Bàn về chủ nghĩa khắc kỷ trong truyện ngắn "Vợ nhặt"

Chúng ta hãy thử một lần "Đọc Vợ nhặt bằng chiếc gương soi của Chủ nghĩa khắc kỷ" - tác giả Giàu Dương (Tạp chí Tao Đàn).

Đỗ Thu Nga
11:00 28/03/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

“Những gì không giết chết bạn sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn.” Hẳn đây là câu nói rất quen thuộc, nhưng có thể bạn chưa biết, ý nghĩa của nó cũng là tinh thần của chủ nghĩa khắc kỷ – một tư tưởng triết học đang được bàn luận rất nhiều trong thời gian gần đây.

Truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân là một trong những tác phẩm văn học nhà trường để lại nhiều ấn tượng cho độc giả. Đọc câu chuyện dưới ánh sáng minh triết của chủ nghĩa khắc kỷ, bài viết này hy vọng góp phần làm hiển lộ thêm nhiều tầng ý nghĩa khác của tác phẩm cũng như đem lại những bài học cuộc sống thiết thực cho bạn đọc.

Chủ nghĩa khắc kỷ là gì?

Chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism) là một trường phái triết học được khai sinh ở Athens vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Những triết lý của chủ nghĩa khắc kỷ được đưa ra với mục đích là rèn luyện tinh thần con người cứng rắn và bình tĩnh hơn khi đối mặt với những nỗi đau và áp lực trong cuộc sống.

“Khắc kỷ” không có nghĩa là nghiêm ngặt hay khổ hạnh. Trái lại, chủ nghĩa này cho rằng con người chỉ có thể tiến tới hạnh phúc khi thay đổi cách đối mặt với các vấn đề cuộc sống.

Chiếc gương thứ nhất: Sự ngắn ngủi và vô thường của đời sống

Phật giáo nói rằng, vô thường đều phải trải qua 4 tiến trình chính là: Thành (Sinh ra, hình thành) – Trụ (Tồn tại, hoạt động) – Hoại (Hao mòn, lão hóa) – Không (Tiêu hủy, mất đi) hay Sanh – Trụ – Dị – Diệt. Nói một cách đơn giản hơn, đời sống luôn biến đổi ở mỗi sát na (khoảnh khắc), luôn vận động không ngừng nghỉ và mặc nhiên ta không đủ sức lường trước được, những sự đã qua cũng chẳng thể vãn hồi. Hay dễ hình dung nhất chính là quy luật Sinh – Lão – Bệnh – Tử ở con người.

Mọi sự ở đời nếu biến đổi rất nhanh, vậy nên đừng quá dính mắc vào cái vòng lẩn quẩn của tham, sân, si. Các nhà khắc kỷ còn nói rằng: Khi bạn hôn vợ mình, hãy nhắc nhở bản thân rằng mình đang hôn một người trần tục sẽ chết và có thể rời bỏ mình bất cứ lúc nào.

Cảm thức về sự vô thường và ngắn ngủi của đời sống được thể hiện một cách vi tế trong Vợ nhặt. Trong không khí chết chóc của nạn đói năm 1945, những con người ở xóm ngụ cư (Tràng, thị, bà cụ Tứ) đã rướn cổ thật cao để hít thở mùi của sự sống, mùi của niềm vui. Hơn ai hết, họ ý thức rõ cái chết luôn cận kề, chết vì đói, vì bệnh tật, vì tuổi già. Thế nhưng, họ chọn cách bắt lấy và tận hưởng những niềm vui sống ít ỏi của cuộc đời.

Anh Tràng vẫn miệt mài lao động, vẫn vui đùa với lũ trẻ trong xóm và tận hưởng niềm hạnh phúc khi “nhặt” được cô vợ giữa thời đói kém. Thị, người đàn bà theo không anh Tràng về làm vợ đã tự mình học cách làm một người vợ đảm, một đứa dâu ngoan, chăm chút và vun vén cho tổ ấm mà thị có được (dù chẳng biết là rủi hay may!). Bà cụ Tứ thương yêu các con hết mực và dốc lòng chăm lo cho cuộc sống mới của gia đình.

Càng ý thức rõ về sự vô thường vốn là quy luật tất yếu của vạn vật, ta càng biết cách sống cho hiện tại. Quá khứ thì đã qua, tương lai vẫn còn chưa đến, bạn chỉ có thể chánh niệm trải nghiệm từng khoảnh khắc để khiến cuộc sống của bản thân trở nên ý nghĩa hơn.

ban-ve-chu-nghia-khac-ky-trong-truyen-ngan-vo-nhat-7

Chiếc gương thứ hai: Chọn góc nhìn trước một thế giới rối ren

“Không quan trọng bạn đã chịu đựng những gì, quan trọng là bạn chịu đựng nó như thế nào.” (Seneca)

Chủ nghĩa khắc kỷ khái quát cuộc sống làm 3 phần:

1. Những điều ta có thể kiểm soát (hành động và suy nghĩ của bản thân);

2. Những điều ta không thể kiểm soát (những yếu tố tự nhiên và hành động của người khác);

3. Những điều ta có thể kiểm soát một phần (những công việc có sự tham gia của người khác).

Lời khuyên của stoicism là hãy tập trung vào nhóm 1, phớt lờ nhóm 2 và lên kế hoạch cho nhóm 3.

Đọc Vợ nhặt, ta sẽ thấy lời khuyên này được thể hiện ở việc chủ động đối mặt với khủng hoảng. Một cuộc khủng hoảng hiện hình rất rõ trên trang viết, là nạn đói rất kinh khủng năm Ất Dậu (1945). Thế nhưng, còn một cuộc khủng hoảng song song khác, ấy là khủng hoảng tình người. Khi mà sự sống và cái chết được quyết định thông qua một miếng ăn, người ta sẽ dễ dàng đối xử ích kỷ với đồng loại. Nhưng các nhân vật của nhà văn Kim Lân đã đối mặt với những cuộc khủng hoảng này bằng tất cả tình thương, tinh thần lạc quan và niềm tin yêu cuộc sống.

Anh Tràng có được vợ chỉ bằng hai câu hò bâng quơ trong lúc đẩy xe bò, bốn bát bánh đúc và hai hào dầu. Lúc đầu, Tràng phảng phất nỗi lo về cái đói và cái chết “thóc gạo này đến cái thân mình chẳng biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Nhưng Tràng đã chọn đối mặt với nỗi sợ bằng tình thương và khát khao hạnh phúc: “Chậc, kệ!”. Chỉ một từ “kệ” thôi, Tràng đã cưu mang được một kiếp người và tiến gần hơn đến mái ấm bình yên của chính mình.

Bà cụ Tứ, một bà mẹ già nghèo khổ, bệnh tật đã ngỡ ngàng khi thấy người phụ nữ lạ ngồi trong nhà. Thế nhưng, bà không trách móc Tràng, không xua đuổi thị vì nỗi lo không đủ cái ăn. Bà thương con, thương luôn cả thị vì đã chịu theo không con bà về, bà thấy buồn vì chẳng thể lo cho con nhiều hơn được. “Thôi các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…”, câu nói ấy của bà cụ Tứ đã mang lại cái thở phào nhẹ nhõm cho Tràng, cho thị và cho cả độc giả.

Song song đó, Vợ nhặt còn cho ta bài học về cách biến khó khăn thành cơ hội. Thay vì nghĩ rằng con mình đèo bòng nuôi thêm miệng ăn giữa cơn đói khổ, bà cụ Tứ mừng thầm vì “người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được…” Để cố gắng qua được cái tao đoạn này, anh Tràng cũng được yên bề gia thất.

Ngay trong cảnh nạn đói hoành hành, sưu cao thuế nặng, bà vẫn nhen lên trong lòng các con niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn: “ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra rồi thì con cái chúng mày về sau.” Bà chăm chút nồi “chè khoán” ngon đáo để thết đãi con dâu mới, tìm hướng làm ăn cho các con. Giữa cả khối nhà không có cám để ăn, nồi cháo cám của bà cụ Tứ là biểu tượng cho sự trân quý từng khoảnh khắc được sống, trân quý từng cơ hội được cải thiện đời sống của gia đình.

Và trong vùng trời xám đen của thời cuộc, vợ chồng Tràng đã có cơ hội bắt gặp ánh sáng của lý tưởng, ánh sáng của Cách mạng. Dù tác phẩm đến đấy là kết thúc, chúng ta vẫn có quyền tin rằng, rồi đây mọi khó khăn sẽ qua và tương lai tốt đẹp hơn sẽ đến.

Chiếc gương thứ ba: Thay đổi cái nhìn về mất mát

Các triết gia khắc kỷ khuyên rằng, nếu bạn bị tên trộm lấy mất một vật gì đó (có thể rất quý giá), hãy nghĩ rằng của cải mất đi bạn sẽ có khả năng mua lại (hoặc thay thế) được, còn tên trộm kia đã phải đánh đổi cả phẩm cách của hắn. Mất mát mang rất nhiều bản dạng, và thay đổi cái nhìn về nó là một trong những bài học giúp ta có được một đời sống bình thản và an vui hơn.

“Người chết như ngả rạ”, thần chết luôn rình rập, không khí tang thương bao trùm là bối cảnh chính của Vợ nhặt. Có lẽ, cái chết là sự mất mát lớn lao nhất, với những người ở lại. Ấy vậy mà đối mặt với sự mất mát ấy, những con người ở xóm ngụ cư nghèo đã chọn cái nhìn lạc quan và hết lòng tin tưởng vào tương lai rạng rỡ phía trước. Họ đùm bọc, cưu mang lẫn nhau bằng những miếng ăn ít ỏi, bằng tất cả những gì mà họ có và hơn hết là bằng tình yêu thương vô điều kiện.

Đọc Vợ nhặt, ta thấy rõ Kim Lân đã để nhân vật của mình mất đi danh tính cá nhân bằng việc chỉ gọi nhân vật nữ chính – vợ Tràng là “thị”. Dường như sự mất mát ấy đã trở thành biểu tượng – một người đàn bà và còn rất nhiều người đàn bà khác, đói rách, tả tơi.

Thị đánh mất lòng tự trọng để “ton ton” ra phụ Tràng đẩy xe bò bởi câu hò vu vơ của anh; thị cong cớn, thô lỗ đòi bốn bát bánh đúc. Thị đánh mất “cái giá” của người con gái khi theo không anh Tràng về làm vợ, lễ vật cưới sinh bấy giờ thu lại vừa bằng một lời hứa “ăn cơm trắng mấy giò”. Thị thấy e dè trước ánh nhìn của những người hàng xóm khi cắp cái nón rách theo Tràng về nhà, khép nép ngồi ở cạnh giường chờ bà cụ Tứ, vân vê tà áo thẹn thùng khi nghe bà dạy bảo.

Nhìn về những thứ đã đánh mất bằng niềm ham sống mãnh liệt, thị ra sức bấu víu vào tình thương của đồng loại. Và khao khát về một mái ấm hạnh phúc được nhen lên, thị rất nhanh trở thành người vợ hiền, dâu thảo.

Kết luận

Những chiếc gương nhỏ của chủ nghĩa khắc kỷ đã soi rất tỏ các bài học cuộc sống tuy gần gũi nhưng vô cùng đắt giá trong Vợ nhặt. Bài viết hy vọng góp một nhành hoa đơn sắc đầu mùa vào khu vườn giảng bình truyện ngắn hiện đại Việt Nam đầy màu sắc.

Và sự thật là không có một câu chuyện, một quyển sách hay một tư tưởng triết học nào có thể thay đổi cuộc sống của bạn nếu bạn không thay đổi tư duy và hành động của chính mình. Kiến thức nhân loại chỉ là công cụ dẫn đường, bạn mới là người quyết định mình nên đi như thế nào.

Vậy nên cầu mong bạn dù ở bất cứ đâu, vẫn luôn dũng cảm tiến về phía trước.

Xem thêm: Dàn ý so sánh 2 đoạn kết của "Chí Phèo" và "Vợ nhặt"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận