4 chi tiết so sánh đặc sắc trong "Người lái đò sông đà" - Vẻ đẹp dữ dội hung bạo
Đọc tác phẩm "Người lái đò sông Đà" mới cảm nhận hết được vẻ đẹp thiên nhiên của tổ quốc và vẻ đẹp lao động của người Việt. Bên cạnh đó còn thấy được thấy được sự tài hoa của Nguyễn Tuân.
"Người lái đò sông Đà" là tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Tuân. Trong tác phẩm, nhà văn đã thành công ở việc xây dựng hình tượng con sông Đà với hai nét tính cách vừa hung bạo dữ dội lại có lúc hiền lành, thơ mộng, trữ tình. Mà trong đó, vẻ đẹp hung bạo để lại ấn tượng sâu sắc nhất.
Dưới đây là những chi tiết so sánh trong "Người lái đò sông Đà" - Vẻ đẹp dữ dội hung bạo:
1. So sánh Sông Đà hung bạo với các dòng sông khác trong văn học
Dòng sông là dòng tình cảm, mượt mà thướt tha như tấm lụa đào. Quả thật trong văn học, dòng sông xuất hiện đã quá nhiều với tư cách là một hình tượng để nhà văn gửi gắm tình cảm. Ta thấy một “Tràng giang” buồn điệp điệp gợi nỗi cô liêu của Huy Cận hay dòng sông trăng lãng mạn khoác lên mình biết bao ước mơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Tôi cứ thế mà đinh ninh cho rằng dòng sông trong văn học sẽ luôn dịu dàng đằm thắm, thướt tha như thế. Nhưng với sự xuất hiện của con Sông Đà dữ dội dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, nó đã tạo cho tôi một ấn tượng vô cùng khác biệt và phi thường của một con thủy quái đích thực, chẳng giống với bất cứ dòng sông nào tôi đã gặp trong văn thơ.
2. So sánh người lái đò chinh phục Sông Đà với lão chài Xan-ti-a-go chinh phục con cá kiếm khổng lồ trong “Ông già và biển cả” – Hemingway
Tôi thấy con Sông Đà của Nguyễn Tuân chẳng khác gì con cá kiếm hung bạo “khó ăn” mà lão chài Xan-ti-a-go đã gặp trong tác phẩm “Ông già và biển cả” – Hemingway. Nhưng cuộc chinh phục càng khó nhằn bao nhiêu thì vẻ đẹp của những con người kiên cường, tài hoa đang làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời càng sáng ngời lên bấy nhiêu. Hai nhà văn cách xa nhau bởi sự khác biệt về không gian, thời gian, văn hóa, cuối cùng đã gặp nhau bởi tư tưởng tôn vinh cái đẹp con người.
3. So sánh sự tài hoa trí dũng của người lái đò với anh chiến sĩ trong “Tình chiến dịch” – Nguyễn Tuân
Ông lão lái đò không phải đang chèo đò nữa. Giờ đây ông đã trở thành người nghệ sĩ vẽ lên những nét tài hoa cho núi rừng thiên nhiên Tây Bắc. Nhìn hình ảnh ấy tôi chợt nhớ đến anh quân nhân trong “Tình chiến dịch” trốn máy bay địch bằng cách ẩn mình vào rừng hoa đào đang đua nhau khoe sắc trong dịp Tết. Anh vừa mang trên mình tư cách một người chiến sĩ dũng cảm chiến đấu lại vừa mang trên mình phong thái ung dung tự tại, thưởng thức cái đẹp của một người nghệ sĩ lạc vào rừng hoa. Phải chăng đó là bút pháp miêu tả con người của Nguyễn Tuân trong văn học thời chiến: vừa hiện thực vừa lãng mạn, vừa chiến sĩ vừa nghệ sĩ?
4. So sánh hình tượng người lái đò với Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” – Nguyễn Tuân
Hình tượng ông lái đò đã thể hiện rất rõ chuyển biến phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân sau Cách mạng. Trước Cách mạng ông hướng ngòi bút về những vẻ đẹp phi thường đặc tuyển của những con người mang trên mình tài hoa hiếm có như Huấn Cao trong “Chữ người tử tù”. Sau Cách mạng, vẫn là vẻ đẹp phi thường ấy, vẫn mang quan niệm nghệ thuật duy mĩ ấy nhưng ông đã tìm kiếm cái đẹp trong những người lao động vô danh, giản dị đời thường như ông lái đò. Bởi Nguyễn Tuân không còn mang tâm trạng chán chường thực tại nữa mà thay vào đó là niềm tin yêu vào hiện tại, vào những con người đời thường mang “chất vàng mười” ẩn giấu sẽ làm chủ cuộc đời, tạo nên sự thành công của Cách mạng.
(Nguồn: Facebook)
Xem thêm: Bàn về cái "TÔI" của Nguyễn Tuân trong "Người lái đò sông đà"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận