Nể phục 4 học sinh trong cùng một lớp trúng tuyển đại học top đầu châu Á
Vừa qua, 4 học sinh trường chuyên Hà Nội-Amsterdam đã khiến dân tình xuýt xoa nể phục khi trúng tuyển đại học top đầu châu Á.
Thầy Lê Mạnh Cường, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Lý 1, ngày 20/3, cho biết bốn học sinh gồm Đỗ Quỳnh Anh, Nguyễn An Lộc, Phạm Thế Minh và Vũ Hoàng Quốc Bảo. Các em sẽ được nhận học bổng ASEAN của chính phủ Singapore để theo học tại trường. Học bổng gồm học phí, 8.800 SGD (hơn 150 triệu đồng) chi phí sinh hoạt và nhà ở một năm, cùng tiền mua máy tính khoảng 1.750 SGD.
"Đây là lần đầu tiên bốn học sinh cùng lớp nhận học bổng này", thầy Cường nói.
Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) hiện ở vị trí thứ 26 trên bảng xếp hạng đại học thế giới của QS. Ở khu vực châu Á, trường xếp thứ 4, đồng hạng với Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Thế mạnh của NTU là các ngành kỹ thuật và công nghệ, học phí với sinh viên quốc tế khoảng 20.000-37.000 SGD một năm.
Theo thầy Cường, bốn học sinh có thành tích học tập trong nhóm đầu của lớp, đều có giải Olympic quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn (IOAA) năm 2022 và 2023. Ngoài ra, Quỳnh Anh, Thế Minh và Quốc Bảo cùng giành giải nhì thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý.
Học bổng gồm hai vòng hồ sơ và phỏng vấn. Trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) nhận hồ sơ từ tháng 11/2023 đến tháng 1 năm nay. Ứng viên được yêu cầu có điểm IELTS từ 6.5 trở lên, bảng điểm, thư giới thiệu và bài luận 300 từ. Tuy nhiên, học sinh được giải quốc tế được trường mời thẳng vào vòng phỏng vấn học bổng, diễn ra chiều 19/3. Vài tiếng sau, các em nhận kết quả trúng tuyển.
"Kết thúc phỏng vấn, các giáo sư chúc mừng sinh nhật em và nói hẹn gặp em ở trường. Hai tiếng sau, em nhận mail báo đỗ học bổng", Lộc nói.
Còn Bảo hơi bất ngờ vì kết quả đến sớm nhưng vui vì mục tiêu đã thành hiện thực. Cả Bảo và Lộc đều đỗ vào ngành Khoa học máy tính.
Hai nam sinh cho biết ước mơ du học Singapore từ năm lớp 10 nên sớm lên kế hoạch để đạt điểm số cao, thi IELTS, học lập trình và tham gia các cuộc thi quốc tế, hoạt động ngoại khóa để có hồ sơ đẹp. Đôi bạn cùng đạt IELTS 8.0, riêng Lộc còn có chứng chỉ SAT (bài thi chuẩn hóa, thường được dùng xét tuyển vào các đại học trên thế giới) với 1530/1600 điểm và có bài báo khoa học.
Vòng phỏng vấn diễn ra khoảng 10 phút. Các giáo sư và thành viên ban tuyển sinh của NTU hỏi các ứng viên về định hướng trong bốn năm đại học và sau khi ra trường; lý do chọn trường, chọn ngành và các hoạt động ngoại khóa đã tham gia.
Singlish (tiếng Anh của người Singapore) đôi lúc khiến Lộc và Bảo nghe không rõ, phải nhờ giám khảo nhắc lại câu hỏi. Nhờ đã lên website để đọc thông tin về trường, ngành học cũng như dự đoán và luyện tập trả lời các câu hỏi, nên Lộc trả lời tự tin.
Bảo cho hay mỗi người có hướng đi riêng để giành được học bổng như có giải quốc tế, thi A-level (bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Singapore), nhưng quan trọng nhất là biết được điểm mạnh của bản thân để phát triển. Ban tuyển sinh sẽ nhìn vào cả quá trình và đánh giá cao sự tiến bộ của bạn.
Còn với Lộc, sự trung thực trong hồ sơ là điều khiến cho trường ấn tượng về ứng viên. "Bạn cũng cần có kế hoạch rõ ràng và phương án dự phòng trong mọi trường hợp", Lộc đúc rút.
Các học sinh sẽ lên đường sang Singapore nhập học vào tháng 7 tới.
Học bổng ASEAN hệ đại học, dành cho học sinh các nước Đông Nam Á, do Bộ Giáo dục Singapore tài trợ, giao về 6 đại học công lập để tuyển chọn. NTU yêu cầu ứng viên có bằng A-level, thành tích học tập xuất sắc, có phẩm chất lãnh đạo mạnh mẽ. Người nhận học bổng phải duy trì điểm trung bình tối thiểu là 3.5/5 và ở lại làm việc cho các doanh nghiệp của Singapore ba năm sau tốt nghiệp.
Theo VnExpress
Xem thêm:
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận