“Chiến hữu” của ba – Câu chuyện nhân văn cảm động

20 năm, trung bình 50 cây số một ngày, vị chi ba đã cùng “chiến hữu” của mình đi hết bốn vạn cây số để “thồ” 5 chị em tôi đến giảng đường đại học.

“Chiến hữu” của ba – Câu chuyện nhân văn cảm động

20 năm, trung bình 50 cây số một ngày, vị chi ba đã cùng “chiến hữu” của mình đi hết bốn vạn cây số để “thồ” 5 chị em tôi đến giảng đường đại học.

Sau năm 1975, cả gia đình tôi từ Pleiku trở về quê mẹ ở Quảng Ngãi. Đó là những năm tháng rất khó khăn. Ruộng đã vào hợp tác, đi làm công điểm thì nhiều nhưng cuối vụ lúa lại được chia rất ít. Mẹ từ nhỏ đi học rồi làm công chức nên không biết ruộng đồng là gì, sức yếu mà cứ gắng làm theo người ta rồi đau ốm liên miên. Gia đình tôi có cả thảy 8 miệng ăn, số gạo đem về không đủ nên bữa đói bữa no. Có những đêm mùa đông, cả nhà bị cái đói giày vò không ai ngủ được. Để sống đói, chị tôi sáng kiến ra món “nem rau muống”, đem một cái bánh tráng sống nhúng nước rồi cắt làm 4, cuốn rau muống bên trong rồi chấm với mắm cái ăn. Nhìn chị em tôi xúm xít quanh rổ rau muống, ba tôi tim lặng, mắt đỏ hoe nhìn nơi khác.

Một hôm, ba nói với mẹ: “Chắc anh phải kiếm nghề gì đó làm thêm để kiếm cái ăn cho tụi nhỏ”. Nói là làm, dồn chút vốn liếng còn lại trong nhà, cộng thêm khoản tiền vay mượn, ba mua một chiếc xe đạp thồ.

Ngày đầu lạ nước lạ cái, ba đạp xe lơ ngơ ngoài đường suốt mất ngày liền vẫn chẳng có khách. Thế nhưng ba không nản lòng, sáng sớm nào cũng dắt xe ra đường đến tối mịt mới về nhà. Thỉnh thoảng chị em tôi đi học vẫn thường thấy bóng dáng ba gò lưng đạp xe trên đường với chiếc áo loang đầy mồ hôi, bạc thếch. Với chiếc xe đạp thồ ấy ba chở mọi thứ, hôm thì chở khách, hôm lại chở mắm, chở heo hoặc chở cá biển từ Đức Lợi lên chợ Trạm. Mà đường từ Đức Lợi lên chợ Trạm thời ấy rất xấu, nhất là vào mùa mưa, đường đầy bùn lầy, ổ gà ổ voi vô số kể. Ba với “chiến hữu” lấm lem như trâu cui, băng băng trên đường không biết mệt nhọc. mà đâu chỉ có lên chợ Trạm, ba còn chở khách lên chợ Chùa, lên tận những vùng heo hút như Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long,.. Suốt 20 năm ròng rã, ba không nghỉ ngơi lấy một ngày.

Chị đầu tôi học đại học Quy Nhơn, ba tất tả trên đường. Chị kế tôi đậu đại học Sư Phạm Đà Nẵng, ba tôi lại càng vất vả. Rồi tôi và em tôi cũng lần lượt đỗ đại học Huế, ba tôi khi ấy đã qua thời trai trẻ, sức khỏe có yếu đi nhưng người vẫn như vậy, miệt mài đạp xe băng khắp các nẻo đường. Khi ấy, tiền ăn học không gửi được tủ tháng nên ba gửi gối đầu nửa tháng một cho mấy chị em tôi. Mỗi lần ra bưu điện nhận tiền, nhớ đến gương mặt gầy gò cháy nắng của cha mà tôi đỏ hoe của mắt, như bị ai xé ruột xé gan. Đạp xe lâu ngày, lại chở toàn hàng nặng nên hai bàn chân ba bị sừng hóa, các đầu ngón biến thành hình tam giác. Tối nào tôi cũng thấy ba lặng lẽ lấy nước muối để ngâm đôi bàn chân nứt nẻ ấy.

Mỗi đợt nghỉ hè về thăm nhà, ra lại trường, ba lại cặm cụi chở chị em tôi ra bến xe bằng con “chiến hữu” của mình. Xe chạy ra rồi tôi vẫn thấy bóng dáng da đứng nhàu úa, thầm lặng bên chiếc xe đạp thồ. Nhiều khi nghĩ đến, tôi vẫn chẳng hiểu ba tôi lấy đâu ra sức để đẹp xe ròng rã suốt 20 năm trời như thế. Có những ngày đau ốm, chỉ ăn cháo để cầm hơi mà ba vẫn đạp, ba bảo tiền ăn tiền học của chị em ba không chờ ba hết ốm được. Khi em út tôi vào đại học thủy sản Nhan Trang, ba cũng đã gần 60 tuổi, sức khỏe yếu đi nhiều. Ba nói em tôi ra trường thì chiếc xe thồ cũng giải nghệ. Ngày trước ba còn trẻ khỏe, mối đi xe của ba rất nhiều. Đoạn sau này, ba già yếu hơn, nhận chở hàng cũng ít hơn, nhưng ba chẳng nghỉ một ngày nào, chắt chiu dành dụm từng ngàn để nuôi chị em tôi ăn học.

Mãi cũng đến ngày em tôi ra trường, ba quyết định giải nghệ. Buổi sáng hôm ấy, ông đem “chiến hữu” ra ngoài sông Vệ, chăm chút chà rửa cho thật sạch rồi mới đem về. Có người hỏi mua lại chiếc xe đạp thồ nhưng ông lắc đầu cười, không bán. Ba thương chiếc xe ấy bằng một tình cảm đặc biệt. Ông thường gọi vui đó là “chiến hữu” của ba. Treo chiếc xe lên xà nhà mà ba buồn suốt mấy tháng trời, đi ra đi vô lần nào cũng nhìn lên, ngắm nghía một lúc.

Năm rồi tôi về nhà, ba vui vẻ khoe: “Gia đình mình được xã công nhận là gia đình hiếu học tiêu biểu đó con”. Tôi cầm tấm bằng lớn bằng bìa cuốn vở học sinh ba đưa mà lòng thấy nặng trĩu. Nhìn lên xà nhà, “chiến hữu” của ba vẫn ở đấy, theo thời gian chiếc căm đã rỉ sét cả, phần ghi đông cũng sạm đen. Ba nhìn nó, cười bảo: “Chiếc xe này giờ cũng già nua, lụm cụm như ba”. Ròng rã 20 năm trời, ba dùng nó để “thồ” 5 chị em tôi đến giảng đường đại học…

20 năm, trung bình 50 cây số một ngày, vị chi ba đã cùng “chiến hữu” của mình đi hết bốn vạn cây số. Một con số không tưởng. Viết những dòng này con thay mặt năm chị em cảm ơn ba, suốt mấy chục năm ròng nhọc nhằn, vất vả nuôi chị em con khôn lớn, trưởng thành. Và cũng xin cảm ơn “chiến hữu” của ba nữa!

Sưu tầm

Xem thêm: Trồng răng cho mẹ - Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm