BẤT TỬ - Là "bất hạnh hay hạnh phúc"?

Chúng ta thường nhắc về sự "bất tử" như những điều viển vông, mơ hồ. Bởi lẽ, "bất tử" tức là "không bao giờ chết", mà không ai trong chúng ta có thể không chết...

Đỗ Thu Nga
10:30 09/02/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đắm chìm trong những câu chuyện cổ tích bà kể, tôi từng ước rằng mình có thể sống cuộc đời của những bà tiên, ông bụt. Bởi, họ không chỉ làm việc tốt, không phải chịu khổ như nàng Tấm hay chàng Thạch Sanh, mà còn được bất tử. Sau này lớn lên, tôi mới nhận ra sự bất tử ấy chỉ có trong trí tưởng tượng của con người. Nhưng, với thời đại khoa học kĩ thuật phát triển như hiện nay, việc con người bất tử là khả thi trong tương lai. Vậy, nếu cuộc sống thật sự tồn tại thứ “rượu táo Ambrosia” có thể khiến ai cũng bất tử như chàng Heracles, cuộc sống sẽ ra sao? Khi ấy, bất tử là bất hạnh hay hạnh phúc? 

Chúng ta thường nhắc về sự “bất tử” như những điều viển vông, mơ hồ. Bởi lẽ, “bất tử” tức là “không bao giờ chết”; mà không ai trong chúng ta có thể không chết. Cuộc sống được vận hành theo quy luật tiêu trưởng thăng trầm, chúng ta không thể thoát khỏi quy luật ấy. Như vậy, “không bao giờ chết” là một giấc mơ mà loài người luôn muốn chạm đến. Nhưng, tôi nghĩ, điều đó không thật sự hạnh phúc như những gì mà chúng ta vẫn hằng tưởng tượng. Trái lại, đó còn là một điều bất hạnh nếu nó thật sự xảy ra. Như thế, với tôi, bất tử chính là một bất hạnh!

BAT-TU-La-bat-hanh-hay-hanh-phuc-0

Bất tử đồng nghĩa với việc chúng ta được sống lâu hơn. Vậy, bất hạnh làm sao vì con người sẽ không còn biết trân trọng những gì mình đang có. Cuộc sống của chúng ta trở nên quý giá vì nó hữu hạn, như Steve Jobs đã từng nói: “Chúng ta không có nhiều cơ hội để làm quá nhiều điều, và mọi thứ chúng ta làm đều phải thật sự tuyệt vời. Cuộc đời ngắn ngủi lắm, và rồi bạn chết, bạn biết chứ?”. Thế, nếu cuộc sống trở nên vô hạn, con người được phép sống nhiều lần, liệu ta có trân trọng từng giây phút? Những mối quan hệ trở nên quan trọng vì chúng ta lo sợ sẽ không còn cơ hội được gặp người mình yêu thương trước sự hữu hạn của đời người. Ngược lại, nó sẽ trở nên nhàm chán nếu chúng ta bất tử! Hơn hết, chỉ khi con người nhận ra mình sẽ chết, lúc ấy ta mới thật sự làm nên những điều kì tích. Vào những ngày cuối đời, Kito Aya - nữ sinh nổi tiếng với quyển nhật ký “Một lít nước mắt”, đã sống hết mình và hạnh phúc bên bạn bè và gia đình. Cô đã trân trọng từng giây phút cuối đời cùng dòng chữ “cảm ơn” ở cuối quyển nhật ký. Hay Hải An - một cô bé sáu tuổi với căn bệnh u não, đã nguyện hiến nội tạng khi em cận kề cái chết. Sau khi em đi, vì còn quá nhỏ nên em chỉ hiến được giác mạc cho hai người lớn khác. Như vậy, cái chết có thể cướp đi sinh mạng của con người, nhưng những giá trị mà ta tạo nên, giây phút mà ta sống hết mình sẽ trở nên bất tử, còn mãi với đời.

Bất tử đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ cô độc. Vậy, bất hạnh biết bao vì con người sẽ đánh mất tất cả những gì đang hiện hữu. Cuộc sống vận động không ngừng, cái mới ra đời để thay thế cái cũ, mọi thứ đều sẽ bị đào thải bởi thời gian. Đời người cũng vậy! Việc chúng ta sống quá lâu sẽ khiến bản thân luôn phải học cách thích nghi với thời đại mới. Bằng không, lối sống cũ sẽ khiến chúng ta khổ sở trong môi trường luôn biến đổi. Cũng vì thế mà những thành tựu trong quá khứ mà ta có được cũng sẽ dần mất đi giá trị của nó. Song, tôi nghĩ, cái chết sẽ không là gì trước nỗi đau khi được sống mà phải nhìn những người thân yêu của mình lần lượt ra đi, khi những giá trị của mình dần bị thời gian phủ bụi. Cô độc, từ lâu nay đã là nỗi sợ lớn nhất của con người. Thử nghĩ, một ngày kia, khi ta thức giấc sau hai trăm năm được sống và xung quanh chỉ còn có mình ta. Lúc ấy, ta sẽ cảm thấy thế nào? Có phải, ta sẽ thấy bất tử là một bất hạnh? Có phải, ta sẽ thấy thấm thía câu nói: “Sau cùng, thứ giết chết chúng ta chính là kỉ niệm”?

Bất tử đồng nghĩa với việc thay đổi quy luật của cuộc sống. Vậy, bất hạnh thay vì nhân loại sẽ phải đối mặt với các vấn đề nan giải của xã hội. Hàng loạt khó khăn như thiếu trường học, cơ sở y tế không đủ đáp ứng cho số lượng khách quá đông, thiếu việc làm, đời sống không được cải thiện, ... Đặc biệt, việc chúng ta sống quá lâu sẽ dẫn đến tình trạng “bùng nổ dân số”. Thiên nhiên cũng đồng thời bị phá hủy trầm trọng. Như vậy, việc con người “trường sinh bất lão” sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với sự tồn vong của chúng ta trên Trái Đất này.

Tuy nhiên, không phải lúc nào “bất tử” cũng gắn liền với “bất hạnh”. Tôi nghĩ, “bất tử” sẽ đi đôi với “hạnh phúc” nếu con người tìm được nguồn động lực sống. Tức, mỗi giây phút trôi qua ta đều phải cống hiến cho đời và cho chính mình. Bởi, “con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác” (Xukhomlinxki). Song, một điều khó khăn hơn chính là phải tìm được người có thể sống cùng với mình mãi mãi, như cách Pollux đã từ chối cuộc sống yên vui trên đỉnh Olympus rạng rỡ để ở cạnh người anh yêu quý nơi âm ti muôn đời. Nếu tìm được hai điều trên, khi ấy, bất tử sẽ là một điều hạnh phúc đối với con người. 

Tôi nhận ra bất tử là điều hoàn toàn không thể dù trong tương lai khi bản thân không may bị nhiễm Covid - 19. Mạng sống của con người thật sự ngắn ngủi, chỉ cần ta không có nghị lực sống dù chỉ một giây là cái chết sẽ ập đến. Khi trải qua những triệu chứng bệnh khác nhau, tôi mới cảm thấy trân trọng khoảng thời gian mình được khỏe mạnh. Khi cách ly một mình, tôi cảm thấy thương nhớ những người thân bên cạnh. Những lúc này, tôi chỉ mong được bất tử. Nhưng, sau khi khỏi bệnh, tôi mới hiểu rằng: bất tử không phải là được sống mãi mãi, mà chính là sống trọn vẹn từng giây phút ngắn ngủi của cuộc đời.

Trở lại với những câu chuyện năm xưa, các ông bụt, bà tiên vì mỗi giây luôn cống hiến cho đời phép màu của mình mà được “trường sinh bất tử”. Con người chúng ta cũng thế! Nhân loại sẽ được bất tử khi ta biết mang đến cho đời và cho mình nhiều giá trị khác nhau. Bằng không, sự bất tử kia chỉ là một thứ viển vông, mơ hồ và bất hạnh với con người. Song song đó, cái chết sẽ không còn đáng sợ nếu từng giây phút trong đời ta đều có ý nghĩa: luôn cống hiến và ở cạnh người mình thương. Phép màu của các ông bụt, bà tiên vẫn luôn hiện hữu trong đời sống. Và ngày mai, khi ta sống hết mình, đó là lúc phép màu về sự bất tử sẽ xuất hiện!

(Nguồn: Nguyễn Phúc Duyệt - 12CV - THTH ĐHSP, Niên khóa 2019 - 2022)

Xem thêm: Những đứa con trong gia đình: Top 5 mở bài và 5 kết bài mà 2k5 nên biết

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận