Đồng Dogecoin được tỷ phú Elon Musk đầu tư có thực sự tiềm năng?
Thời gian gần đây, Dogecoin là loại tiền số crypto được nhiều nhà đầu tư săn đón, đặc biệt là khi nó được tỷ phú Elon Musk ủng hộ.
Dogecoin là gì? Giá trị của Dogecoin là bao nhiêu tiền?
Dogecoin là một loại tiền số/tiền điện tử ra đời vào năm 2013, có biểu tượng là hình có Shiba, ký hiệu là DOGE (biểu tượng D). Loại tiền này lấy ý tưởng từ meme Doge, ban đầu được coi như một trò đùa nhưng đã bất ngờ tăng trưởng 800% chỉ trong 1 tháng vừa qua.
Giống như vô số loại tiền điện tử khác, Dogecoin được sinh ra để người dùng thực hiện giao dịch trên blockchain. Người tạo ra nó là kỹ sư máy tính Billy Markus và chuyên gia marketing của Adobe Jackson Palmer, nhưng người khiến đồng tiền này đẩy giá tăng vọt chính là tỷ phú Elon Musk.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Dogecoin đã tăng giá trị lên tới 14.600%, từ mức xấp xỉ 0,004 USD/Doge lên mức 0,585 USD/Doge (số liệu ngày 10/5). Elon Musk đã nhiều lần thổi giá Dogecoin bằng việc gọi mình là "Dogefather", đăng tải tweet hay ảnh meme chú chó Shiba qua Twitter của mình.
Hiện tại, vào ngày 12/5, giá trị một đồng Dogecoin là khoảng 0,49 USD (tương đương với 11.296 VNĐ). Theo CoinGecko, hiện đây là đồng tiền số lớn thứ 4, có tổng vốn hóa thị trường 73 tỷ USD, vượt qua nhiều đồng tiền được dùng rộng rãi hơn trước đó là Litecoin hay Tether.
Vì sao tỷ phú Elon Musk đầu tư Dogecoin?
Là một trong những người vô cùng ủng hộ loại tiền số này, mọi nhất cử nhất động của Elon Musk đều được giới đầu tư chú ý. Mới đây, khi biết ông sẽ xuất hiện trên show giải trí Saturday Night Live (SNL) với vai trò người dẫn chương trình, không ít người kỳ vọng ông sẽ nhắc đến Dogecoin để khiến giá trị đồng tiền này "lên đỉnh".
Quả thực, khi tham gia chương trình, Elon Musk đã nhắc tới Dogecoin vài lần. ĐẦu chương trình, mẹ của ông - bà Maye Musk đã xuất hiện cùng con trai nhân Ngày của mẹ, và hài hước nói rằng món quà của mình nhận được từ Elon sẽ không phải Dogecoin. Dù vậy, vị tỷ phú giàu thứ hai thế giới đã trả lời rằng: "Đúng là Dogecoin đấy!".
Sau đó, Elon Musk tiếp tục có một màn hóa thân thành chuyên gia tài chính và hỏi đáp về đồng tiền điện tử này trong phần Weekend Update với hai MC là Michael Che và Colin Jost. Đáng chú ý, trong đó có phần Michael Che trực tiếp hỏi rằng: "Dogecoin là gì?", và Elon Musk trả lời: "Nó sẽ là phương tiện tài chính thống trị thế giới".
Tuy nhiên, trước câu hỏi rằng: "Liệu Dogecoin có phải một mánh làm tiền?", Elon Musk thừa nhận: "Nó là mánh làm tiền". Sau đó, CEO Tesla gào to khẩu hiệu "lên mặt trăng" (to the moon) - câu cửa miệng phổ biến của những người muốn đẩy giá Dogecoin.
Đáng chú ý, sau lần xuất hiện trên SNL của Elon Musk, vốn hóa thị trường Dogecoin đã bị "thổi bay" tới 20 tỷ USD. Theo CoinDesk, đồng tiền số lấy cảm hứng từ meme này đã giảm tới 30% giá trị, chỉ còn được giao dịch trong khoảng 0,49 - 0,5 USD. Giá trị vốn hóa từ 90 tỷ USD đã giảm còn 68 tỷ USD chỉ sau 1 giờ, khiến hơn 150 triệu USD của các nhà đầu tư bỗng chống "thổi bay".
Những điều cần lưu ý khi đầu tư Dogecoin
Các chuyên gia đầu tư cho rằng, do Dogecoin là một loại tiền số mới và có nhiều biến động mạnh, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi đầu tư vào tiền số.
Đây là bong bóng kinh tế
Hầu hết các nhà đầu cơ đều hiểu bong bóng kinh tế là gì, tức là khi một thứ nào đó đắt giá hơn giá trị thực của nó. Tất nhiên, thị trường đầu cơ luôn tồn tại bong bóng. Dogecoin là một loại bong bóng, khi nó tăng hơn 12.000% trong một năm.
Giáo sư Mizrach, đại học Rutgers nhận định: "Tất cả mọi người đều tin rằng họ có thể bán ra trước khi bong bóng đầu cơ xì hơi". Thực tế, khi những nhà đầu tư nhỏ lẻ tranh nhau mua đồng tiền ảo, đó có lẽ là lúc quá muộn để thu lời.
FOMO - hội chứng sợ mất cơ hội
Khi thấy những tỷ phú như Elon Musk, Mark Cuban đầu tư Dogecoin, nhiều người lập tức sợ rằng họ đã bỏ lỡ cơ hội làm giàu. Đây chính là FOMO (Fear Of Missing Out) - thuật ngữ ám chỉ hội chứng sợ bỏ lỡ hay mất cơ hội. Họ bị ám ảnh bởi cảm giác sợ bỏ lỡ điều gì đó, vuột mất cơ hội thành công, do đó dễ đưa ra những quyết định sai lầm.
Hầu như các người chơi tiền số chi tiền cho Dogecoin vì "đám đông" bảo thế. Tất nhiên cũng sẽ có những người từng đầu tư chứng khoán hay có kinh nghiệm đầu tư bất động sản có thể đánh giá tương đối chính xác và tác động vào giá cả, điển hình là Elon Musk. Dù vậy, hãy nhớ rằng, khi bong bóng xì hơi, những người như Musk vẫn sẽ là tỷ phú.
Hiểu mình đang chơi cái gì
Dù được đánh giá cao, Dogecoin vẫn chưa có công dụng đặc biệt gì khác ngoài đầu tư. Với các tổ chức lớn như MicroStrategy, Tesla, PayPal, Visa,... dù đã tham gia vào lĩnh vực tiền số, họ vẫn chưa có tín hiệu sẽ chấp nhận Dogecoin.
Giáo sư Mizrach nhận định: "Sự tăng giá của tiền điện tử cũng tương tự như giai đoạn đầu của bong bóng Internet, khi các nhà đầu cơ cố gắng định giá cổ phiếu các hãng công nghệ mà chẳng dựa trên báo cáo thu nhập nào cả". Với chứng khoán, nhà đầu tư còn có thể đánh giá qua chỉ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu (P/E). Con số này giúp họ hiểu được liệu cổ phiếu có đang bị giao dịch quá cao hay quá thấp so với giá trị thực tế hay không.
Chỉ cách đây 1 ngày, CEO Tesla mới bắt đầu đặt vấn đề về tính ứng dụng của đồng tiền này. Musk đã hỏi trên twitter rằng: "Bạn có muốn Tesla chấp nhận (chi trả bằng) Doge không?". Ngày 6/5 trước đó, chính Musk cũng lên tiếng cảnh báo rằng: "Hãy đầu tư một cách thận trọng vào tiền điện tử".
Đồng Dogecoin có thực sự tiềm năng không?
Có một câu nói về Dogecoin như sau: "Đúng, Dogecoin không có công nghệ. Đúng, Dogecoin không có tiềm năng. Nhưng cũng đúng khi nói Dogecoin có thứ mà rất nhiều dự án khác đều bảo sẽ làm nhưng mấy ai làm được – là niềm tin ứng dụng crypto vào những điều tốt đẹp. Điều tốt không có nghĩa là từ thiện, mà rộng hơn cơ, là giúp thế giới phổ cập về crypto, giúp mọi người hiện thực hóa thứ mà blockchain cố gắng mang lại, chứ không phải là bị đầu cơ như nhiều đồng tiền khác."
Theo Financial Times, bitcoin hay các loại tiền số khác đều chẳng khác gì... thị trường đa cấp. Người đầu cơ sẽ tham gia khi có lợi, đồng thời lôi kéo người sau rót tiền bằng bất cứ giá nào. Một số người cho rằng, đây là một hình thức "đánh bạc" vừa giải quyết nỗi buồn vừa có thể đem lại lợi nhuận. Về lý thuyết, những đồng tiền số như Bitcoin phải có giá trị hơn khi số lượng có hạn. Thế nhưng, Dogecoin lại như một "cái tát" giáng mạnh vào những đồng tiền số lớn khi nó tăng giá vượt mặt ngay dù có thể khai thác vô hạn.
Nhà báo Matt Levine, tờ Bloomberg từng nhận xét về cơn sốt Dogecoin rằng: Đây chính là Hiện tượng buồn chán của thị trường (Boredom Markets Hypothesis) trong lĩnh vực tài chính. Nhà đầu tư chơi cổ phiếu vì cảm thấy buồn chán, muốn tìm cách giải trí, cần hưởng thụ cảm giác chiến thắng khi được tiền vả cả sự thất vọng khi lỗ vốn.
Nhà phân tích thị trường David Kimberley tại Freetrade (Anh) nhận định: "Sự tăng giá của Dogecoin là một ví dụ kinh điển của Lý thuyết về kẻ ngốc hơn (Greater Fool Theory). Mọi người mua tiền điện tử, không phải vì nó có giá trị nào, mà vì họ hy vọng những người khác sẽ mua, đẩy giá lên và họ có thể kiếm tiền nhanh chóng. Bong bóng cuối cùng cũng phải vỡ và bạn sẽ bị bỏ lại nếu không thoát ra kịp thời".
Bilaxy là gì, sàn giao dịch tiền điện tử Bilaxy có lừa đảo không?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận