Đối với một dân tộc đã trải qua bao thăng trầm của chiến tranh và khát khao hòa bình như Việt Nam, việc tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là sứ mệnh cao cả, thể hiện trách nhiệm và tinh thần đoàn kết với cộng đồng quốc tế.
Trên cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có những đề xuất quan trọng với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, với Đảng, Nhà nước trong hoạch định chiến lược hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam; tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc;... góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi, nâng cao vị thế, củng cố niềm tin chiến lược, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, nâng cao thế và lực mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trước khi nghỉ công tác, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã ấp ủ ý định kể lại câu chuyện về quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam, từ hành trình đầy rẫy gian nan để vượt qua những rào cản tư duy, cho tới những khó khăn trong quá trình xây dựng và triển khai lực lượng. Như tự thuật của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong phần mở đầu cuốn sách: “…từ Nam Sudan, đất nước vẫn còn non trẻ và đầy rẫy bất ổn này, chúng tôi thấy những gam màu ảm đạm: màu vàng của sa mạc, màu nâu của bùn đất, màu đen của những khẩu súng và đặc biệt là hình ảnh vô cùng đáng thương của những đứa trẻ chăn bò. Đây là chuyến đi tiền trạm để lên kế hoạch thành lập lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc...”.
Cuốn sách “Hành trình vì hòa bình” đã làm sáng tỏ những câu hỏi được nhiều người quan tâm rằng để hạ quyết tâm và định hình mục tiêu dài hạn, khả thi cho sứ mệnh quốc tế mới của Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta đã phải vượt qua các bước dò đường thận trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào. Bắt đầu từ “một ngày rất nóng” -khi hai sỹ quan Việt Nam đầu tiên lên đường làm nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình tại châu Phi, rồi tiếp nối là những thành công của các bệnh viện dã chiến và đội công binh… tại Nam Sudan, bản lĩnh của người chiến sỹ “mũ nồi xanh” Việt Nam đã được tôi luyện. Họ không chỉ hoàn thành những nhiệm vụ gian truân và đầy thử thách, mà còn góp phần làm tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” bằng tinh thần trách nhiệm, lòng can đảm, tình nhân ái, sức sáng tạo và ý chí kiên cường của mình.
“Hành trình vì hòa bình” không chỉ dừng lại ở “những câu chuyện từ châu Phi”, mà còn là tâm huyết được dồn nén từ lâu của tác giả về về khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo vệ bằng cả sức mạnh quân sự và bằng cả các biện pháp hòa bình. Song hành với “nhìn lại và suy ngẫm”, còn là những trăn trở về hành trình tiếp nối.
Tư duy và tầm nhìn chiến lược, không chỉ giới hạn trong phạm vi nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc mà sâu rộng hơn, đúng như tác giả trao gửi trong lời mở đầu của cuốn sách: “Trước những biến đổi nhanh chóng của bối cảnh địa chính trị chiến lược quốc tế và khu vực, đất nước và Quân đội ta cần kịp thời đổi mới tư duy bảo vệ Tổ quốc. Trước đây, chúng ta quan niệm rằng để bảo vệ Tổ quốc chỉ cần xây dựng Quân Đội vững mạnh để chiến đấu và chiến thắng khi có biến động. Trong khi tư duy bảo vệ Tổ Quốc trong tình hình mới không còn bó hẹp trong vùng lãnh thổ, lãnh hải và không phận mà còn bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và các lĩnh vực khác như hợp tác đa phương, đều là những “mặt trận không tiếng súng” để ta thêm bạn, bớt thù…”
Đọc giả sẽ thấy được “Hành trình Vì hòa bình” không chỉ là hồi ức một vị tướng sắc sảo về chiến lược và quyết đoán trong hành động. Cuốn sách còn thấm đẫm chất nhân văn, tình người, tình đồng đội và những bài học sâu sắc về những giá trị tích cực trong cuộc sống và sự nghiệp. Đó cũng là thông điệp quan trọng nhất mà trong phần kết của cuốn sách tác giả muốn gửi lời nhắn tới các bạn đọc trẻ hôm nay và mai sau.