Hộp sữa bò của chị Hai – Câu chuyện nhân văn cảm động

Chị ngó trân trân hộp sữa bò, thều thào đáp: “Ba má tao mất rồi, người ta mới gọi điện lên. Giờ tao đem sữa về rồi biết nhờ ai pha cho thằng Út đây mầy?”.

Hộp sữa bò của chị Hai – Câu chuyện nhân văn cảm động

Chị ngó trân trân hộp sữa bò, thều thào đáp: “Ba má tao mất rồi, người ta mới gọi điện lên. Giờ tao đem sữa về rồi biết nhờ ai pha cho thằng Út đây mầy?”.

Chị Hai vừa tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm ở Sài Gòn liền được phân công về tận Cà Mau để dạy. Tháng đầu tiên nhận lương, chị mừng húm, tay vân vê mấy tờ giấy bạc mà đầu óc chị nghĩ tận đâu đâu. Chị nghĩ đến cảnh chị về nhà mang theo hộp sữa ông bò cho thằng Út, má sẽ lại mắng chị ra rả “Con nhỏ này tiêu hoang quá trời”. Mắng xong, tay má run run pha sữa cho thằng Út uống. Còn thằng Út chắc miệng nó cũng run run, cái gì làm lần đầu tiên mà chẳng run, nói chứ lần đầu tiên được uống sữa bò cũng hệ trong lắm chứ bộ.

Từ ngày nhận lương chị cứ thấp thỏm mong ngày nghỉ phép. Chị nghĩ là chờ đến ngày đó, cổ chị chắc dài ra hẳn mấy phân. Nhưng bữa ra bến xe đò để về quê, cổ chị thấp tịt lại. Chị vừa đi vừa rụt cổ, tướng đi thất thểu như người mất của, mất luôn cả hồn.

Đứa bạn cùng phòng đi dạy về thấy hộp sữa bò nằm chơ vơ trên bàn, thế là vội đạp xe chạy theo. Bến xe bữa đó đông dữ, nó chạy khắp nơi, miệng hớt hải gọi: “Hai ơi, Hai ơi, mầy để quên hộp sữa nè”. Tiếng gọi của bạn bị tiếng tàu xe, người ngượi nuốt chửng. Tìm một lúc, chẳng thấy người đâu, bạn buồn thiu định đi về thì thấy cái cổ thấp tè quay lại. Bạn vui vừng chạy đến đến lắc vai chị: “Sao mầy về quê đột ngột vậy?”. Chị ngó trân trân hộp sữa bò, thều thào đáp: “Ba má tao mất rồi, người ta mới gọi điện lên. Giờ tao đem sữa về rồi biết nhờ ai pha cho thằng Út đây mầy?”.

Từ đợt đó, thằng Út theo chị Hai nó vô tận Cà Mau sống. Thằng Út mới lên ba, suốt ngày hỏi chị: "Hai ơi, ba má đi đâu lâu về dữ vậy?”.

Chị Hai nghe vậy cười như mếu, nói với thằng Út: "Ba má đi mua sữa cho Út”.

Đêm chị Hai nằm ôm thằng Út, ru nó ngủ thật say rồi mới lọ mọ dậy soạn bài cho ngày mai. Chỗ chị ngồi trông ra con hẻm nhỏ, đêm khuya nhìn ra con hẻm sâu hun hút, ký ức của chị cũng mải miết chạy theo. Chị nhớ cái buổi trưa nắng chang chang mấy chị em lần khần chia tay nhau, thằng Tư, thằng Năm ở lại học trường làng, trông coi nhà cửa và lo hương khói cho ba má, chị đã nhờ cậu mợ sống gần đấy ngó chừng hai đứa. Còn hằng Ba quyết chí lên Tây Nguyên làm ăn theo người chú ruột, chị Hai thì dẫn Út về khu tập thể giáo viên sống cùng chị ở Cà Màu. Chị nhớ rõ cả tiếng tặc lưỡi của những người tiễn đưa ngày hôm ấy: “Ông trời không có mắt mà, ba má tụi nhỏ ăn ở hiền lành vậy mà bị chìm đò chết, giờ để con cái mồ côi, mỗi đứa một nẻo, tội nghiệp dữ”.

Thời gian cứ thế trôi qua, năm 28 tuổi, chị Hai đi lấy chồng khiến mọi người một phen ngỡ ngàng. Từ ngày chị dẫn thằng Út theo, dù giải thích thế nào, ai cũng nghĩ đó là con trai chị và thế là chẳng ai tin vai mình đủ rộng, đủ bao dung rộng lượng cho người đàn bà lỡ lầm nương tựa. Chồng chị là một anh giáo dạy văn vừa thuyên chuyển về trường. Mặc kệ thiên hạ xì xầm, anh thương chị, thương cả thằng Út. Với chị, thế là đủ rồi.

Thằng Út năm đó 10 tuổi, ngập ngừng, dè dặt hỏi chị Hai: "Hai đi lấy chồng rồi có dẫn Út theo cùng hông?”.

Chị Hai nhìn nó nước mắt vòng quanh: "Không đưa Út theo, rồi sao chị sống nổi”.

Thằng Út nghe vậy vui muốn ứa nước mắt.

Cưới xong, một thời gian sau, chị theo chồng ra Bắc. Thằng Út thấy mẹ chồng chị nhiều bữa than: "Nợ đời, đi lấy chồng lại còn dắt em theo”.

Thằng Út nghe vậy tủi thân quá trời. Nhưng nó cũng chóng quên, bởi nó còn nhiều việc để lo hơn là nỗi tủi thân vu vơ đấy. Nó phải lo học thật giỏi, lo đàn bò no cỏ, lo gánh thêm vài xô nước để chị Hai đỡ đau vai.

Có hôm mẹ chồng chị mổ gà, hai đứa cháu ngoại mỗi đứa một cái đùi gà ăn ngon ơ. Chị Hai nhìn thằng Út, nó bưng bát cơm trắng lên ăn một cách ngon lành. Thấy chị nhìn, nó nhìn lại chị rồi cười cười. Thấy nó như thế mặt chị cứ rưng rưng.

Sau khi lấy nhau được một thời gian, chị Hai sinh đôi được hai bé gái. Từ bữa đó mẹ chồng chị ngó lơ, chẳng mơ màng gì đến cháu nội. Thế là một tay thằng Út phụ chị chăm tụi nhỏ. Năm thằng Út thi cấp ba đậu vào trường chuyên tỉnh, anh rể mừng ra mặt, biểu thằng Út ráng học cho giỏi, không phải lo gì cả. Mẹ anh thấy vậy, chép miệng bảo: “Lương giáo viên mua không nổi sữa cho con uống mà còn đòi nuôi nó lên tỉnh trọ học, làm màu dữ mầy”.

Thằng Út cười toe toét: "Út thi chơi mà đậu thiệt là vui rồi, anh cho em học gần nhà là được rồi, chứ học xa chắc em nhớ hai đứa nhỏ chịu không nổi đâu”.

Thỉnh thoảng Út nhìn về hướng nam… Nó nhớ ba mẹ quá!

Thời gian trôi nhanh quá, chẳng mấy chốc mà thằng Út giờ đã tốt nghiệp đại học, đi làm rồi. Nó lanh lẹ, thông minh nên kiếm tiền giỏi lắm. Nó mua nhà trên phố, rồi nuôi cả hai đứa cháu lên học trường chuyên. Mẹ chồng chị mấy năm rồi đau ốm liên miên, thằng Út thấy vậy chạy vạy thuốc thang đủ kiểu. Nó hay biểu chị Hai: "Ba má mình mất rồi, còn lại mẹ chồng, chị Hai ráng chăm sóc nghe, mai mốt đỡ phải ân hận”.

Chị Hai nó nghẹn ngào nói: "Hồi đó chị đi lấy chồng mà không dắt Út đi theo, chắc giờ cũng ân hận lắm Út ha”.

Hai chị em nói xong lại hướng mắt nhìn về hướng nam, chỉ mong sao được trở về quê cũ, nơi mà mọi người lúc nào cũng thúc giục: “Út ơi! Về hương khói cho cha mẹ".

Sưu tầm

Xem thêm: Gói xôi của bố - Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm