Mẹo đàm phán tăng lương của nữ chuyên gia tài chính từng 6 lần nhảy việc

Dù liên tục nhảy việc, nhưng nữ chuyên gia tài chính Mandi Woodruff-Santos vẫn có thể đàm phán mức lương tăng gần 194.000 USD.

Mẹo đàm phán tăng lương của nữ chuyên gia tài chính từng 6 lần nhảy việc

Dù liên tục nhảy việc, nhưng nữ chuyên gia tài chính Mandi Woodruff-Santos vẫn có thể đàm phán mức lương tăng gần 194.000 USD.

Mandi Woodruff-Santos là một chuyên gia tài chính cá nhân, nhà báo kiêm blogger nổi tiếng. Cô là người đồng dẫn chương trình podcast Ambition, hiện đang sở hữu khối tài sản hơn 700.000 USD. Cô bắt đầu đi làm toàn thời gian vào năm 2010 ở độ tuổi 22, từ đó đến nay đã "nhảy việc" tới 6 lần. Dù vậy, cô có thể thương lượng với công ty mới để tăng lương gần 194.000 USD (tăng trung bình 39% mỗi lần tìm cơ hội mới).

Từ chỗ kiếm được 31.200 USD mỗi năm lúc mới đi làm, tôi đã kiếm đến 225.000 USD một năm vào năm ngoái

Nữ chuyên gia này cho biết: "Từ chỗ kiếm được 31.200 USD mỗi năm lúc mới đi làm, tôi đã kiếm đến 225.000 USD một năm vào năm ngoái. Đó chỉ là mức lương cơ bản, chưa tính đến khoản tiền thưởng mà tôi đã thương lượng, ước khoảng 160.000 USD mỗi năm trong khoảng thời gian 10 năm đó. Giờ đây, tôi đang trên đà tích lũy tài sản triệu USD vào sinh nhật tuổi 40". Dưới đây là bí quyết đàm phán tăng lương của cô:

Đừng bỏ việc vì công việc mới có lương cao

Mặc dù cô liên tục chuyển việc và đã tăng lương đáng kể, nhưng Mandi cho rằng ta không nên bỏ việc hiện tại vì thấy có "mối" ngon hơn. Trừ khi điều đó có ý nghĩa với sự phát triển bản thân, một khoản tiền lương lớn hơn và thăng chức chưa chắc đã tốt. Hãy nhớ rằng, quyền lực lớn hơn đồng nghĩa với trách nhiệm nhiều hơn, liệu ta có thể gánh nổi không?

Mandi cho biết: "Tôi luôn rất chăm chỉ tìm kiếm những cơ hội việc làm thích hợp, giúp mở rộng kỹ năng và kinh nghiệm. Trên thực tế, một trong những lần chuyển đổi công việc của tôi là một bước chuyển đổi cho phép tôi tiếp cận với nhiều cơ hội học hỏi và được trau dồi bản thân hơn".

Đừng đưa ra mức lương trước

Đừng đưa ra mức lương trước

Ngay từ khi phỏng vấn, một số nhà tuyển dụng có thể hỏi ta mong muốn mức lương nào, một phần để xem con số đó có nằm trong ngân sách của họ không. Thế nhưng, nếu ta đang nếu cụ thể một con số trước khi tìm hiểu đầy đủ về công ty, ta có thể đang "bán rẻ" kĩ năng của mình.

Nhà tuyển dụng cũng có thể hỏi mức lương ở công việc cũ để tính toán mức lương mới. Nếu ta đang phỏng vấn cho vị trí có nhiều trách nhiệm hơn, nữ chuyên gia này khuyên ta không nên trả lời ngay. Khi được hỏi về lương, cô thường nói: "Tôi muốn biết thêm về vai trò của tôi và kỳ vọng của công ty trước khi thảo luận về mức lương. Chúng ta có thể quay lại chủ đề này sau khi tôi có cơ hội nói chuyện với đội ngũ và xác định xem tôi có phù hợp hay không".

Thực hành kỹ năng đàm phán

Việc yêu cầu một mức lương cao và phù hợp với mong muốn của bản thân là một kỹ năng giao tiếp khó. Đó là lý do vì sao ta nên tập thương lượng sớm và thường xuyên để làm quen với điều này. Chẳng hạn, thử yêu cầu chủ nhà giảm 100 USD trong giá thuê trước khi gia hạn hợp đồng. Nếu đang ăn tối và người phục vụ mang ra món ăn sai yêu cầu, hãy thử trả lại họ và bảo nhân viên không được tính tiền món đó vào hóa đơn. Theo Mandi, điều này đã giúp cô thoát khỏi suy nghĩ phải "làm hài lòng mọi người". 

Ta cũng có thể thực hành điều đó ở nơi làm việc. Nữ chuyên gia cho biết, sau vài tháng thực tập không lương, cô được yêu cầu đảm nhận nhiều công việc hơn. Cô cho rằng bản thân nên được trả lương cho việc làm thêm nên đã trình bày với cáp trên. Sau khi đặt vấn đề với sếp, ông đã đồng ý trả cô 100 USD/tuần.

Đàm phán qua điện thoại thay vì email

Đàm phán qua điện thoại thay vì email

Dù nói chuyện trực tiếp luôn khó khăn, nhưng Mandi nghĩ rằng ta nên làm vậy hơn là trao đổi qua email. Nếu ta nói chuyện thẳng thắn, chuyên nghiệp và lịch sự, ta có thể đang chứng tỏ với công ty rằng mình khá tự tin và có thể xử lý những cuộc thương lượng trong tương lai.

Nhờ gọi điện trực tiếp, Mandi đã tăng gấp đôi tiền lương khi ký hợp đồng với nhà tuyển dụng. Đây là cách cô bắt đầu cuộc trò chuyện: "Cảm ơn vì lời đề nghị của bạn! Tôi rất vui mừng về cơ hội này. Thật không may, tôi nghĩ khoản lương như trên chưa phản ánh đúng giá trị về những gì tôi có thể mang lại cho công ty. Dựa trên kỹ năng cá nhân cũng như trách nhiệm của vị trí này, tôi cảm thấy x USD có ý nghĩa hơn".

Đừng chỉ quan tâm lương cơ bản

Khi mới vào nghề, một nhà tuyển dụng đã tỏ ra ngần ngại khi Mandi đề cập mức lương cao hơn. Ban đầu họ miễn cưỡng nói rằng sẽ xem xét yêu cầu, nhưng sau đó đã nói rằng họ sẽ không thay đổi mức lương cơ bản, nhưng sẽ tăng thưởng để đạt số tiền cô mong muốn.

Mandi nhận định, ta không nên chỉ tập trung vào lương cơ bản, bởi tổng thu nhập của ta gồm nhiều khoản. Ta có thể thương lượng các yếu tố khác như tiền thưởng theo KPI, tiền thưởng hàng năm, các quyền lợi như bảo hiểm sức khỏe, ngày nghỉ phép, giờ làm việc linh hoạt...

Hỏi những người đã đi trước

Hỏi những người đã đi trước

Trước khi đi phỏng vấn, Mandi cho biết cô thường tìm tới cố vấn để xin lời khuyên. Cô cho biết: "Tôi hỏi họ những câu như nên yêu cầu mức lương thế nào, nên đòi hỏi những đặc quyền và lợi ích nào, với mức lương này cùng khối lượng công việc trên có hợp lý hay không...".

Các mối quan hệ rất quan trọng trong cuộc sống, việc tìm đến những người đi trước, đáng tin cậy trong cùng lĩnh vực là điều nên làm. Những người có nhiều kinh nghiệm hơn sẽ giúp ta  có thể khảo sát đúng mặt bằng lương mỗi khi "nhảy việc".

Theo CNBC

Xem thêm: Nữ chuyên gia tài chính 34 tuổi hé lộ 7 thói quen chi tiêu giúp cô sắp đạt được mục tiêu kiếm hàng triệu USD