Chàng trai kể chuyện "bỏ phố về rừng" không đẹp như mơ sau 3 năm trải nghiệm

Chán Sài Gòn, Long vay tiền mua 3ha đất rừng ở Quảng Nam với ý định sống cả đời cùng nghề trồng cây nuôi bò. Nhưng cuộc sống ở rừng lại "không như mơ".

Đỗ Thu Nga
09:56 21/07/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Theo VnExpress, đầu năm 2021, Nguyễn Tự Long bắt xe đến Núi Thành (Quảng Nam) thu hoạch lứa keo đầu sau 5 năm cần mẫn chăm bón. Lần này anh dự định ở rừng 5 tháng, bán hết lứa cây trước, trồng cấy lứa mới rồi quay lại phố. 

Đặt chân đến ngôi nhà nằm giữa rừng cây, Long thấy đồ đạc như bàn làm việc, giường tủ đã xiêu vẹo vì mối và ẩm mộc. Hai năm không có dấu chân người, cỏ đã mọc ngang đầu gối. Đứng lặng một lúc, chàng trai 29 nhớ lại thời điểm quyết định "bỏ phố về rừng".

Long kể, vào năm 2016, anh chán cảnh sống ở Sài Gòn nên dự định mua mảnh đất nhỏ làm trang trại lợn, sống xa phố thị. Đến Tam Thạnh (Núi Thành), Long được người quen giới thiệu cho mảnh đất từng 3ha khá màu mỡ, giá rẻ, lại sẵn có 6 con bò.

chang-trai-ke-chuyen-bo-pho-ve-rung-khong-dep-nhu-mo-7
Con đường đi vào rẫy 3ha của Long

Sau khi suy nghĩ, Long quyết định vay mượn, chồng 600 triệu để mua lại. Từ lúc mua đến lúc nhận đất rừng chỉ vỏn vẹn 1 tháng, không ai trong nhà biết gì. Khi biết chuyện Long bỏ phố về rừng, người trong gia đình ai cũng sốc.

Thời điểm năm 2016, Long không thể tưởng tượng hết được những khó khăn mà bản thân sẽ phải đối mặt trong tương lai. Chỉ là anh chán Sài Gòn xô bồ muốn tìm về cuộc sống bình yên nơi núi rừng.

Long thu dọn quần áo chuyển đến sống ở căn nhà lọt thỏm giữa rẫy, không điện, không internet và cũng chẳng có sóng điện thoại. Mỗi tuần, anh chạy xe máy xuống trung tâm xã cách đó 10km để sạc pin điện thoại, cập nhật tin tức xã hội. Thi thoảng thì leo lên núi hứng sóng gọi điện về cho gia đình.

Đêm đầu ngủ giữa "thiên nhiên", Long chỉ nghe thấy tiếng côn trùng rên rỉ, tiếng gió hú. Càng vè về khuya càng lạnh, không gian bên ngoài cảm giác vô cùng đáng sợ. Long chỉ biết chùm chăn niệm Phật, chỉ mong trời mau sáng.

Đến khi trời gần sáng, vì mệt quá Long thiếp đi. Lúc tỉnh dậy đã thấy nắng tràn vào trong nhà. Và đó cũng là lúc, Long bắt đầu cuộc đời của "anh nông dân" bằng việc bẻ củi, lấy nước vo gạo, đặt niêu lên kiềng sắt thổi cơm.

Vốn là dân miền biển nên Long không biết gì về nghề nông. Anh không biết cái giáo là gì, không biết phát chồi (dùng dao rựa chặt cây, cỏ dại) như thế nào và đương nhiên chẳng biết tên các loại rau rừng.

chang-trai-ke-chuyen-bo-pho-ve-rung-khong-dep-nhu-mo-0
Hành trình "bỏ phố về rừng" không đẹp như suy nghĩ của Long

Lúc này, Long phải chạy xe cách rẫy 7km để thuê người lên phát cỏ trồng keo nhưng đường vào rẫy khi mưa xuống rất khó đi, người dân bản địa chẳng ai muốn vào. Có lần Long về thị xã Tam Kỳ mua đồ, trở lại rẫy còn bị nhầm đường, mất nửa ngày mới về "đến nhà". Để thuê được người phát rẫy, Long đành thuê giá công cao hơn những chỗ khác, mua thêm đồ ăn cho họ.

Khi mùa mưa đến, khắp người Long chi chít vết muỗi và côn trùng cắn. Anh phải mang theo dầu gió để thoa vào vết sưng đỏ và phòng lúc ốm đau. Những lần bị gai lá lách, cây dắt sôi... cứa vào da thịt, Long chỉ biết để cho nó tự lành chứ không có vật tư y tế sẵn để chữa trị. 

Ở một thời gian, Long cũng quen với cuộc sống ở rừng. Anh bắt đầu sang các rẫy bên cạnh để làm thuê kiếm thêm thu nhập. Anh cũng mò mẫm đến các xóm, tìm mua bò về nuôi rồi bán thương phẩm. 

Mới đầu, Long thấy chuyện nuôi bò dễ dàng chỉ cần chúng ăn no rồi đuổi về chuồng là được. Nhưng lũ bò không ngoan như vậy, chúng dạt sang cả rẫy của hàng xóm nên Long thường bị các chủ rẫy mắng xối xả, thậm chí còn dọa dẫm. Có con bò đực của Long từng bị người ta chặt mất chân."Cảm giác đau không tả được", Long nói. 

Cuộc sống ở rừng không "màu hồng" như Long nghĩ. Cũng có lúc anh nghĩ đến chuyện buông bỏ để về Sài Gòn. Sau nhiều lần suy nghĩ, Long nhận ra, sự yên tĩnh của tự nhiên không phải lúc nào cũng khiến người ta thanh thản. 

Một lần, anh dắt bò mẹ để dụ bò con xuống trung tâm xã để bán. Sau khi đưa được bò con lên xe đi xa, Long mới tháo dây, dẫn bò mẹ về chuồng. Tối đó, nó rống dữ lắm, sáng hôm sau thì cái chuồng trống không. Long đi tìm suốt 3 ngày mới thấy. 

chang-trai-ke-chuyen-bo-pho-ve-rung-khong-dep-nhu-mo
Một góc trong khu rẫy 3ha của Long

 Người dân quanh đó kể, đêm nào cũng nghe tiếng con bò lạc kêu thống thiết. Cảm giác tội lỗi giày vò khiến anh nhiều đêm mất ngủ.

Không lâu sau, Long bán bò cho người dân, họ xẻ thịt cạnh hồ nước trong khu đất của Long. Hôm đó, nhìn thấy máu lênh láng mặt hồ, cảnh con bò mẹ đứng trên trân nhìn vết máu, rống lên ai oán khiến Long không cầm lòng được. Anh nghĩ, vì chút lợi nhuận mà chia cắt tình mẫu tử thiêng liêng. Anh thấy mình "độc ác quá".

Sau cùng, Long quyết định bán hết đàn bò 30 con, thu dọn đồ đạc trở về Sài Gòn. "Ở rẫy lâu, tôi như thằng ngố, cô đơn và thèm người", anh cười và thừa nhận chuyện về đàn bò chỉ là "giọt nước cuối cùng làm tràn ly".

Trở lại phố thị, Long nhận thấy cuộc sống "vừa độc thân, vừa lạ lẫm". Anh tìm lại bạn bè nhưng ai cũng bận rộn, quay cuồng trong công việc. Họ đi làm cả ngày rồi đợi đến tháng lấy lương tiêu xài, thỉnh thoảng tụ tập phàn nàn về sếp và đồng nghiệp. Long thấy mình trơ trọi giữa cuộc đời này. 

Sau tất, Long chọn cách đi du lịch ở vài địa nổi tiếng rồi trở về Phú Quốc khi mẹ bị ốm. Hiện tại, Long hài lòng với việc làm nhân viên bưu điện ở quê nhà. 

Lần trở lại thăm rẫy này, Long mua dây thép gai về quây 3 ha đất. Sau khi xong việc, Long lại xách đồ đạc trở về phố thị với cuộc sống, công việc của mình.

Xem thêm: 9x mạnh dạn rời thành phố, về quê khởi nghiệp với nghề làm heo đất vì đam mê tuổi thơ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận