Bàn về nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Cảm nhận vẻ đẹp của sông Hương từ đó bình luận về nghệ thuật miêu tả thiên nhiên độc đáo của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Đỗ Thu Nga
10:00 30/01/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

Trong bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ghi lại hình ảnh sông Hương khi về đến thành phố Huế:

“Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam - đông bắc, phía đó, nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non….Lời thề ấy vang vọng khắp lưu vực sông Hương thành giọng hò dân gian; ấy là tấm lòng người dân nơi Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở.”

Cảm nhận của anh/chị về đoạn trích trên. Từ đó bình luận về nghệ thuật miêu tả thiên nhiên độc đáo của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

BÀI VIẾT:

“Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Toả nắng xuống dòng sông lấp loáng”.

Con sông của Tế Hanh thật êm đềm và dịu dàng quá. Bao nhiêu lần hình ảnh dòng sông trở đi trở lại trong văn học là bấy nhiêu lần để nhớ để yêu trong lòng độc giả, bấy nhiêu lần khiến độc giả thêm tự hào về cảnh sắc đất nước. Cũng có những dòng sông khác mà nước sông mang cả tâm hồn người nghệ sĩ đổ ra biển lớn của đời như trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông”của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Lẽ đời, suy tư, chiêm nghiệm, tình yêu, tất cả đều được gửi gắm vào hình tượng hai con sông Đà và sông Hương. Chúng hiện lên đẹp lắm, đẹp không chỉ bởi vẻ ngoài vốn có đã được tạo hóa ban tặng mà còn đẹp bởi chúng bao bọc tâm hồn những người nghệ sĩ tài hoa.

HPNT là nhà văn chuyên về bút kí, tản văn. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý...Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa. “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là bút kí tiêu biểu của HPNT. Với bút kí này, tác giả đã mang đến cho người đọc những cảm nhận đầy chất thơ về dòng sông Hương theo dòng chảy của nó từ Trường Sơn cho đến khi chảy qua thành phố Huế và xuôi về biển. Sông Hương dưới ngòi bút của HPNT được khám phá, cảm nhận qua nhiều góc độ: địa lí, lịch sử, âm nhạc, thi ca…

ban-ve-nghe-thuat-mieu-ta-thien-nhien-cua-hoang-phu-ngoc-tuong

Như đã tìm thấy chính mình khi gặp thành phố thân yêu, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng Tây Nam - Đông Bắc” rồi uốn một cánh cung rất nhẹ tới Cồn Hến khiến dòng sông mềm hẳn đi như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. Nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình, sông Hương cũng giống như sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét, nhưng trong cách biểu đạt tài hoa của tác giả, sông Hương được cảm nhận dưới nhiều góc độ. Nhìn bằng con mắt của hội họa, sông Hương và những chi lưu của nó tạo nên những đường nét thật tinh tế, làm nên vẻ đẹp cổ kính của cố đô. Đó là hình ảnh chiếc cầu trắng bắc qua dòng sông “in ngần trên nền trời nhỏ nhắn như những vành trăng non”. Hai bên bờ sông và những chi lưu của nó xum xuê những bóng cây cổ thụ “tỏa vầng lá u sầm xuống những xóm thuyền xúm xít.” Điều này khiến cho Huế mang một vẻ đẹp riêng mà không một thành phố hiện đại nào có được. Qua cảm nhận dưới góc độ âm nhạc, sông Hương chính là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế, rất chậm rãi, sâu lắng, trữ tình. HPNT đã thật tinh tế khi nhận ra cái đặc trưng của Hương giang. So với các dòng sông khác ở VN và trên thế giới, lưu tốc sông Hương có phần chậm rãi. Nhà văn lý giải từ đặc điểm địa lý “những chi lưu ấy cùng hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước khiến cho sông Hương khi chảy qua thành phố Huế đã trôi chậm, thật chậm, cơ hồ chỉ là mặt hồ yên tĩnh.” HPNT còn mang đến một kiến giải khác hết sức thi vị và độc đáo về lưu tốc của dòng sông mà ông yêu quý. Đó là cách lí giải bằng trái tim: sông Hương chảy chậm, điệu nhảy lững lờ vì nó quá yêu thành phố của mình, nó muốn được nhìn ngắm nhiều hơn nữa thành phố thân thương trước khi phải rời ra.

Từ góc nhìn văn hóa, tác giả gọi sông Hương là “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”, rồi thì dẫn ra câu chuyện về người nghệ nhân già chơi đàn hết nửa thế kỉ... Tất cả đó là sự khẳng định mối quan hệ không thể tách rời giữa sông Hương và nền âm nhạc cổ điển Huế. Đây chính là văn hóa Huế nói chung và vẻ đẹp sông Hương nói riêng, vẻ đẹp hiếm thấy ở bất kì dòng sông nào ở trong nước cũng như trên thế giới. Với cái nhìn đắm say của một trái tim đa tình, sông Hương là một người tình dịu dàng và chung thủy. Khi rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch hướng chính Bắc. Tuy nhiên do đặc điểm địa lí của nước ta, thủy trình của dòng sông đã thay đổi, nó chuyển dòng sang hướng Đông và như vậy sẽ phải đi qua một góc của thành phố Huế, ở thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Đó là đặc điểm địa lí tự nhiên của dòng sông. Nhưng trong con mắt của người nghệ sĩ, khúc ngoặt ấy là biểu hiện của chút vấn vương, thậm chí có chút “lẳng lơ kín đáo” của người tình thủy chung, chí tình. Nhà văn hình dung sông Hương như nàng Kiều trở về tìm Kim Trọng để trao lời thề trước khi đi xa. Một phát hiện thực độc đáo, thú vị và đậm màu sắc văn chương. Hương giang vốn đẹp nay càng đẹp hơn, trọn vẹn hơn, một vẻ đẹp hài hòa giữa hình dáng bên ngoài và phần tâm hồn sâu thẳm bên trong. HPNT đã tiếp cận và miêu tả dòng sông từ nhiều không gian, thời gian khác nhau. Ở mỗi góc độ, nhà văn đều thể hiện một cảm nghĩ và khá mới mẻ về con sông đã trở thành biểu tượng của Huế. Ở trong đó ta thấy bàng bạc một tình cảm yêu mến, gắn bó tha thiết, một niềm tự hào và thái độ trân trọng, gìn giữ của nhà văn đối với những vẻ đẹp thiên nhiên và đậm màu sắc văn hóa của dòng sông quê hương.

Những dòng bút kí súc tích và đầy chất thơ. Nét đặc sắc làm nên sức hấp dẫn của đoạn văn là những cảm xúc sâu lắng được tổng hợp từ một vốn hiểu biết phong phú về văn hóa, lịch sử, địa lí và một trí tưởng tượng sáng tạo độc đáo. Văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế và tài hoa kết hợp linh hoạt giữa kể và tả, sử dụng tài hoa các biện pháp tu từ nghệ thuật như nhân hóa, so sánh, ẩn dụ khiến cho con sông từ sự vật vô tri vô giác nay bỗng trở nên cá tính, có tâm trạng, khi thì dịu dàng, khi lại mạnh mẽ, quyết liệt. Nhà văn miêu tả sông Hương từ nhiều góc độ, sông Hương không chỉ là một dòng chảy tự nhiên mà còn như một con người với vẻ đẹp tâm hồn sâu thẳm, đầy nữ tính, không chỉ khám phá hành trình đầy biến hóa mà còn khẳng định vai trò sinh thành văn hóa Huế của dòng sông. Có được nghệ thuật miêu tả thiên nhiên độc đáo như vậy cho thấy nhà văn có vốn hiểu biết uyên bác, tình yêu quê hương sâu nặng, phong cách kí đạm chất trí tuệ và trữ tình của nhà văn.

Có thể nói “ Ai đã đặt tên cho dòng sông” đã mang đến những phát hiện mới lạ và độc đáo của sông Hương cho độc giả cả nước. Nó là một dòng sông man dại, hoang tàn ở khúc thượng nguồn rồi lại trở nên mê đắm, thủy chung khi gặp được người tình trong mộng của mình là xứ Huế. Sông Hương đi vào trong trang viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường không vô tri vô giác mà nó còn có cảm xúc, có tình yêu. Tác phẩm đã thể hiện được tình yêu quê hương, xứ sở nồng nàn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một kí giả nặng lòng với Huế:

“ Dòng sông ai đã đặt tên

Để người đi nhớ Huế mãi không quên

Xa con sông mang bao nhiêu nỗi nhớ

Người ở lại tháng năm đợi chờ”.

Xem thêm: Bài văn đạt 9,5 điểm tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận