vào sổ để dễ tìm và dễ quản lý đầu sách. “Giá thuê là 200 đồng/quyển. Thực ra mình không có ý định kinh doanh nhưng chỉ có cách đó mới giúp mình quản lý được sách, nhiều bạn đọc quen mình chỉ ghi vào sổ mượn chứ không lấy tiền”, chị Nga cho biết.

Tuy Nga cho mượn sách có tính phí nhưng số người mượn sách không hề giảm mà còn tăng lên. Tủ sách của Nga phong phú lên mỗi ngày. Từ sách tự mua đến sách được tặng, Nga sắp xếp gọn gàng, đánh số cẩn thận. Ngoài ra, Nga còn sắp xếp không gian đọc cho bạn đọc tại chỗ, phục vụ nước uống, quạt máy miễn phí. Dần dần, cái tủ sách nhỏ ngày nào đã trở thành một thư viện uy tín với hơn 3.000 đầu sách, nườm nượp bạn đọc ra vào. Khi có thu nhập từ bán hàng tạp hóa, Nga không cho thuê sách nữa mà quyết định “phi lợi nhuận” thành thư viện miễn phí, nhằm khuyến khích hơn nữa văn hóa đọc của nhân dân địa phương.

Mỗi lần ngồi ngắm nhìn các bạn trẻ chăm chú đọc sách, trong Nga thường nở một nụ cười mãn nguyện, Nga tâm sự: “Thêm một người yêu sách, đọc sách là thêm một hạt mầm trong tôi. Họ đọc sách tức là họ đã hạn chế vào mạng xã hội hoặc chơi game... tôi cảm thấy những học sinh thường xuyên đọc sách có định hướng cho cuộc sống thực tại rõ ràng hơn. Một số bạn gắn bó với thư viện của tôi nhiều năm từ lúc còn nhỏ tới lúc vào đại học”

Một cảm nhận chung của các bạn đọc đến với thư viện Thúy Nga đó là không khí lạc quan và cảm hứng cuộc sống. Trong căn phòng chỉ chừng 10m2, người thủ thư treo rất nhiều câu danh ngôn, tục ngữ về cuộc sống, về sự học như một lời khẳng định rằng: cuộc sống này rất đáng giá, hãy sống sao cho thật có ích.

Để có thu nhập, tự nuôi sống bản thân, Thúy Nga đã chăm chỉ bán hàng online là các sản phẩm tự nhiên của quê hương như mật ong, quế... số tiền lãi có được, Nga lại tìm mua các đầu sách mà bạn đọc cần mà thư viện chưa có. Giá trị tiền sách Nga mua và sách được tặng gửi về mỗi tháng dao động từ 3 đến 5 triệu đồng. Số sách bạn đọc mượn thường xuyên khoảng trên dưới 1.000 cuốn.

“Tôi xác định rằng, sứ mệnh của tôi là lan tỏa văn hóa đọc nên tôi sẽ gắn bó với sứ mệnh này đến lúc không còn trên cõi đời này nữa. Tôi sẽ cố gắng mở rộng không gian đọc sách và sẽ mời một số giáo viên, tình nguyện viên tổ chức buổi thảo luận, thuyết trình về kỹ năng sống”, chị Nga cho biết.

Theo dõi trang Facebook của chị Nga, bất kể bạn trẻ nào cũng cảm nhận được tình yêu vô giá mà chị Nga dành cho đứa con tinh thần “thư viện cộng đồng”. Mỗi ngày, chị đều có những bài đăng trên facebook, kể về các bạn đọc đến mượn sách, cập nhật đầu sách mới, chỉ mong sao lan tỏa được thông tin đến bạn đọc xa gần, thêm một người yêu sách là niềm tin trong chị lại nảy mầm.

Hành trình 18 năm lan tỏa văn hóa đọc, chưa lúc nào chị cảm thấy “hụt hơi” và có ý định bỏ cuộc. Đã có nhiều bạn cùng cảnh ngộ nhờ chị tư vấn để mở thư viện cộng đồng, chị đều nhiệt tình hướng dẫn và gửi tặng sách để giúp thư viện bạn có những đầu sách khai trương.

Với đóng góp của mình, chị Nga vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.

(Theo Thanh Niên)

Xem thêm: Nữ sinh khuyết tật vượt khó học hành, gặt hái nhiều học bổng và giải thưởng