Vượt nghịch cảnh, cô gái xương kính truyền cảm hứng cho những người kém may mắn

Không chỉ khẳng định bản thân, cô gái xương kính – Nguyễn Thị Thu Thương còn truyền nghề thủ công mỹ nghệ và truyền cảm hứng cho rất nhiều người khuyết tật.

Vượt nghịch cảnh, cô gái xương kính truyền cảm hứng cho những người kém may mắn

Không chỉ khẳng định bản thân, cô gái xương kính – Nguyễn Thị Thu Thương còn truyền nghề thủ công mỹ nghệ và truyền cảm hứng cho rất nhiều người khuyết tật.

Chị Nguyễn Thị Thu Thương (SN 1983, Hà Nội) không may mắc bệnh xương kính bẩm sinh, căn bệnh này khiến chị không thể ngồi hay đứng mà chỉ nằm hoặc lăn tròn như một đứa trẻ.

“Bản thân sinh ra không may mắn có được cơ thể bình thường như nhiều người khác, nhưng tôi luôn mong mình có một cuộc sống bình thường, có một công việc ổn định để nuôi sống bản thân, phụng dưỡng bố mẹ khi về già và hỗ trợ cho những người kém may mắn giống như mình”, chị Thu Thương từng tâm sự.

Với suy nghĩ ấy, năm 2003, khi tròn 20 tuổi, cô gái xương kính quyết định đi học nghề thủ công mỹ nghệ trước sự ngăn cản của bố mẹ và những người xung quanh vì lo lắng và sợ con gái vất vả, không đủ sức khỏe để theo học. Nhưng nhờ sự quyết tâm, đam mê cùng với sự nỗ lực không ngừng nghĩ của bản thân, sau một thời gian ngắn học nghề Thương đã có thể tự làm ra những sản phẩm thủ công đầu tiên, đó là những tấm bưu thếp, những bức tranh hoa lá, tranh đồng quê, phố phường đầy màu sắc. Dần dần tay nghề được nâng cao, Thương bắt đầu tìm cách bán những sản phẩm do mình làm ra để có tiền trang trải cuộc sống.

Sau một thời gian làm việc, bắt đầu có được nguồn thu ổn định, Thương quyết định tập hợp một số bạn khuyết tật, dạy nghề cho họ rồi nhận việc để học cùng làm với mình. Bởi từ sâu trong thâm tâm cô gái xương kính ngày luôn muốn một ngày nào đó sẽ thành lập được một công ty dạy nghề cho những người khuyết tật, kém may mắn trong cuộc sống để họ có công ăn việc làm ổn định.

Năm 2013, sau nhiều đắn đo suy nghĩ, Thương quyết định thành lập Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade. Sau gần 11 năm hoạt động, Thương Thương Handmade đã trở thành nơi đào tạo nghề cho khoảng 100 học viên đều là những khuyết tật, khó khăn đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Tại đây, những người kém may mắn không chỉ được đào tạo làm về thủ công mỹ nghệ, để tự tay làm ra những sản phẩm thủ công đẹp mắt, mà còn được cô gái xương kính – Thu Thương chia sẻ về hành trình, truyền nghị lực để giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Kết thúc khóa học tại trung tâm, nhiều người khuyết tật đã có được công việc ổn định, có thể tự nuôi sống bản thân và tự tin hơn trong cuộc sống.

Những nỗ lực của cô gái xương kính Nguyễn Thị Thu Thương đã được ghi nhận bằng những bằng khen, danh hiệu như: Danh hiệu Anh hùng thầm lặng do Microsoft Việt Nam trao tặng; Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2014; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vì đã phấn đấu vươn lên đạt thành tích trong lao động sản xuất; Danh hiệu Người tốt việc tốt do UBND TP. Hà Nội trao tặng; Năm 2015, Nguyễn Thị Thu Thương đã nhận được giải thưởng “Tầm nhìn Phụ nữ” (Women Vision Award) do Câu lạc bộ Phụ nữ quốc tế Hà Nội (HIWC) - là một nhóm phi lợi nhuận với các thành viên là phụ nữ nước ngoài hiện đang sống tại Việt Nam trao tặng...

Nhưng với Thu Thương, điều khiến chị tự hào và hạnh phúc nhất không chỉ là những bằng khăn, danh hiệu mà là câu chuyện của bản thân đã truyền cảm hứng và hỗ trợ được rất nhiều người khuyết tật khó khăn.

Xem thêm: Vượt nghịch cảnh, nữ nghệ nhân khuyết tật miệt mài giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ