Chàng trai 8X “gieo mầm” thiện nguyện cho người khiếm thị

15 năm năm qua, chàng trai 8X –Châu Cao Minh (SN 1987, Bến Tre) đã nỗ lực tạo nơi làm việc, giúp đỡ những người khiếm thị có công việc ổn định.

Chàng trai 8X “gieo mầm” thiện nguyện cho người khiếm thị

15 năm năm qua, chàng trai 8X –Châu Cao Minh (SN 1987, Bến Tre) đã nỗ lực tạo nơi làm việc, giúp đỡ những người khiếm thị có công việc ổn định.

Nhớ lại những ngày bắt đầu sự nghiệp vào năm 2009, anh Châu Cao Minh nói: “Khi ấy mình mới ra trường, còn nghèo lắm nhưng lòng lúc nào cũng thao thức, trăn trở làm sao để tạo công ăn việc làm cho người khiếm thị”.

Sở dĩ chàng trai 8X có nguyện vọng đó là vì anh sinh ra trong một gia đình nghèo khó, có ba là người mù. Mẹ dù mang bệnh ung thư nhưng vẫn đi bán vé số, lo từng miếng ăn cho cả gia đình đến hơi thở cuối cùng. Sau khi học hết cấp 3, Minh rời vùng quê Ba Tri, Bến Tre lên TP. Hồ Chí Minh học hệ cao đẳng tại Trường Đại học Công Nghiệp.

“Tôi quyết định khởi nghiệp giúp người mù có kế sinh nhai một phần vì hoàn cảnh, một phần vì muốn trả ơn cho đời, những người đã giúp tôi và gia đình đi qua những khó khăn tưởng chừng không thể”, Minh nói.

15 năm trước, Minh bắt đầu thành lập cơ sở “Đôi tay người mù” ở đường trần Quốc Tuấn (quận Gò Vấp, TP.HCM) trong khuôn khổ dự án "Giúp nhau sinh kế". Đây là cơ sở kinh doanh chân chính, lành mạnh, do Minh đầu tư vốn (dù ít), để người khiếm thị có nơi để trải nghiệm công việc sau khi được đào tạo nghề miễn phí từ trung tâm hướng nghiệp cho người khuyết tật chùa Kỳ Quang II.

"Trước đó, tôi có tham gia lớp học massage, bấm huyệt cho người mù và được quý thầy chia sẻ về câu chuyện tìm việc không mấy dễ dàng của những kỹ thuật viên người mù. Những câu chuyện ấy đã thôi thúc tôi nuôi ước vọng tạo việc làm cho họ. Tất nhiên, giúp nhau sinh kế có nghĩa họ và mình đều có công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống, làm động lực cho nhau phát triển chứ không phải cơ sở từ thiện đơn thuần", chàng trai 8X lý giải.

Từ cơ sở ban đầu với 5 nhân viên, 4 giường nay Minh đã có tới 3 cơ sở với gần 100 nhân viên, trên 50 giường. “Những nhân viên theo tôi và cơ sở đều có trên 10 năm kinh nghiệm, trong đó có nhiều người sau một thời gian làm việc thì tích cóp được ít vốn để ra mở cơ sở riêng, dù nhỏ”, Minh hạnh phúc khi kể về thành tựu trong dự án kết nối, sẻ chia của mình.

"Tất cả nhân viên khiếm thị đến với cơ sở đều xác định là đi làm, nỗ lực để giỏi nghề hơn, điều chỉnh bản thân để phục vụ khách tốt hơn trong tinh thần massage trị liệu", Minh cho biết.

Các nhân viên cũng hiểu bản thân những nỗ lực bản thân bỏ ra sẽ được đáp đền xứng đáng nên họ gắn bó với niềm vui. "Bây giờ, để kiếm được công việc làm ổn định, người chủ tốt không dễ, nhất là với những người khiếm thị như chúng tôi, nhưng với anh Minh, chúng tôi cảm nhận được điều ấy", anh Toản, kỹ thuật viên làm tại cơ sở Bà Hạt (quận 10, TP.HCM) chia sẻ.

Anh Châu Cao Minh tiết lộ, mức thu nhập bình quân hằng tháng của nhân viên cơ sở Kỳ Quang Minh là từ 15-20 triệu đồng. Với số tiền này, mọi người có thể tiết kiệm lo cho bản thân, hỗ trợ gia đình, nhiều bạn còn gom góp, tiết kiệm để cơ sở, phát triển hơn tay nghề của mình.

Không chỉ tạo việc làm, chàng trai 8X – Châu Cao Minh còn truyền lửa cho nhân viên, rằng "chỉ cần bạn nỗ lực và sống lương thiện, chắc chắn cuộc đời sẽ đổi thay theo hướng tích cực". Chính câu chuyện cuộc đời của Minh đã truyền được cảm hứng cho những người khiếm thị theo Minh làm việc.

Xem thêm: Xúc động trước bức thư xin giúp đỡ cho bạn được đến trường của nữ sinh lớp 7