Bất ngờ với ý tưởng biến dầu ăn thừa trong nhà thành xà phòng của bà mẹ Hà Nội

Trăn trở với các sản phẩm từ tự nhiên, chị Phạm Thị Hậu (36 tuổi, Hà Nội) phát động dự án hướng dẫn và nhận dầu mỡ thừa để trả lại xà phòng cho cộng đồng.

Bất ngờ với ý tưởng biến dầu ăn thừa trong nhà thành xà phòng của bà mẹ Hà Nội

Trăn trở với các sản phẩm từ tự nhiên, chị Phạm Thị Hậu (36 tuổi, Hà Nội) phát động dự án hướng dẫn và nhận dầu mỡ thừa để trả lại xà phòng cho cộng đồng.

Hai tháng trước, chị Phạm Minh Hậu ở quận Ba Đình, Hà Nội chế tạo thành công mẻ xà phòng đầu tiên để tẩy rửa nhà bếp, bát đĩa... từ dầu thừa của gia đình.

Là người nấu ăn, rửa bát hằng ngày, chị Hậu nhận thấy số dầu thừa thải ra từ các món chiên, rán khá nhiều. Nếu đổ nó xuống cống thì dễ gây ra tắc cống, lâu ngày gây hại cho môi trường. Là một người lâu nay thực hành theo lối sống thuận tự nhiên, chị nghĩ ngay đến việc tái chế dầu thừa. 

Tự bỏ tiền theo học các khóa học nâng cao về xà phòng cộng với tự mày mò học hỏi, chị cho ra đời những sản phẩm đầu tiên phục vụ nhu cầu của chính gia đình mình. Chị nhận thấy những sản phẩm xà phòng mình làm ra vừa an toàn cho người sử dụng, vừa thân thiện với môi trường, nên nếu chỉ một mình mình biết thì rất phí.

Nghĩ là làm, bà mẹ hai con nảy ra ý tưởng lan tỏa thói quen này tới cộng đồng, đặc biệt là ở quy mô nhỏ trong gia đình. Một vài người làm có thể không nhìn thấy sự thay đổi, nhưng nhiều người cùng làm thì rất có thể sẽ có những tác động đáng kể tới môi trường. Dự án Tái chế dầu thừa được ra đời từ suy nghĩ đó.

Khi khoe thành quả trên trang cá nhân, chị nhận được sự quan tâm từ bạn bè, xin chia sẻ công thức. Ý tưởng về dự án tái chế dầu thừa hình thành.

"Tôi làm chỉ để dùng trong gia đình, nhưng nhiều gia đình cùng làm sẽ có hiệu quả lớn tới môi trường", chị Hậu, 36 tuổi, nói về ý nghĩa của dự án. Theo chị, tái chế dầu thừa vừa giảm ô nhiễm, giảm tác hại hoá chất tẩy rửa độc hại, lại tiết kiệm chi phí.

Để sản xuất xà phòng từ dầu ăn thừa, chị lọc bỏ cặn, tạp chất, sau đó dùng các nguyên liệu như nước cất, NaOH (xút), các loại tinh dầu theo ý thích tạo mùi thơm và át mùi dầu mỡ cũ. Xà phòng được làm theo đúng quy trình, sau hai tiếng sẽ hoàn thành một mẻ. Để đảm bảo không dư xút gây hại da tay, cần phơi xà phòng nơi khô ráo, thoáng mát 30-40 ngày. Nhưng nếu chỉ cọ rửa nhà vệ sinh, có thể dùng luôn vào ngày hôm sau.

Theo tiến sĩ Hà Thị Hải Yến, giảng viên Hóa trường Đại học Nha Trang, việc chế biến dầu ăn thừa thành xà phòng đã được nhiều nước tiên tiến thực hiện từ lâu. Nếu thải ra môi trường, dầu thường nổi lên bề mặt, gây tắc nghẽn cống rãnh. Từ năm 2010, ở TP Barcelona, Tây Ban Nha, chính quyền còn phân phát miễn phí một dụng cụ có tên là "OliPots" nhằm khuyến khích người dân giữ lại dầu ăn đã qua sử dụng để thu hồi và tận dụng làm nguyên liệu sản xuất xà phòng, diezel sinh học, sơn... đồng thời giúp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Theo bà Yến, có người lo ngại dầu ăn thừa tồn dư nhiều chất độc hại nhưng thực chất những chất đó đã bay hơi khi chiên rán. Thành phần còn lại đa số chỉ là chất béo và vụn thức ăn, có thể lọc qua trước khi chế biến xà phòng.

Chị Hậu cho biết, với nguyên liệu một kg dầu ăn, cộng thêm phụ liệu sẽ thu được 1,5 kg xà phòng, tương đương 15 bánh, mỗi bánh 100 g. Mỗi lần giặt giũ, cọ rửa, người dùng cần ngâm vào nước thành dạng lỏng. Chi phí sản xuất 1,5 kg xà phòng từ 100.000 đ đến 200.00 đồng, tùy cách chọn nguyên liệu.

"Dầu ăn thừa thường lẫn mùi tanh của thức ăn, nên xà phòng tái chế không nên dùng để tắm hay dưỡng da. Có thể ngâm cùng cà phê một ngày rồi lọc lại trước khi làm, dầu sẽ có mùi dễ chịu hơn", chị hướng dẫn thêm.

Để ai cũng có thể thực hiện tại nhà, chị Hậu làm video chia sẻ công thức và các bước thao tác. Với những người bận rộn không thể tự làm, dự án của chị có thể thu gom, tái chế và chuyển sản phẩm tới tay người cần sau 1-2 tuần.

Ngoài tiền vận chuyển, người gửi dầu ăn tới không chịu thêm bất kỳ chi phí nào, tất cả đều do chị chi trả. "Trước dịch, tôi mở một quán trà. Trong quán có hộp mang tên "Hộp Hy vọng", khách đến trả tiền bằng sự hài lòng. Giờ số tiền này dùng làm kinh phí thực hiện dự án", cô nói.

Do dịch Covid-19 kéo dài, việc vận chuyển bị đình trệ, không thể gửi dầu ra ngoài Hà Nội. Để tránh quá tải, đảm bảo an toàn cháy nổ, Hậu thành lập các điểm thu nhận và tái chế ở từng khu vực, gọi là trạm tái chế vệ tinh. Các đầu mối này được chia sẻ lại kiến thức để hướng dẫn lại cho người khác, đồng thời tiếp nhận dầu thừa mang về tái chế và cho ra thành phẩm.

Thành quả là những bánh xà phòng chế biến từ dầu thừa của chị Việt Hà