Thợ cắt tóc Việt chỉ còn 1 tay, tự mình nuôi hai con ăn học được báo chí Anh ngợi ca

Không may bị tai nạn chỉ còn 1 tay, chị Lê Thị Kim Trâm (43 tuổi) vẫn tiếp tục làm thợ cắt tóc, một mình nuôi hai con ăn học.

Thợ cắt tóc Việt chỉ còn 1 tay, tự mình nuôi hai con ăn học được báo chí Anh ngợi ca

Không may bị tai nạn chỉ còn 1 tay, chị Lê Thị Kim Trâm (43 tuổi) vẫn tiếp tục làm thợ cắt tóc, một mình nuôi hai con ăn học.

Mới đây, báo Reuters nổi tiếng của nước Anh đã đăng tải bài viết về thợ cắt tóc Việt chỉ còn 1 tay vì tai nạn, nhưng vẫn tiếp tục hành nghề cắt tóc gia truyền để nuôi hai con ăn học và sống lạc quan yêu đời. Đó là câu chuyện của chị Lê thị Kim Trâm (43 tuổi, trú ở quận 2, TP.HCM), dù trải qua bao biến cố của cuộc đời vẫn vượt qua tất cả, là tấm gương truyền cảm hứng tới những người xung quanh.

Mất 1 tay vì tai nạn 

Chị Trâm kể, chị bị mất cánh tay trái cách đây hơn 4-5 năm. Tháng 8/2016, trong lúc đang chở người em đi Đồng Nai công chuyện, chị bất ngờ bị ngã xe. Chưa kịp định hình, chiếc xe tải từ phía sau đã lao đến, đè nát cánh tay của chị. Khi chị tỉnh dậy cũng là lúc phẫu thuật xong, khuôn mặt biến dạng, tay trái không còn.

Vụ tai nạn thảm khốc đã cướp đi cánh tay trái của chị Lê Thị Kim Trâm

Ban đầu, chị nghĩ rằng đời mình đã tàn, chẳng thế tiếp tục hành nghề nên định chỉ mở quán ăn hoặc lấy vé số đem bán. Thế nhưng, niềm đam mê với nghề cắt tóc do cha chị truyền lại vẫn cháy bỏng, khiến chị không thể nào bỏ nghề. Trong suốt thời gian nằm viện, đầu chị luôn tưởng tượng mình sẽ xử lý kiểu tóc này ra sao, từ giờ sẽ làm gì để cắt tóc cho thuận tiện,...

Ở viện, hằng ngày chứng kiến những người đồng cảnh ngộ, chị Trâm không thấy buồn. Nhưng đến khi xuất viện, mở lại cửa tiệm, thấy thợ phụ vẫn đón khách như thường, chị lại thấy ngại không dám ra. Những việc đơn giản như rửa chén, giặt đồ hay mặc quần áo đều trở thành cực hình với chị, chứ chưa nói đến việc cắt tóc.

Dám thử và dám thất bại

Chị Trâm kể, một trong những người khiến chị quyết tâm giữ nghề cắt tóc chính là một vị khách quen. Vài tháng sau khi xuất viện, có một anh khách quen tới hớt tóc, yêu cầu chị cắt cho. Chị lấy khăn trùm kín người, đến khi anh này hỏi thì chị kể về biến cố đời mình. Những tưởng vị khách sẽ bỏ đi, nhưng anh này vẫn nói: "Trước em cắt hai tay nhưng giờ còn một tay thì cứ cắt một tay, lấy đầu anh thực hành luôn".

Xúc động, chị Trâm cầm tông đơ bắt đầu cắt thử, và sau cùng, dù phải "đánh vật" gần 1 tiếng đồng hồ, chị cũng hoàn thiện xong kiểu tóc cho khách. Không hề phàn nàn, vị khách này sau đó còn giới thiệu người quen tới tiệm chị ủng hộ. Chị tâm sự: "Tôi không hài lòng với đầu tóc vừa cắt, thấy ngại với khách. Nhưng hơn hết, tôi biết ơn ông ấy vô cùng bởi nhờ ổng mà tôi dám thử. Những tưởng tượng lúc còn ở viện khác xa với việc bắt tay làm".

Nghĩ 'cả đời này không thể cứ nhờ người khác mãi', chị Trâm chật vật học lại nghề bằng 1 tay

Dù vậy, không phải khách nào cũng đủ "dũng cảm" để cho chị cắt tóc với một tay. Có người vốn là khách "ruột", sau khi để chị thử thì không thấy họ quay lại thêm lần nào nữa. Sau nửa năm từ ngày bị tai nạn, cửa tiệm ngày càng vắng khách, có hôm chỉ có đúng 1 người ghé tiệm. Chị cũng ngại, chẳng dám tính tiền đắt, chỉ tính phí nửa tiền.

Về sau, thấy tiệm vắng quá, chị quyết định cho thợ phụ nghỉ việc. Trước khi đi, mọi người còn xúm nhau lấy dao lam cắt thành những chiếc dao cạo nhỏ để chị dùng dần. Đến khi dùng hết, chị toan bỏ hẳn thì lại chợt nghĩ: "Cả đời này không thể cứ nhờ người khác mãi". Những ngày đầu mới tập, chị bị dao lam cắt vào chân, cảm giác như đang tự hành hạ mình, lúc nào cũng chảy máu đau đớn. Thế nhưng, dần dà, chị đã thành thạo công việc ấy.

Bị chồng phụ bạc, một mình nuôi hai con ăn học

Thế nhưng, trong suốt hơn 1 năm chị tìm cách thích nghi với cơ thể mới, cũng là lúc chồng chị không còn muốn ở bên chị nữa. Có lần, chị ngỏ ý cắt tóc cho chồng nhưng bị gạt đi ngay. Mỗi khi mâu thuẫn, chồng chị lại bỏ nhà đi nhiều ngày, khiến chị Trâm vô cùng tuyệt vọng. Đã có lúc, chị có ý định kết thúc tất cả, nhưng rồi được các con níu lại.

Sau cùng, chị thầm nghĩ: "Nhớ lại cảnh người nằm dưới bánh xe tải còn không chết thì sao lại phải chết vì một người đàn ông không đáng". Nghĩ là làm, chị quyết định ly hôn chồng, sau đó chuyển thuê một mặt bằng nhỏ, mở cửa tiệm cắt tóc mới trên đường Nguyễn Cừ, phường Thảo Điền, quận 2.

Mỗi khi thấy tuyệt vọng hay chùn tay, muốn bỏ nghề, chị lại nhớ đến cậu con trai 9 tuổi của mình. Có lần, chị toan bỏ nghề, định làm nghề trông trẻ tại nhà thì phát hiện cậu con trai khi đó chuẩn bị vào lớp 1 cứ bắt chước mẹ, chỉ làm mọi thứ bằng một tay. Chị kể lại: "Tôi thấy con đi nhưng chỉ vung một tay, tay kia đặt sát vào người. Tôi dạy con làm việc nhà, con chỉ dùng một tay làm. Hỏi thì con nói: 'Con chỉ làm giống mẹ thôi mà". Chợt nghĩ nhỡ làm trông trẻ thì những đứa khác lại bắt chước như con mình, chị không còn muốn đổi nghề nữa.

Một mình nuôi hai con rất vất vả, nhưng chị không còn buồn chuyện cũ, chỉ rất thương hai con

Với chị Trâm, một mình nuôi hai con rất vất vả, nhưng chị không còn buồn chuyện cũ, chỉ rất thương hai con. Chị nói, con trai chị trước bị bạn bè ở trường trêu, suy nghĩ mất vài tháng mới dám đáp trả bạn. Cậu bé đã thẳng thắn nói rằng: "Mình rất tự hào về mẹ, mẹ mình một tay nhưng có thể nuôi được chị em mình ăn học". Nghĩ thế, chị thương con vô hạn, nước mắt chảy dài lúc nào không hay.

Đến nay, thu nhập từ cửa tiệm cắt tóc đã giúp chị trả đủ tiền thuê nhà, lo được cho hai con ăn học. Không đầu hàng số phận, giờ chị đã có thể tiếp tục nghề cầm kéo, biết cách lia kéo thật nhanh để cắt tóc cho khách trước khi tóc rơi lại vị trí cũ. Mới đây, chị Lê Thị Kim Trâm còn được báo Anh Reuters viết bài ngợi ca. Cửa tiệm của chị đã có một lượng khách quen, ai tới cắt đều khen chị cắt tóc đẹp rồi quay lại, có khi còn giới thiệu người quen.

Bà mẹ đơn thân cho biết, chị chỉ chạnh lòng là không thể tự mình đưa các con đi chơi như ngày xưa nữa. Sợ tốn tiền xe cộ đi lại, ba mẹ con thường chỉ ở nhà, cơm nước rồi kèm nhau học bài. 

Dù vẫn đang hành nghề ổn định, ước mơ của chị là được lắp tay giả để công việc thuận lợi hơn

Được biết, dù vẫn đang hành nghề ổn định, ước mơ của người thợ cắt tóc tài ba này là được lắp tay giả. Chị Lê Thị Kim Trâm tâm sự: "Bạn có thể làm mọi thứ với 1 tay nếu chịu tập luyện, nhưng bạn có thể làm nó tốt hơn nếu có đủ cả 2 tay".

Sức sống kỳ diệu của cô bé 10 tuổi mắc hội chứng "tim lạc chỗ": Không bao giờ "đầu hàng số phận"