Nữ sinh khuyết tật vượt cảnh nghèo nỗ lực học tập, đi làm kiếm tiền để theo đuổi ước mơ đại học
Tốt nghiệp THPT với kết quả khá, nữ sinh khuyết tật vẫn phải tạm gác ước mơ học đại học vì gia cảnh nghèo khó.
Nguyễn Thị Tú Anh là tân sinh viên đặc biệt tại trường ĐH Kinh tế Nghệ An. Ở tuổi 25, nữ sinh mới bắt đầu đi học đại học bởi gia cản nghèo khó, lại thêm đôi chân khuyết tật, khó đi lại. Tú Anh bộc bạch: "Em chỉ nghĩ mình không có sức lực thì chỉ có thể đứng lên bằng nghị lực. Em mong mình học hết đại học, có nghề phù hợp với sức khỏe để tự lo cho cuộc sống bản thân".
Bà Lê Thị Hoa, mẹ Tú Anh chia sẻ: "Cha tôi ngày xưa từng là bộ đội, tham gia chiến đấu ở miền Nam. Sau này trở về bị mất hết giấy tờ nên không có chế độ gì, con cái cũng chịu thiệt thòi. Từ khi tôi sinh ra, hai chân yếu rồi dần teo nhỏ. Mọi người xung quanh bảo tôi bị di chứng chất độc da cam…".
Cuộc đời bà vốn lận đận, 3 lần lấy chồng, sinh 3 đứa con. Thế nhưng, cuộc đời thật quá nghiệt ngã, bà ly hôn, một mình nuôi 3 người con tật nguyền. 4 mẹ con sinh sống ở gian nhà cấp 4 chật hẹp, cũ kỹ, nằm sâu trong con hẻm của đường Bùi Thị Xuân, phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An.
Khi chân còn nhúc nhắc đi lại được, bà Hoa vẫn chịu khó ra chợ ngồi bán rau buổi sáng. Nhưng càng ngày, chân càng đau nặng, bà phải bỏ chợ. Mọi việc chi tiêu cho cả gia đình chỉ biết trông vào tiền trợ cấp khuyết tật hàng tháng.
Tú Anh sinh ra lành lặn, khỏe mạnh, là một cô bé thông minh, sáng dạ. Thế nhưng, sau một trận sốt cao, sức khỏe em bị ảnh hưởng, rồi cứ thế yếu dần. Chậm nói, chậm đi, nên đến năm lên 6 tuổi Tú Anh vẫn chưa thể vào lớp 1, bà Hoa cũng thôi dần ý định cho con đi học.
Được cái, trí tuệ của cô bé vẫn phát triển bình thường, và khát khao được đi học cứ còn mãi. Mỗi lần có dịp được mẹ chở đi qua trường học, em cứ nhìn mãi các bạn mặc đồng phục, rồi tha thiết xin mẹ được đến trường. Quãng thời gian đó, gia đình em cũng trải qua nhiều biến cố, bố mẹ đường ai nấy đi. Mỗi lần cán bộ phổ cập của phường đến vận động cho Tú Anh đến trường, bà Hoa lại ngại ngần lảng tránh.
Dù thuộc diện hộ nghèo, được miễn giảm học phí, các khoản đóng góp, nhưng một tay chạy ăn từng bữa nuôi ba đứa con, sức khỏe Tú Anh vẫn chưa cải thiện, nên bà vẫn lần lữa. Đến năm con gái 9 tuổi, người mẹ khó nhọc của em mới nộp hồ sơ xin nhập học cho con vào lớp 1. Nữ sinh nhớ lại: "Em nhớ hôm đó mẹ dặn ở nhà, ngủ dậy đợi mẹ ra chợ lấy hàng về rồi sẽ đưa đến trường. Nhưng mới hơn 5 giờ sáng em đã dậy, không chờ được mà tự mang cặp sách đi học. Lúc đó được đi học là em đã vui mừng, háo hức lắm rồi".
Trong suốt 12 năm đi học, em luôn là một học trò giỏi, được thầy cô, bạn bè yêu quý. Lên cấp 2, chân em teo dần, khó đi lại, các bạn đều qua đón em đi học đều đặn. Tú Anh nói: "Vì thế, em không cho phép mình bi quan, mà càng khó khăn lại càng cố gắng. Em nghĩ với tình trạng sức khỏe của bản thân, chỉ có con đường học mới giúp mình có tương lai".
Trong những năm học cấp 3 ở Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh), Tú Anh bắt đầu tự học thêm tiếng Trung qua mạng Internet. Sau đó, để nâng cao ngữ pháp, kỹ năng phát âm, em đăng ký khóa học 6 tháng tại một trung tâm tiếng Trung, thi đạt chứng chỉ HSK5.
Cách đây 3 năm, em thi đậu tốt nghiệp với số điểm khá cao. Nhưng cảnh nhà khó khăn chồng chất, Tú Anh lặng lẽ gác lại mọi dự định vào đại học. Trước mắt, nữ sinh phải tìm việc, cố gắng làm ra tiền để phụ giúp mẹ gồng gánh gia đình. May mắn, nhờ vốn tiếng Trung khá tốt, sau khi học xong lớp 12, nữ sinh được một trung tâm ngoại ngữ tạo điều kiện mời làm giáo viên trợ giảng và dạy online.
Năm nay, em đã tích lũy được một khoản để dành, rồi bắt đầu ôn thi tốt nghiệp lần nữa. Cuối cùng, nữ sinh trúng tuyển ngành Kế toán, Trường ĐH Kinh tế Nghệ An. Tú Anh giải thích: "Ước mơ lớn nhất của em là sẽ vào học một trường ngoại ngữ để nâng cao trình độ tiếng Trung. Em cũng thấy mình có khả năng sư phạm, nhưng với sức khỏe của mình, em nghĩ sẽ rất khó khăn để 'đứng lớp' khi sức khỏe ngày càng yếu. Về lâu dài, em sẽ khó mà gắn bó được với nghề giáo viên. Vì vậy, em nghĩ đến ngành kế toán, công việc lao động trí óc và có thể hạn chế không phải di chuyển nhiều".
Đỗ đại học, nhưng cô nữ sinh vẫn cảm thấy lo lắng, vì không biết liệu có thể trang trải hết không. Nguyễn Thị Tú Anh tâm sự: "Em nghĩ 4 năm tới sẽ rất khó khăn, nhưng nếu không mạnh dạn thay đổi thì thời gian trôi đi vô nghĩa, cơ hội cũng vuột mất. Em cũng chưa từng than vãn hay oán trách số phận, mà chỉ nghĩ rằng cuộc sống thử thách mình nhiều hơn. Mình không có sức lực, thì chỉ có thể đứng lên bằng nghị lực". Rất may, sau khi biết tin về hoàn cảnh của nữ sinh, Trường ĐH Kinh tế Nghệ An đã cấp học bổng và miễn hoàn toàn học phí 4 năm tại trường.
Theo GDTĐ
Xem thêm: Nữ sinh nghèo cắn răng "mượn" tiền phúng điếu của bố đi học: Con hứa sẽ không để lãng phí!
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận