Chuyện chàng trai nghèo Kiên Giang nỗ lực theo đuổi ước mơ thành thầy giáo

Gia cảnh khốn khó, cuộc sống đầy vất vả, nhưng chàng trai Kiên Giang năm nào vẫn nỗ lực học hành, quyết tâm làm thầy giáo.

Chi Nguyễn
09:02 12/12/2023 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Hiện tại, anh Danh Lực (37 tuổi, người dân tọc Khmer) đang là giáo viên tại trường Tiểu học Bàn Tân Định, tỉnh Kiên Giang. Mấy ai biết rằng, hành trình trở thành thầy giáo của 8x gian nan không ngờ.

Anh Lực sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có tới 6 anh chị em. Bố mẹ Lực làm nhiều nghề mới đủ nuôi con, các anh chị cũng phải nghỉ học sớm. Trong nhà, mỗi Lực là người duy nhất được cả gia đình vun vén cho đi học đầy đủ.

Thầy giáo trẻ nhớ lại: "Để vượt lên cuộc sống quá khó khăn, tôi quyết tâm phải học thật tốt để trở thành một thầy giáo". Thế là, anh quyết tâm học tập ngày đêm, hi vọng có thể đổi đời. 

chang-trai-ngheo-kien-giang-va-hanh-trinh-thanh-thay-giao

Suốt 12 năm học, mặc cho trời mưa gió, anh vẫn kiên trì dậy sớm lội suối, băng rừng hơn 20km để kịp giờ vào lớp. Hằng ngày ngoài những buổi lên lớp, Lực còn phụ bố mẹ chăm lo đồng áng, cuối tuần vào rừng đốn củi, cắt dây mây để bán kiếm thêm thu nhập.

Năm 2006, Danh Lực thi tốt nghiệp lớp 12, nhưng không có ý định học tiếp đại học. Anh kể: "Mẹ tôi mất sớm, tôi học hết chương trình phổ thông đã là sự nỗ lực gồng gánh kinh tế của bố tôi. 

Nhà nghèo nên ước mơ bước vào giảng đường đại học với tôi càng khép lại. Đứng trước lựa chọn giữa việc phải đảm đương một khoản học phí đại học khổng lồ và phụ giúp gia đình, tôi đã chọn từ bỏ ước mơ của mình".

Thời điểm đó, anh đành chọn bỏ học, đi làm công nhân kiếm tiền. Đi làm được một thời gian, 8x Kiên Giang bất ngờ nhận được thông báo đã đậu học bổng toàn phần ngành sư phạm tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang. Niềm hạnh phúc lớn lao này đã thúc đẩy thầy Danh Lực gói ghém hành trang đi đến giảng đường đại học.

chang-trai-ngheo-kien-giang-va-hanh-trinh-thanh-thay-giao

2 năm sau, thầy tốt nghiệp, rồi đi dạy ở Trường THCS Mỹ Thái ở Hòn Đất (Kiên Giang). Thầy giáo trẻ nhớ lại: "Lúc ấy vừa ra trường, lương của tôi chỉ đủ trang trải cuộc sống. Với đồng lương 1 triệu đồng/tháng, tôi còn không đủ trả tiền đổ xăng.

Mùa mưa bão tại Hòn Đất còn khiến đường đất trơn trượt và dễ té ngã khi di chuyển. Trường học vào thời gian này thường bị ẩm mốc và dột. Những hôm mưa bão lớn, tôi thường phải ngủ qua đêm tại trường". 

Đi dạy tại Hòn Đất được 3 năm, thầy Lực quyết định xin chuyển công tác về Trường Tiểu học Bàn Tân Định để tiện chăm sóc cho bố của mình. Vì giáo viên thiếu, thầy giáo đành phải dạy ghép lớp cho các em học sinh lớp 1, 2 và 3.

Thầy giáo tâm sự: "ôi chưa được tập huấn kỹ năng dạy cho các lớp ghép. Mới đầu, tôi gặp không ít khó khăn khi phải phân bổ thời gian, giáo trình để dạy cả ba lớp cùng một lúc. 

Đa phần các em học sinh trong lớp là người dân tộc Khmer. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi phải dạy song ngữ vì học trò chưa thông thạo tiếng Kinh. Thú thật, giai đoạn đó tôi hơi nản". 

chang-trai-ngheo-kien-giang-va-hanh-trinh-thanh-thay-giao

Đã từng định từ bỏ, nhưng nhớ tới các em học sinh ham học, sự tin tưởng và gửi gắm của phụ huynh, anh Lực lại thôi. Thầy giáo kể: "Thầy trò chúng tôi học trong một căn phòng xập xệ, xuống cấp, tường nứt, ẩm mốc và mưa dột. Có những hôm lớp bị tốc mái, nhưng học sinh nói với tôi vẫn muốn đi học. Tôi xúc động không nói nên lời".

Có trường hợp các em học sinh bỏ học để theo ba mẹ làm nông, thầy Lực liền xuống nhà vận động, hỏi thăm các em. Anh luôn dặn dò học trò: "Các em có thể không học đến nơi, đến chốn nhưng chí ít ra phải biết đọc, biết viết. Trong trường hợp đi lạc, các em biết đọc để nhìn bảng chỉ dẫn mà tìm đường về nhà. Hay khi thấy một lọ thuốc thì các em còn có thể biết được đây có phải là thuốc độc hay không". 

Thầy Danh Lực sẽ tiếp tục sự nghiệp cầm phấn và "gieo" chữ của mình cho các em học sinh tại Trường Tiểu học Bàn Tân Định. Vào dịp 20/11 vừa  qua, thầy Lực vinh dự là một trong 58 thầy cô giáo được vinh danh tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Bộ Giáo dục & Đào tạo, Hội Liên hiệp Thanh niên, Ủy ban Dân tộc và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.

Theo Dân Trí, GDTĐ

Xem thêm: Chân dung thầy giáo người Anh dạy học cho trẻ em vùng cao: Yêu Việt Nam vì sự đôn hậu

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận