Trăn trở lương nhân viên lâu năm không bằng sinh viên mới ra trường
Là một nhân viên làm việc chục năm ở công ty, tôi cảm thấy chán nản khi biết mức lương của mình không bằng sinh viên mới ra trường.
Có một thực tế tôi từng gặp ở rất nhiều vị trí công việc mà người mới ra trường, mới được tuyển vào công ty đã được trả lương lương cao gần bằng, bằng, thậm chí cao hơn lương nhân viên cũ đã làm việc được cả chục năm: kế toán, thiết kế, marketing, phiên dịch... Vậy tại sao lương khởi điểm của nhân viên mới đã cao ngang ngửa hơn người cũ? Theo tôi nguyên nhân là do mức tăng lương trong hàng chục năm vẫn ít hơn mức lương mặt bằng thị trường trả cho người mới.
Người cũ lười nhảy việc nên lương thấp hơn người mới tại cùng một vị trí, cùng một công ty. Tôi từng đọc một thống kê nói rằng thời điểm này mức lương của nhân viên cũ và nhân viên mới chênh nhau ít nhất trong suốt mấy chục năm qua. Đó là một thực tế rất bất cập.
Ví dụ cụ thể, cùng là nhân viên nhưng người làm việc chục năm chỗ tôi vẫn nhận lương 15 triệu đồng một tháng. Trong khi đó, sinh viên mới tốt nghiệp vừa được tuyển vào công ty đã được trả lương 13-18 triệu đồng. Ngoài ra, chính trưởng bộ phận đó cũng chỉ có lương 20 triệu đồng. Ở đây, tôi không hề nói đến trường hợp người cũ quá kém và người mới quá giỏi mà đang nói đến hai người năng lực tương đương ở cùng độ tuổi, tức là phải mất chục năm thì người mới mới bằng được trình độ và kinh nghiệm của nhân viên lâu năm.
Không như các công ty bé, với các công ty quy mô hàng trăm, hàng nghìn người, khi thay đổi sếp thì người ta thường không biết người cũ đã đóng góp như thế nào cho công ty trong những năm tháng khó khăn. Và kể cả biết thì người ta cũng không tăng lương đột biến hơn so với việc tăng lương thông thường của mọi người. Trong khi đó, những người mới vào công ty được trả lương theo giá thị trường đã cao bằng hoặc cao hơn người cũ, dù họ chưa có đóng góp gì cho công ty.
Vì sao công ty chấp nhận sự bất cập về lương đó? Vì họ thà để từng nhân viên cũ bất mãn rồi nghỉ việc lẻ tẻ rồi họ tuyển từng người mới ít kinh nghiệm hơn, trả lương cao hơn (vì giá cả thị trường ở mức đó, trả lương thấp hơn thì không tuyển được) nhưng tổng quỹ lương tăng ít. Chứ họ không muốn cùng lúc đồng loạt nâng mặt bằng lương của nhân viên cũ cho hợp lý để khiến cả quỹ lương tăng nhiều.
Còn nếu phải sa thải thì họ sẽ giữ lại người cũ vì lương thấp, kinh nghiệm nhiều. Đề nghị tăng lương thì công ty cũng chỉ tăng thêm một chút. Ví dụ, nhân viên bình thường được tăng 500.000 đồng, người giỏi được tăng 1-1,5 triệu đồng, nhưng mức đấy vẫn không thể bằng nhân viên mới vào. Tình trạng trả lương bất cập như vậy đang xảy ra ở rất nhiều doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp FDI.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về vấn đề này?
Theo VnExpress
Xem thêm: Nữ nhân viên sống tằn tiện để mua vàng, quyết không ăn chơi, sau 10 năm sinh lời lớn!
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận