Khi người cựu chiến binh "hóa thân" thành cha của hơn 200 đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn

Ở trung tâm, bọn trẻ quấn ông Huỳnh Tấn Hùng lắm, có đứa gọi là bố, có đứa gọi là ông nội. Suốt gần 15 năm qua, ông cưu mang bọn trẻ như con cháu ruột thịt.

Khi người cựu chiến binh "hóa thân" thành cha của hơn 200 đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn

Ở trung tâm, bọn trẻ quấn ông Huỳnh Tấn Hùng lắm, có đứa gọi là bố, có đứa gọi là ông nội. Suốt gần 15 năm qua, ông cưu mang bọn trẻ như con cháu ruột thịt.

Ngày cuối tháng 6, ông Huỳnh Tấn Hùng (61 tuổi) thức dậy từ sớm cùng ba bảo mẫu chờ 20 đứa trẻ ở trung tâm nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn huyện Phú Ninh thức dậy.

Những bé lớn sẽ tự vệ sinh cá nhân, các em nhỏ sẽ được ông Hùng cùng với các bảo mẫu giúp đỡ. Trong số này có hai chị em ở thành phố Đà Nẵng mới đến trung tâm, người chị 3 tuổi, đứa em trai 18 tháng, quấn lấy ông Hùng đòi rửa mặt. 

"Đến trung tâm muộn nhất nên hai bé chưa thích nghi", ông Hùng giải thích. Các em sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mẹ bị bệnh, không có bố nên gia đình đưa vào trung tâm nhờ nuôi dưỡng.

Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn huyện Phú Ninh (Ảnh: VnExpress)

Lo cho các bé ăn xong bữa sáng, ông Hùng và các bảo mẫu lại hối hả đưa các bé đến trường, chiều lại đón về tắm rửa, cho ăn uống. Ông có nhà riêng cách trung tâm hơn 15km, song không mấy khi về nhà mà ở lại trung tâm để thuận lợi nhất trong việc chăm lo cho bọn trẻ. Vợ vẫn còn khỏe, hai người con một đang học đại học, một đã lập gia đình nên ông Hùng có thời gian cho trung tâm.

Ở trung tâm, đứa trẻ nào cũng quấn ông Hùng. Đứa gọi bố, đứa gọi ông nội. Ông kể năm 1983, sau hơn 5 năm làm chiến sĩ quân y ở chiến trường K (Campuchia), rời quân ngũ về địa phương.

Người cựu chiến binh từng kêu gọi xây dựng nhiều ngôi nhà tình thương cho những người không có nơi nương tựa. Trong những năm tháng đi làm thiện nguyện đó, ông gặp nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, như bố mẹ ly hôn, bạo hành gia đình, cha hoặc mẹ mất sớm hoặc bị bỏ rơi khi vừa lọt lòng. Ý tưởng xây dựng một trung tâm để nuôi dưỡng những đứa trẻ này nảy sinh trong đầu.

Năm 2005, ông lập kế hoạch trình chính quyền địa phương và ba năm sau được cấp 1.000 m2 đất ở vùng ven thị trấn Phú Thịnh. Từ khoản tiền tiết kiệm của gia đình và nguồn hỗ trợ của một sư cô ở Đồng Nai, ông Hùng xây dựng hai dãy nhà cấp bốn.

Sau 15 năm hoạt động, nhiều căn phòng khác được xây thêm từ quyên góp của các nhà hảo tâm, đến nay trung tâm có gần 10 phòng ăn ở, học tập.

Những đứa trẻ được nuôi dưỡng tại trung tâm, ngày 22/6 (VnExpress)

Thấy việc ông Hùng làm nhiều người hoài nghi, nói rằng thành lập trung tâm để tư lợi. Có người nói trung tâm hoạt động với mục đích không chính đáng. Mặc cho thiên hạ dèm pha, ông bỏ ngoài tai bởi được gia đình, vợ con ủng hộ.

Để có kinh phí hoạt động cho trung tâm, ông thường xuyên vào các tỉnh phía nam, nơi có nhiều bạn bè để kêu gọi. "Trung tâm nhận nguồn kinh phí từ sư cô hỗ trợ và nhiều người bạn của tôi giúp đỡ để duy trì chăm sóc bọn trẻ", ông nói. Tại trung tâm việc quản lý tài chính có sổ sách, tài khoản công khai do kế toán phụ trách.

Trẻ đưa đến trung tâm phải có lý lịch rõ ràng và được người thân đồng thuận. Trung tâm chỉ nhận nuôi giùm những trẻ có hoàn cảnh thật éo le như mồ côi, khuyết tật. Trẻ vào trung tâm được lo toàn bộ từ ăn ở đến chi phí học hành. Những trẻ có tiền trợ cấp xã hội, trung tâm không nhận mà để lại cho các gia đình để chia sẻ bớt gánh nặng.

Tại trung tâm em nào học được, trung tâm chu cấp tài chính vào đại học, ai học kém thì cho đi học nghề, sau đó ông Hùng liên hệ các doanh nghiệp xin việc làm. Đến nay có bốn em đã tốt nghiệp đại học ra trường đi làm, nhiều em khác đi làm công nhân. "Tôi không mong các em làm ra tiền đưa về trung tâm, chỉ mong các con mạnh khỏe, có công việc, có gia đình là mừng lắm", ông nói.

Theo ông Hùng, từ ngày thành lập đến này có khoảng 400 trẻ đến nhờ giúp đỡ, trong đó 200 đến được một thời gian thì người thân đón về, hơn 200 em ở lại trung tâm đến khi trưởng thành.

Đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế khiến nguồn tài trợ giảm dần, trung tâm đối diện với không ít khó khăn. "Mỗi tháng dù chắt bóp nhưng chi tiêu ít nhất 25 triệu đồng. Đây là một số tiền lớn", ông nói. Dù vậy, nếu có người liên hệ để gửi con ông cũng không từ chối. Ông tâm niệm sống là cho đi không đòi hỏi nhận lại thứ gì. Ước mơ của ông là nhìn thấy trẻ lớn lên có được hạnh phúc trong cuộc đời.

Nhưng kinh phí hoạt động chưa phải là trăn trở lớn nhất của ông Hùng. Điều ông lo là mai này già yếu không thể duy trì trung tâm. Ông vẫn mong ai có khả năng tiếp nhận, ông sẽ bàn giao để tiếp tục chăm sóc các trẻ. "Tôi mong muốn nhiều người khác cũng hãy mở lòng để những đứa trẻ không còn bất hạnh", ông Hùng nói.

Em Dương Thái Lâm, sinh viên năm nhất ngành Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng FPT Đà Nẵng sinh ra không có bố, mẹ đi lấy chồng ở với bà ngoại từ nhỏ. Năm 15 tuổi, bà của Lâm bị bệnh, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên gửi vào trung tâm.

Những ngày đến đây Lâm có cuộc sống vui vẻ được, ăn uống đầy đủ. Quá trình đi học được trung tâm đầu tư các khoản đóng nộp, sách vở, riêng áo quần thì các nhà hảo tâm hỗ trợ.

"Bố Hùng dành cho em tình cảm rất nhiều. Bố luôn động viên, khuyên bảo tận tình", Lâm nói. "Ước mơ sau này em trưởng thành có công việc, thu nhập thì chia sẻ với trung tâm".

Ông Lê Thanh Long, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Phú Ninh đánh giá, trung tâm đã giúp cho địa phương trong chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ gặp khó khăn. "Trung tâm này hoạt rất thiết thực, giúp cho nhiều mảnh đời bất hạnh", ông Long nói.

(Theo VnExpress)

Xem thêm: "Người cha" chia cơ ngơi 100 tỷ cho trẻ cơ nhỡ: Chỉ mong các con có chốn để về!