Chàng kỹ sư trẻ Tô Hữu Sỹ (SN 1989) sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Với quyết tâm xóa nghèo, từ nhỏ Sỹ đã chăm chỉ học tập và thi đậu vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Năm 2012, Sỹ tốt nghiệp đại học và tiếp tục theo học thạc sĩ ngành Khoa học cây trồng. Đến tháng 10/2020, thông qua chương trình hợp tác của học viện, Sỹ sang Nhật làm việc theo diện kỹ sư nông nghiệp.
"Mình qua Nhật với nhiều ước mơ và hoài bão. Công việc của mình bên đấy là chăm sóc cây trồng, sản xuất cây giống, chế biến nông sản... với lương hơn 50 triệu đồng/tháng. Mình nghĩ với mức lương như vậy, bản thân sẽ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Nào ngờ biến cố ập đến, mọi hy vọng sụp đổ trong phút chốc", Sỹ nhẹ giọng kể lại trong sự bất lực.
Biến cố xảy ra vào cuối tháng 1/2022, trong lúc đang kiểm tra dây chuyền sản xuất rau củ quả, chiếc găng tay của Sỹ bất ngờ dính vào máy chuyền đang hoạt động. "Thấy tay phải dính vào máy, theo phản xạ mình lấy tay trái kéo lại thì bị máy cuốn nghiền nát cả hai tay. Cơn đau tê dại ập đến, mình bất tỉnh và được đồng nghiệp đưa đến bệnh viện cấp cứu", anh Sỹ kể.
Do công ty ở ngoại ô, cách bệnh viện gần 400 cây số, khi ấy thời tiết xấu, tuyết rơi dày đặc nên Sỹ được đưa đi cấp cứu bằng trực thăng. "Lúc mọi người vừa lôi mình ra khỏi dây chuyền, mình vẫn tỉnh và chỉ nghĩ hai tay bị thương nặng. Đau quá, lại mất máu nhiều nên sau đó một lúc thì mình ngất xỉu. Lúc tỉnh lại thì đã là 8h sáng ở bệnh viện, nằm chờ tới 14h chiều thì mình được đưa vào phòng phẫu thuật. Ca phẫu thuật kéo dài 21h. Đến sáng hôm sau, mình tình lại thì biết cả hai bàn tay…đều bị mất.
Lúc ấy mình sốc, vừa đau đớn lại vừa bàng hoàng. Những điều tiêu cực ập đến như vũ bão, mất đôi tay mình như mất đi tất cả. Sau đó, mình nghĩ đến mẹ, vợ và hai con ở nhà. Lúc sang nhật, vợ mình đang mang bầu. Đến thời điểm gặp tai nạn, con mình được 7 tháng… Cả gia đình đang mong chờ mình, nên mình nghĩ bản thân không được gục ngã, phải sống tiếp, phải vực dậy mạnh mẽ", Sỹ tâm sự.
Hàng ngày sau giờ làm, anh Sỹ đều đặn gọi điện thoại về cho vợ và hai con. Nhưng tai nạn bất ngờ xảy ra, anh phải phẫu thuật hơn 2 ngày ở viện, không được cầm điện thoại. Thấy chồng không liên lạc, vợ anh Sỹ - chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1992) chỉ nghĩ anh tăng ca, không gọi về được. Đến khi thấy anh Sỹ gọi qua Facebook, giọng nghẹn ngào nói anh mất hai bàn tay rồi, chị Nhung bàng hoàng đến sững người. Nhưng chị mau chóng lấy lại tinh thần, hết lời an ủi động viên anh để anh không nghĩ đến những điều tiêu cực. Chị bảo việc anh vẫn còn sống đã là hạnh phúc với mẹ con chị ở nhà.
“Em chỉ cần anh trở về là được!'", chị Hồng Nhung trải lòng.
Đến tháng 6/2023, anh Sỹ trở về quê hương. “Lúc đặt chân xuống sân bay, cảm giác hụt hẫng lại ùa về, mình đã khóc rất nhiều. Lúc đi mình ôm bao nhiêu hy vọng, hoài bão, giờ lại trở về trong sự tàn tật… Nhưng sau đến nhà, gia đình, bà con hàng xóm xúm vào động viên. Bố mình dù rất đau xót nhưng vẫn an ủi con “mất đôi tay nhưng mình còn đôi chân để cố gắng cơ mà”. Mình mất hai tháng sau đó để hòa nhập cuộc sống với đôi tay mới".
Hai tháng sau khi trở về Việt Nam, Sỹ bắt đầu hành trình mới, xây dựng khu vườn hạnh phúc - Happy Garden. "Mình thuê lại mảnh vườn gần 300m2, vay mượn thêm chi phí để trồng và kinh doanh cây cảnh. Mỗi ngày thức dậy, nhìn thấy vườn cây xanh mát, nỗi đau của mình cũng dần được xoa dịu.
Từ một người lành lặn trở thành người không có tay, phải dùng bàn tay giả để sinh hoạt, đó không phải là chuyện đơn giản. Thời gian đầu, mình không tự vệ sinh cá nhân được, đừng nói gì tới những việc khác. Nhưng mình kiên trì, tập từng chút từng chút, đến giờ mình có thể tự làm mọi việc, kể cả việc chăm sóc cây trồng", chàng kỹ sư trẻ tâm sự.
Khu vườn Happy Garden dù mới được triển khai nhưng đã tạo được việc làm cho 2 công nhân gặp hoàn cảnh khó khăn. Doanh thu hàng tháng đạt khoảng 50 triệu đồng. Số tiền lãi đạt 20% so với doanh thu. Với chàng trai mất đi 2 tay như Sỹ, thì đó đã là thành công ngoài mong đợi.
"Sau khi vườn đi vào hoạt động ổn định, mình sẽ nghiên cứu, mở rộng hơn. Hy vọng với những kiến thức đã học được Happy Garden sẽ ngày một phát triển, tạo được công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn”, Sỹ nói.
Khi được hỏi đến đâu là bí quyết để vượt qua khó khăn, chàng kỹ sư trẻ chia sẻ: “Đó chính là đối diện với thực tại, bản thân phải tự chữa lành vết thương từ sâu bên trong và kết nối với những người cùng hoàn cảnh. Có thời gian tiêu cực, mình chỉ nghĩ đến cái chết. Nhưng vì người thân, vì gia đình nhỏ mình phải cố gắng vực dậy. Ở Nhật, mình được các bác sĩ cho học khóa điều trị tâm lý, nên tâm lý cũng vừng vàng hơn. Đặc biệt, khoảng thời gian khó khăn ấy có vợ luôn đồng hành cùng mình. Câu nói “còn thở là còn gỡ” cũng khiến mình lạc quan hơn”.
(Theo Vietnamnet)
xem thêm: Nghị lực phi thường của cô gái khiếm thị mê viết sách