Cảnh tượng bất thường cực hiếm tại Sahara: Tuyết trắng phủ kín "chảo lửa" 2,5 triệu tuổi

Được mệnh danh là “chảo lửa” với nhiệt độ luôn cao, việc sa mạc Sahara có tuyết rơi khiến người dân địa phương và du khách vô cùng thích thú.

Minh Hằng
07:30 22/01/2022 Minh Hằng
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sahara là sa mạc lớn nhất thế giới nằm ở phía bắc châu Phi và có tới 2,5 triệu tuổi, đây là hoang mạc lớn thứ 3 trên Trái đất (sau Châu Nam Cực và vùng Bắc Cực), với diện tích “khủng” lên đến 9 triệu km², xấp xỉ diện tích của cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sahara nổi tiếng là một trong những nơi có khí hậu nóng nhất hành tinh, lượng mưa cũng rất thấp. Vậy mà mới đây, nhiếp ảnh gia nghiệp dư Karim Bouchetata đã ghi lại được khoảnh khắc thiên nhiên hiếm có tại sa mạc này. 

Cụ thể, trong đoạn video mà nhiếp ảnh gia đăng tải, cả một vùng rộng lớn sa mạc Sahara thuộc thị trấn Ain Sefra, Algeria được bao phủ trắng xóa bởi băng tuyết. Lần cuối cùng nơi này xuất hiện tuyết là vào tháng 1 năm 2018 và anh Karim lại rất may mắn khi bắt trọn được khoảnh khắc tuyệt diệu này.

tuyet-roi-o-sahara-1
Tuyết rơi ở Sahara được chụp vào ngày 17/1/2022. (Ảnh: Karim Bouchetta)

Daily Mail có viết, thị trấn Ain Sefra còn được mệnh danh là “cánh cổng sa mạc” khi nằm ngay lối vào “chảo lửa” Sahara, cao khoảng 3.000ft (hơn 900m) trên mực nước biển và được bao quanh bởi dãy Atlas. Nhiệt độ đo được thời điểm tuyết rơi vào đêm ngày 17/1 ở ngưỡng -2 độ C trong khi nhiệt độ thường thấy ở Sahara rất cao, có lúc đạt đến 58 độ C. Qua các bức ảnh do anh Karim chụp được, có thể thấy tuyết rơi khá dày, xen lẫn với những cồn cát vàng tạo nên khung cảnh ấn tượng đến khó tin.

tuyet-roi-o-sahara-2
Lớp tuyết khá dày gần như che phủ các cồn cát màu vàng. (Ảnh: Karim Bouchetta)

Nói về hiện tượng tuyết rơi tại sa mạc Sahara, trang The Verge từng đưa ra lời lý giải, cho rằng đây chỉ là một phần trong mô hình khí quyển phổ biến ở Bắc Bán Cầu. Thời điểm từ tháng 11 đến tháng 3 hàng sau, Bắc Bán Cầu dần xa mặt trời hơn dẫn đến các luồng khí cao áp thổi mãnh liệt từ Bắc Cực xuôi xuống vùng khí áp thấp ở xích đạo.

Mặc dù rất hiếm khi không khí lạnh có thể tràn quá sâu qua khu vực xích đạo nhưng không phải là chưa từng có. Khi luồng khí ấm nóng ở phía Nam và luồng khí lạnh ở phía Bắc tích tụ ngày càng nhiều sẽ tạo ra sự cộng hưởng. Lúc này mô hình khí hậu sẽ mất cân bằng và tạo nên những hiện tượng chưa từng thấy.

tuyet-roi-o-sahara-3
Nhiếp ảnh gia Karim đã may mắn 3 lần bắt trọn được khoảnh khắc khó tin này tại Sahara. (Ảnh: Karim Bouchetta)

Tình trạng này chính là nguyên nhân dẫn đến một trong những nơi có nhiệt độ cao nhất thế giới như Sahara vẫn có thể bị bao phủ bởi băng tuyết như xứ lạnh. Nhà địa chất học Stefan Kropelin thuộc Đại học Cologne, Đức chia sẻ, không khí lạnh đã tình cờ kết hợp với luồng khí ấm từ vùng biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương rồi tạo ra màn tuyết rơi bao phủ sa mạc Sahara.

Trước đó không lâu vào tháng 12/2021, tại sa mạc Taklamakan cũng ghi nhận một trận bão tuyết hiếm gặp tạo nên khung cảnh đẹp như tranh vẽ. Sa mạc Taklamakan nằm ở trung tâm lưu vực Tarim thuộc khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Đây cũng là sa mạc lớn nhất nước này và là sa mạc cát dịch chuyển lớn thứ hai trên thế giới.

tuyet-roi-o-sahara-4
Khung cảnh đẹp như tranh vẽ tại sa mạc Taklamakan khi có tuyết rơi. (Ảnh: Sohu)
tuyet-roi-o-sahara-5
Các hồ nước bên trong ốc đảo cũng đóng băng vì nhiệt độ xuống thấp. (Ảnh: Weibo)

Không ít người đã bày tỏ sự ngạc nhiên và hứng thú với hiện tượng tuyết rơi tại vùng sa mạc Sahara. Tuy nhiên, đây cũng có thể là một hiện tượng xảy ra do những biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây. 

Đọc thêm: Vẻ đẹp kì ảo như trong truyền thuyết của "bãi biển trứng rồng"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận