Suy ngẫm lời Phật dạy về sự ích kỷ
Con người sống trên đời không tránh khỏi lúc ích kỷ, thế nhưng ta không nên vì chính mình mà khiến tâm nhiễu loạn, phân biệt, chấp trước.
Con người sống trên đời này không tránh khỏi cảm giác ích kỷ, chỉ biết sống vì bản thân mình mà chẳng màng thế sự. Vì mình là phạm vi quá nhỏ, vì gia đình, vì đất nước cũng chẳng phải là phạm vi gì quá lớn lao. Có câu nói rằng: "Tuổi trẻ chấm dứt khi tính vị kỷ kết thúc; sự trưởng thành bắt đầu khi ta sống vì người khác". Ta thực sự trưởng thành, biết hạnh phúc khi ta mong ta và tất thảy mọi người trên thế gian này hạnh phúc.
Trong quyển "Sống đời sống Bồ Tát", nhà hiền triết Shantideva (Ấn Độ) có ghi rằng:
"Khi cả tôi lẫn người khác
Đều muốn được hạnh phúc,
Thế tôi có gì đặc biệt đâu?
Vậy tại sao tôi lại đấu tranh cho hạnh phúc của riêng mình?"
Quả thực, dù là người giàu hay người nghèo, kẻ thông minh hay người lẫn trí, người đẹp hay người xấu ai nấy đều muốn hạnh phúc. Dù đích đến của hạnh phúc và con đường tìm kiếm nó có khác biệt, sau cùng con người đều muốn hạnh phúc, tức là ai ai cũng đều bình đẳng cả.
Suy nghĩ ích kỷ chính là ngọn giáo làm hại người khác, lại cũng là cái neo giữ chân ta đi tới hạnh phúc thật sự. Ta cần có lòng từ bi hỷ xả, tình yêu thương con người để thấu cảm, chia sẻ với người khác. Cứ giữ mãi cái tâm sân hận, ích kỷ sẽ chỉ khiến ta ganh ghét, hận thù, làm hại tới chính bản thân mình và những người khác. Thói ích kỷ chính là một kẻ thù vô hình độc hại của tâm, cần ta phải quán chiếu để loại trừ, tránh xa nó.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy rằng: "Vũ trụ nhân sanh do tâm hiện ra, do thức biến ra". Ngày nay thế gian chuyển động biến loạn là bởi tâm tướng của con người đều bị tham sân si nhũng nhiễu, khiến thế giới cũng vì thế mà động loạn. Mọi pháp đề từ tâm tưởng sanh, "sanh tâm" là vô cùng quan trọng, sanh tâm thành Phật là việc tốt nhất chúng sinh nên noi theo.
Con người khó có thể tránh được sinh tử luân hồi, thế nhưng hoàn toàn có thể tích lũy nghiệp duyên tốt đẹp cho mình. Muốn hành thiện thì phải hết tham, muốn phúc đức thì phải biết đủ. "Vô sở cầu nhi tực đắc" mới đúng là đại trí huệ đời người.
Ta hoàn toàn có thể tu tâm dưỡng tính, dù đó không phải là chuyện sẽ thay đổi một sớm một chiều. Chỉ cầu nguyện hay mong ước không thể khiến tâm thay đổi, mà ta phải nhận thức được rằng những khó khăn vất vả ta phải đối mặt chính là hiển nhiên, là vô thường, là khổ, là vô ngã.
Dù là gặp người ngào ở hoàn cảnh nào, đừng coi trọng ngoại hình hay cách cư xử của họ với ta. Hãy nghĩ rằng bỏ qua những khác biệt ấy, ta với họ đều là con người trên trái đất này, cùng chung sống dưới một bầu khí quyển, cùng hít thở không khí trong lành. Mỗi người đều bình đẳng như nhau, đều có khả năng chia sẻ hạnh phúc và có lòng thương yêu người khác. Lòng từ bi chẳng phải lý tưởng của đạo Phật đơn thuần, đó là đức tính cần thiết cho cả nhân loại để có cuộc sống an yên, hạnh phúc.
Của cải, tiền bạc trên đời dù kiếm nhiều thế nào cũng chẳng thể mang đi lúc chết. Đức cao trọng vọng cũng chẳng thể theo ta xuống mồ. Đời người là hữu hạn, chỉ có nhân sinh mới vô hạn, vì sao phải giữ mãi tham sân si, khiến tâm trí ghen tị ích kỷ mà chuốc lấy khổ đau về mình.
Lời Phật dạy về thói ích kỷ, tham sân si như một lời nhắc nhở chúng sinh rằng lòng tham chính là thuốc độc tiêu diệt nhân cách con người. Bất kể thứ gì ta sở hữu đến từ sự đau khổ của người khác, sự sở hữu ấy tất yếu là điều không chính đáng. Thói ghen tị, ích kỷ sẽ chẳng bao giờ đem lại thanh bình, an yên, nó chính là một kẻ thù vô hình độc hại, khiến cho tâm động loạn, cần phải quán chiếu để loại trừ, tránh xa.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận