Vợ chồng già – Câu chuyện nhân văn cảm động

Nhìn nụ cười, ánh mắt cặp vợ chồng già ấy trao cho nhau tôi thầm nghĩ liệu ai có thể giữ một ngọn nến đi qua bao giông bão mà vẫn cháy được như thế?

Vợ chồng già – Câu chuyện nhân văn cảm động

Nhìn nụ cười, ánh mắt cặp vợ chồng già ấy trao cho nhau tôi thầm nghĩ liệu ai có thể giữ một ngọn nến đi qua bao giông bão mà vẫn cháy được như thế?

Một sáng đầu đông, tôi ngồi nơi hành lang bệnh viện, kế bên là hai mái đầu bạc trắng được chải vuốt mượt mà, gọn gàng. Rất ít lần lần đi viện ngồi đợi khám hay đợi người nhà mà tôi không thấy cái lành rờn rợn, chỉ cảm nhận được sự nhẹ nhàng, ấm áp như hôm nay.

Hai vợ chồng già chắc khoảng ngoài 70 tuổi. Từng nếp nhăn, từng nét cười trên hai gương mặt đều toát lên sự phúc hậu, hạnh phúc. Nhìn hai ông bà, lần đầu tiên trong đời tôi hiểu sâu sắc cái đẹp từ tâm tỏa ra năng lượng thế nào. Nó hệt khi ta nhìn ngắm khuôn mặt, hành động hay nghe lời nói của trẻ thơ, hoàn toàn không gợi lên chút ganh tị hay đào sâu cái hố tự ti nơi người nhìn mà chỉ tràn ngập sự yêu quý, ngưỡng mộ và an lành.

Nhìn ông bà tôi bỗng vẩn vơ nghĩ đến đôi lần mình muốn đi phun xăm môi để trông tươi tắn mọi lúc mọi nơi kể cả khi bệnh hay khi ở nhà trông trang điểm, đi spa cải thiện những nếp nhăn ở khóe mắt rãnh cười, mua đồ đắt tiền dát lên người cho sang trọng,... Tất cả những chăm chút cho vẻ bề ngoài ấy rất cần thiết và chính đáng. Thế nhưng, tôi phân vân tự hỏi, liệu rằng những thứ ấy có gói nổi một nội tâm bất an, sân hận, buồn khổ không?

Gần 80 tuổi nhưng họ vẫn gọi xưng “anh – em” rất tình cảm. Cụ ông cầm hết túi xách cho cụ bà hệt những đôi trẻ đang yêu nhau. Thi thoảng bàn tay người này vẫn chạm vào sống lưng người kia, trao cho nhau những ánh mắt vỗ về.

Cụ bà phải gây mê nội soi đại tràng, cụ ông đứng chờ ngoài cửa như trẻ con chịu phạt. Mấy cô điều dưỡng nhắc nhở, trấn an cụ, nhưng được vài phút cụ lại đứng lên, đi qua đi lại trước cửa phòng.

Rồi như muốn sẻ chia nỗi yêu thương và âu lo quá đầy trong lòng, cụ quay sang tôi và anh trai lạ kế bên, nhỏ giọng kể rằng cụ bà sức khỏe vốn yếu thế nào, nhát gan ra sao, rằng 2 lần sinh con là hai lần thập tử nhất sinh, rồi cụ bà có tính hậu đậu, đã vậy hễ tí là giận dỗi,…

Tôi không thể quên hình ảnh lúc cụ bà tỉnh lại, cụ ông vội vã mang quần áo đã chuẩn bị sẵn cho cụ bà thay. Ngồi chăm chăm nhìn bà uống ly sữa bằng ánh mắt yêu thương… Nhìn ánh mắt ấy, tôi chợt nghĩa sau 30 – 40 năm ròng rã, ai có thể giữ một ngọn nến đi qua bão giông mà vẫn cháy như thế.

Tôi cũng chẳng thể quên được hình ảnh cụ bà mảnh mai, hiền lành, trong lúc đợi ông làm thủ tục bà quay sang chào tôi, mỉm cười bảo: “Ông ở ngoài này nói xấu bà nhiều lắm phải không? Mấy chục năm nay ông ấy đều như thế. Ông lấy luôn nghĩ không có ông thì bà chẳng làm được gì đâu. Con chắc có con rồi phải không? Con biết đấy, làm gì có người đàn bà nào biết sinh con mà không làm được việc gì, phải không con gái?”.

Một lúc sau họ cùng nhau rời đi, cặp vợ chồng già tôi không biết tên, một cuộc gặp gỡ tình cờ chóng vánh nhưng họ đã để lại trong tôi và có lẽ cả anh trai kế bên những điều thật sâu sắc. Hóa ra, để có chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc, có lẽ người phụ nữ không chỉ cần chăm chút vẻ bề ngoài mà còn cần học cả cách thấu hiểu, nhường nhịn người đàn ông của đời mình.

Xem thêm: Mệt mỏi vì làm con trai cưng của mẹ - Câu chuyện đáng suy ngẫm