Phạm Minh Sơn: Từ cậu bé nhà nghèo, phải đi nhặt rác mưu sinh đến nhà khoa học vật liệu thế giới
Từng phải đi nhặt rác mưu sinh, bỏ học vì nhà vỡ nỡ, nhưng giờ đây anh Phạm Minh Sơn lại là nhà khoa học vật liệu thế giới.
PGS.TS Phạm Minh Sơn (41 tuổi) hiện đang là lãnh đạo nhóm nghiên cứu về vật liệu tiên tiến cho hàng không, vũ trụ và hệ thống năng lượng ở Đại học Hoàng Gia London (Imperial College London). Anh là nhà khoa học Việt được Hiệp hội Khoáng sản, Kim loại và Vật liệu (TMS) trao Giải thưởng Nhà sáng tạo trẻ 2024 và sẽ có bài giảng đại chúng tại Hội nghị thường niên của TMS trước hơn 4.000 nhà khoa học, diễn ra tại Florida vào tháng 3/2024.
Thành công là thế, nhưng hiếm ai biết rằng anh có tuổi thơ vô cùng khó khăn. Khi vừa học xong lớp 1, gia đình anh Sơn vỡ nợ, phải sống trong chiếc lều tạm bợ giữa hai quả đồi ở Việt Trì, Phú Thọ. Để kiếm tiền, mẹ anh đi thu gom sắt vụn, còn 3 anh em thì nghỉ học, đi nhặt rác.
Năm 9 tuổi, vì là con út, nên anh Sơn được gia đình dồn lực cho đi học tiếp. Nhà khoa học nhớ lại: "Lúc đó còn nhỏ quá tôi không cảm nhận được hết khó khăn gia đình gặp phải, chỉ biết được quay lại đi học tôi mừng lắm vì nghĩ không cần sáng nào cũng phải dậy sớm đi nhặt rác nữa".
Tuy bỏ học mất 2 năm, nhưng anh vẫn nhất quyết xin học nhảy cóc lên lớp 4 vì không muốn học đúp. Nhà nghèo, không có tiền đi học thêm, anh xin sách vở về tự học. Thế mà, cậu bé nhặt rác khi ấy vẫn có thể đạt giải Nhì cuộc thi học sinh giỏi tỉnh môn Toán - giải cao nhất toàn đoàn của trường cấp 3 Việt Trì khi ấy.
Tiếp đó, anh thi đỗ ĐH Bách khoa Hà Nội, rồi tốt nghiệp với tấm bằng giỏi. Anh xin học bổng thạc sĩ tại Korea University (Hàn Quốc) và đi du học. Từng bị chê cười vì tiếng Anh kém, 8x nỗ lực học tập, rồi nhận học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ETH Zurich. Luận văn tiến sĩ của anh về phá hủy kết cấu thép trong nhà máy điện nguyên tử được trao huy chương ETH Medal cho luận văn tiến sĩ xuất sắc. Năm 2013, từ chối lời mời tại các Viện hàng đầu tại Đức và Anh, TS Sơn sang làm việc tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) để theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.
Tháng 12/2015 anh bắt đầu xây dựng nhóm nghiên cứu ở Đại Học Hoàng Gia London (Imperial College London - trong nhóm 10 trường hàng đầu thế giới theo Times Higher Education), sau đó trở thành giảng viên cao cấp năm 2021. PGS Sơn có nhiều nghiên cứu đột phá được công bố trên tạp chí uy tín như Nature, Nature Communications cùng hơn 20 báo cáo mời tại các hội nghị quốc tế lớn như TMS, Programmable Materials 2020, ICMAT 2019; và giảng bài ở các đại học hàng đầu thế giới như MIT, Oxford, Michigan.
Chế tạo siêu vật liệu tiên tiến ứng dụng trong các lĩnh vực hàng không, vũ trụ, ôtô, năng lượng và y tế là hướng mục tiêu theo đuổi của phó giáo sư Sơn. Anh hợp tác nghiên cứu với các công ty và tổ chức hàng đầu thế giới như hãng động cơ máy bay Rolls Royce, Ủy ban Vũ Trụ của Liên Minh châu Âu (ESA) hay công ty năng lượng BP.
Một trong những nghiên cứu nổi bật gần đây là công trình đột phá tạo ra "siêu tinh thể" có khả năng chịu hư hại, bền và nhẹ hơn. Công trình được công bố trên tạp chí Nature năm 2019, được hội đồng biên tập của tạp chí Nature nhận xét là siêu cấu trúc với nhiều ứng dụng trong hàng không và vũ trụ.
Sau đó, nhóm nghiên cứu do TS Sơn dẫn đầu ở Đại Học Hoàng Gia London tiếp tục tìm ra cách kết hợp kim loại và công nghệ in 3D để tạo ra siêu tinh thể siêu nhẹ với độ bền cao và có khả năng được lập trình trở thành vật liệu thông minh. Phát hiện này mở đường tạo ra vật liệu in 3D gọn nhẹ, có độ bền cao sử dụng trong kết cấu, thiết bị ôtô, hàng không và vũ trụ.
Không chỉ vậy, kết cấu siêu tinh thể còn được sử dụng để thiết kế vật liệu có khả năng lập trình hình dạng dùng trong phẫu thuật tim. PGS Sơn đã phối hợp với các bác sĩ tại bệnh viện Hammersmith (London) thực hiện thành công, sau đó thành lập công ty để khai thác sản phẩm khoa học.
Nhờ những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu khoa học về vật liệu đặc biệt, PGS Sơn được Giải thưởng Nhà sáng tạo trẻ 2024 từ Hiệp hội Khoáng sản, Kim loại và Vật liệu (TMS). Giải thưởng Nhà sáng tạo trẻ dành cho một nhà khoa học trẻ mỗi năm - vinh danh nhà khoa học dưới 40 tuổi đã tạo ra những nghiên cứu khoa học xuất sắc và đột phá về vật liệu cho công nghệ sản xuất in 3D.
Theo VnExpress
Xem thêm: Chân dung nữ giáo sư Toán học thứ 3 ở Việt Nam Tạ Thị Hoài An
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận