Chân dung cô giáo khiến Shark Phú "mủi lòng" đầu tư 2,3 tỷ cho giải pháp "giáo dục hạnh phúc"
Shark Phú đã đồng ý đầu tư start-up Self Hiil tạo môi trường "học trong hạnh phúc" kèm một điều kiện đầy bất ngờ.
"Học để hạnh phúc và học trong hạnh phúc"
Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 4, giảng viên đại học Nguyễn Thùy Liên đã đem tới một dự án start-up mới lạ giành cho... người lớn. Đó là Self Hiil - học viện khám phá bản thân trực tuyến dành cho người trưởng thành, với mục tiêu "học để hạnh phúc và học trong hạnh phúc". Các khóa học của Self Hiil dành cho người từ 18-40 tuổi, có con từ 0-8 tuổi.
Chị Liên cho biết, học viện được thành lập để "hỗ trợ phụ huynh để đạt được 2 mục tiêu: chính bản thân phụ huynh được hạnh phúc và có năng lực huấn luyện cho con thành người trưởng thành và hạnh phúc".
Chương trình đào tạo của Self Hiil có một số đặc điểm như: Học viên tự học trên Moodle theo hệ thống do công ty thiết kế sẵn, được thực hành đều đặn 30 phút/ngày, được tương tác ẩn danh với nhau, thảo luận mở, chơi với chatbox để thực hiện truy vấn liên tục mà không có người coach hay thầy cụ thể.
Người đồng sáng lập Self Hiil cũng cho hay, từ tháng 9/2020 đến nay, dự án đã "online hóa" chương trình và có 25 khách hàng đầu tiên. Một năm học ở Self Hiil có giá 29.700.000 đồng, hy vọng tương lai chương trình đào tạo có thể đạt được doanh thu lên đến 20 triệu USD.
Tuy nhiên, phần trình bày start-up của Thùy Liên đã không đủ thuyết phục các Shark, liên tục bị "tấn công bởi nhiều câu hỏi hóc búa. Chẳng hạn như "Giá vốn cho một khóa học?", "Chi phí gì để cấu thành giá học này?", "Ai là người đánh giá việc học?", "Học online sẽ khiến học viên dễ bị nhàm chán hơn học offline?",... đều khiến Thùy Liên vất vả trả lời.
Nỗi lòng người mẹ đến start-up "hạnh phúc"
Sau một thời gian tranh luận, cả Shark Bình, Shark Liên, Shark Hưng đều lên tiếng từ chối đầu tư vì không tìm thấy tiếng nói chung. Tuy nhiên, Shark Hưng và Shark Việt vẫn đề nghị chị Liên thử "dốc hết tâm can" để thuyết phục các Shark lần cuối.
Đến lúc này, Thùy Liên mới bật khóc tâm sự. Chị là giảng viên ngành cảm xúc trí tuệ, nên không biết kinh doanh. Chị đã phải học rất nhiều để thực hiện start-up này, và đó cũng là mục đích của chị.
Người mẹ hai con nghẹn ngào nói: "Em làm công việc này với tấm lòng người mẹ, em khá loay hoay trong việc tìm môi trường giáo dục cho con. Mình bảo bọc con trong gia đình như thế nào để môi trường tốt cho nó chỉ là một phần, mình còn có thể giúp cho những gia đình khác có những đứa con hạnh phúc, bản lĩnh, không làm tổn thương người khác… đó là những điều em muốn chuẩn bị cho con của em...".
Sau cùng, chia sẻ của Thùy Liên đã khiến các Shark xúc động. Shark Phú nhận định, đây là dự án khởi nghiệp có ý tưởng tốt, tuy nhiên doanh thu thấp và số lượng học viên chưa nhiều. Hơn nữa, kỳ vọng của người sáng lập quá cao, còn hệ thống bài học của Self Hiil vẫn chưa được kiểm chứng, cấu trúc giá cũng chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, Shark Phú vẫn đưa ra một đề nghị hiếm có: 100.000 USD cho 10% cổ phần, nhưng ông sẽ là "chuột bạch" thử nghiệm trước khóa học này. Nếu cảm thấy hài lòng, Shark Phú sẽ "xuống tiền" đầu tư cho dự án. Đồng thời, start-up phải cam kết cải tiến sản phẩm dịch vụ, chứng minh năng lực hoàn vốn. Shark Việt thì đưa ra đề nghị 100.000 USD cho 50% cổ phần và không kèm điều kiện nào.
Sau khi trao đổi với người đồng sáng lập, Thùy Liên quay trở lại và đồng ý với đề nghị từ Shark Phú. Chị còn cam kết sẽ thế chấp nhà, chấp nhận hoàn vốn cho Shark Phú nếu không may thất bại, tuy nhiên chị cũng hứa sẽ "cố gắng để chuyện đó không xảy ra". Shark Phú nhận định: "Nếu phương pháp này thực sự hiệu quả thì nó sẽ có một tác dụng xã hội rất lớn và sẽ có thị trường trong tương lai".
Chân dung starup Khánh Trình - người từng bị Shark Việt từ chối gọi vốn 5 triệu USD
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận