Trung thu ở xóm trọ nghèo - Câu chuyện nhân văn xúc động

Đêm trung thu trăng đi theo dấu chân trẻ nhỏ khắp mọi miền vẫn không quên ghé thăm những xóm trọ nghèo nằm lọt thỏm giữa thành phố xô bồ.

Trung thu ở xóm trọ nghèo - Câu chuyện nhân văn xúc động

Đêm trung thu trăng đi theo dấu chân trẻ nhỏ khắp mọi miền vẫn không quên ghé thăm những xóm trọ nghèo nằm lọt thỏm giữa thành phố xô bồ.

Xóm trọ mà Gạo đang sống nằm lọt thỏm trong vô số những xóm trọ khác gần khu công nghiệp nằm ở phía bắc thành phố. Bố mẹ Gạo đi làm trái ca, cứ người này về người kia lại đi. Có khi cả tuần bố mẹ chẳng ngồi ăn cơm chung được bữa nào. Khi có việc dặn dò thì thông báo qua Gạo hoặc viết trên tấm bảng treo ở góc nhà. Gạo thích nhìn ngắm những nét chữ nguệch ngoạc, vội vàng trên bảng: “Chiều nay mua 5 cân gạo ở quán bà Thơm cho rẻ”, “Chiều em đi đón con nhớ mang theo tiền đóng học”, “Gạo ở nhà học bài  rồi gập quần áo giúp mẹ nhé!”,… Có đôi khi trên tấm bảng còn xuất hiện thêm một cái mặt cười, một bông hoa giấy.

Gạo với lũ bạn trong xóm trọ nghèo thường quanh quẩn chơi trong trong căn phòng 20m vuông và mảnh sân chung phía trước. Cùng đi học, cùng tha thẩn chơi chung dưới gốc bàng già, rồi cùng chờ hết ca làm bố mẹ trở về nơi xóm trọ. Tụi Gạo cái gì cũng chung nhau, ngay cả ước mơ cũng được chắt chiu nuôi dưỡng cùng nhau như là ước mơ có thể được cùng nhau đón một cái tết trung thu trọn vẹn, đông đủ.

Tụi trẻ con trong những xóm trọ nghèo hồn nhiên gắn kết với nhau. Chúng chạy qua chạy lại các ngõ ngách để cho nhau mượn vở, chia mấy thứ quà quê hoặc chỉ để khoe “mẹ mới mua cho tớ cái xe đạp mới”. Bạn của Gạo cũng đủ mọi hoàn cảnh khác nhau, đến từ những vùng quê xa lắc. Bố mẹ các bạn không phải ai cũng làm công nhân trong khu công nghiệp, có người thu mua đồng nát, có người chạy xe ôm, bán vé số, rửa bát thuê,… Gạo đã quen với những khuôn mặt lam lũ nơi xóm trọ nghèo, tha thiết nhìn họ mỗi ngày bằng đôi mắt hồn nhân của trẻ thơ. Những ngày nghỉ, Gạo thích được ghé nhà các bạn chơi. Nhà Hạnh là chật nhất, trong phòng chất đầy đồ đạc, chỉ chừa đúng một lối đi. Không cẩn thận là đồ đạc xô nhau ngã xuống. Mỗi lần thế, Hạnh vừa xếp đồ lại, vừa cười bảo: “Toàn đồ mẹ tớ xin hoặc mua rẻ của người ta. Chúng vẫn còn dùng được nên bán đi thì tiếc, mà để đây có khi không dùng đến nên bố cứ mắng mẹ hoài vì sợ nhà sắp thành bãi rác”.

“Mẹ tớ cũng thế. Mấy cái túi nilon ngoài chợ cũng mang về giặt phơi khô rồi cất đi để đựng rác, gói ghém đồ đạc khi cần”, Gạo cười nói.

“Mỗi lần bố tớ đau sẽ nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. Bố nói trong nhà toàn mùi rác, cậu có thấy thế không?”, Hạnh hồn nhiên hỏi.

“Tớ không ngửi thấy mùi gì hết. Tớ thích nhà cậu lắm. Mà bố tớ bảo nếu chúng ta cười nhiều thì trong nhà luôn có mùi đầm ấm đấy”, Gạo nói.

Gạo nhìn bạn, trong lòng trào lên thứ tình thương khó tả. Nhà Hạnh nghèo, mẹ là lao động chính trong nhà, mưu sinh bằng nghề buôn đồng nát. Lúc nào gặp mẹ Hạnh cũng thấy cô chở mấy bao tải phía sau, giấy vụn, đồ điện, chai lọ lỉnh kỉnh khiến cô xiêu vẹo cả người. Nhìn cô lúc nào cũng đầm đìa mồ hôi Gạo thấy thương như là thương mẹ. Để đỡ đần cho mẹ, sau giờ học Hạnh thường đi bán bóng bay ở các khu vui chơi trong thành phố. Trừ những ngày mưa gió, còn lại Hạnh không bỏ buổi bán nào. Những ngày lễ tết thì càng bán được nhiều, nên suốt mấy năm nay Hạnh không được đón trung thu cùng các bạn trong xóm. Mà chẳng riêng gì Hạnh, còn có rất nhiều bạn khác trong xóm trọ nghèo vì bận mưu sinh, vì miếng cơm manh áo mà chẳng thể hồn nhân ngắm trăng, rước đèn, phá cỗ.

“Năm nay Hạnh có ở nhà đón trung thu cùng xóm trọ không?”

“Chắc là không, hôm đấy tớ còn phải đi bán. Mấy hôm đấy đường phố tấp nập đông vui lắm, chỗ nào cũng thấy các bạn nhỏ xúm xít vui đùa. Năm nào tớ cũng bán hết hàng mang theo, có năm còn không đủ bán”

“Trung thu không được đi chơi cậu có buồn không?”

“Không đâu, tớ đi bán bóng bay, mang đến niềm vui cho nhiều bạn khác nên thích lắm, với cả còn kiếm được tiền phụ mẹ mà. Tớ chỉ mong một năm có đến vài cái trung thu ấy chứ”.

Gạo ngoảnh sang nhìn Hạnh, chỉ muốn ôm bạn một cái. Người bạn quanh năm mặc áo cũ, đi dép cũ, đến chiếc cặp sách cũng là đồ mẹ Hạnh xin lại được ở đâu đó mang về. Ngay cả những bữa cơm canh có khi vài miếng thịt kho, đậu đán cũng là đồ người ta dúi cho mẹ Hạnh. Nhưng Hạnh chưa bao giờ tủi thân hay tỏ ra chạnh lòng trước hoàn cảnh của mình. Thương bạn nên thỉnh thoảng Gạo hay chạy sang nhà Hạnh để dúi vào tay bạn thanh kẹo nhỏ, cuốn truyện hay. Cũng có khi chạy sang để cùng bạn học bài sau giờ đi bán bóng. Lọt thỏm giữa thành phố xa hoa là những dáng người liêu xiêu nhọc nhằn, những mái nhà lô xô bé nhỏ. Ở nơi đó luôn có những nụ cười trẻ thơ vang lên xua đi nỗi nhọc nhằn.

“Mẹ ơi, con ước gì tết trung thu năm nay được phá cỗ cùng tất cả các bạn trong xóm trọ. Nhưng Hạnh nói bạn ấy phải đi bán bóng…”

“Vậy thì chúng ta sẽ rủ bạn đến chung vui và mua hết số bóng bạn có. Thay vì chơi đèn lồng, chúng ta chơi bóng được không?”.

Gạo nghe mẹ nói thì ngẩng người, rồi nhảy cẫng lên vui sướng, hét lớn: “Mẹ siêu quá, sao mẹ nghĩ ra hay vậy?”. Rồi Gạo lao vào ôm mẹ, hít hà thỏa thuê mùi mồ hôi trên áo công nhân của mẹ. Cái ôm của Gạo khiến mẹ hạnh phúc vô cùng.

Cuối cùng, sau bao mong ngóng thì tết trung thu cũng tới. Tụi Gạo háo hức đến mức trong đầu chật ních những câu hỏi về trung thu. Gạo cứ đi ra đi vào, nâng lên đặt xuống hộp bánh nướng hình đàn heo con mà mẹ mới mua về. Gạo mong mãi đến tối để được ăn cùng các bạn. Mẹ còn mua một rổ hồng chín đỏ, mấy quả bưởi ngọt để tối góp vui cùng mọi người. Năm nào cũng vậy, cả xóm trọ tổ chức trung thu bằng cách nhà nào có gì góp nấy. Tối trung thu, ai nấy đều hò nhau ăn cơm thật nhanh để còn trải chiếu ra sân bày cỗ. Trẻ con mặc quần áo đẹp, háo hức cầm mấy cái lồng đèn, mấy cái trống con gõ ầm ĩ khắp xóm. 

Gạo nhấp nhổm nhìn ra cổng liên tục, cứ thấy tiếng cửa sắt kêu kèn kẹt là ào ra đón. Hôm nay Bình nghỉ bán vé số, Xương đánh giày cũng về sớm. Chỉ còn thiếu mỗi Hạnh, bạn tranh thủ đi bán bóng từ chiều mà lâu về quá chừng. Mẹ thấy vậy cười bảo Gạo: “Con đừng có lo! Mẹ đã dặn cả nhà Hạnh tối nay về chung vui với chúng ta rồi. Mình cứ dọn cỗ ra, tí nữa bạn ấy về ngay ấy mà!’.

Đúng 8 giờ tối, cả nhà Hạnh về mang theo chùm bóng bay hình các con vật với đủ các màu sắc khiến bọn trẻ thích mê, nhìn ngắm không rời mắt. Gạo ùa ra dắt tay Hạnh vào trong, miệng liên tục hỏi bạn: Có mệt không? Có đói không? Tối nay có bán được nhiều bóng bay không?

Lúc mẹ Gạo bảo muốn mua lại tất cả số bóng bay thì Hạnh mỉm cười, nhỏ nhẹ nói: “Đây là quà cháu mang về tặng các bạn trong xóm trọ. Hôm nay mẹ con cháu bán được nhiều rồi”. Gạo nghe vậy vui lắm, ánh mắt hân hoan nhìn các em nhỏ chạy lăng xăng khắp sân, trên tay đứa nào cũng cầm một quả bóng bay.

Trăng ngày rằm tròn quá, nhưng mẹ nói trăng mười sáu còn tròn hơn. Đêm trung thu trăng đi theo dấu chân trẻ nhỏ khắp mọi miền vẫn không quên ghé thăm những xóm trọ nghèo nằm lọt thỏm giữa thành phố xô bồ. Gạo quay sang nhìn Hạnh, thấy bạn cũng đang ngửa cổ ngắm trăng. Trong đôi mắt đen láy của bạn ánh lên niềm hạnh phúc…

Xem thêm: Khi lũ lụt ghé qua – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm