Tâm niệm "tàn nhưng không phế" của người phụ nữ khuyết tật Ngô Thị Bích Huyền

Mặc dù bản thân không được lành lặn từ khi sinh ra,chị Ngô Thị Bích Huyền (37 tuổi, ngụ P.Tân Xuân, TP.Đồng Xoài, Bình Phước) vẫn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh.

Tâm niệm "tàn nhưng không phế" của người phụ nữ khuyết tật Ngô Thị Bích Huyền

Mặc dù bản thân không được lành lặn từ khi sinh ra,chị Ngô Thị Bích Huyền (37 tuổi, ngụ P.Tân Xuân, TP.Đồng Xoài, Bình Phước) vẫn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh.

Chị Ngô Thị Bích Huyền chia sẻ, khi chưa đầy 1 tuổi, chị không may bị một trận ốm sốt nghiêm trọng. Dù gia đình đã cố gắng chạy chữa, cơ thể chị cứ yếu dần đi, đôi chân teo lại và không thể đi đứng được nữa. Kể từ đó, chiếc xe lăn đã trở thành người bạn đồng hành gắn bó với chị.

Ban đầu, chị cũng mặc cảm với hoàn cảnh của mình, không dám tiếp xúc với ai. Chị nhớ lại: "Nhưng rồi nghĩ lại mình bị như vậy thì phải cố gắng để vượt lên, vô tư mà sống". Không tiếp tục đi học được, chị đã xin bố mẹ cho đi học thêu, học may để có cái nghề.

Chị kể: "Lúc học may tôi 18 tuổi, phải đi bằng xe ôm. Lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, tưởng đâu sẽ không học được, nhưng ba tôi đã chế ra dụng cụ giúp tôi có thể dùng tay thay chân, từ đó việc học thuận lợi hơn". Chị cứ túc tắc vừa học vừa làm, dần dà tích cóp được chút vốn liếng.

Thế là, người phụ nữ ấy quyết tâm đầu tư mua máy may, máy vắt sổ về nhận may, sửa quần áo cho những người dân xung quanh. Chị cũng nhận sửa đồ miễn phí cho học sinh nghèo, người già neo đơn trong khu vực nhà mình thuê trọ, vừa hỗ trợ họ vừa rèn luyện thêm. Khi tay nghề đã khá, chị tìm đến các cửa hàng thời trang, bán quần áo tại các chợ nhận mẫu, vải về may gia công. Cũng từ ấy, thu nhập của chị ổn định, cuộc sống khấm khá hơn.

Hạnh phúc càng thêm trọn vẹn khi chị Huyền tình cờ quen chồng mình bây giờ là anh Nguyễn Văn Cung (39 tuổi). Hai người thường xuyên trò chuyện, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống với nhau. Anh Cung ngày càng thêm thương mến cô gái trẻ dù đôi chân có khiếm khuyết nhưng vẫn luôn lạc quan, yêu đời và đầy nghị lực sống. Sau khoảng một năm quen nhau, hai người nên duyên vợ chồng. Đến nay, họ đã có 2 đứa con kháu khỉnh, vợ chồng cùng vun vén làm ăn.

Ngoài thời gian làm may tại nhà, chị Huyền thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể thao. Chị đã đoạt rất nhiều giải thưởng ở các hội thao, hội thi của người khuyết tật tỉnh Bình Phước. Mới đây, chị Ngô Thị Bích Huyền vinh dự là một trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật được T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vinh danh trong chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2022".

Người phụ nữ ấy lạc quan tâm sự: "Là người khuyết tật thì mình phải cố gắng để vượt qua khiếm khuyết của bản thân, không tự ti, chán nản. Trong mọi việc, người bình thường cố gắng 1 thì mình phải cố gắng 10. Mình cũng tích cực tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ để có thêm nhiều bạn bè, thêm nhiều niềm vui. Mình muốn nhắn gửi những người có hoàn cảnh tương tự là không nên tự ti. Mình có hạnh phúc như bây giờ thì mọi người cũng có thể làm được".

Theo báo Thanh Niên

Xem thêm: Ấm lòng bộ ảnh tràn đầy lạc quan của các bạn trẻ khuyết tật - DISABEAUTY