Tứ Thánh đế, giáo lý căn bản Đức Phật dạy cho đệ tử

Tứ Thánh Đế không những là thông điệp đầu tiên của Đức Phật mà còn là căn bản của Phật Pháp. Tất cả giáo pháp đức Phật không ra ngoài Tứ Thánh Đế. Phi Tứ Thánh Đế thì không phải là Phật Pháp.

Hoài Lương
06:00 19/12/2021 Hoài Lương
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Kinh văn chép rằng: Sau khi đức Phật thành đạo dưới cây Bồ đề, Ngài muốn nhập Niết Bàn chứ không muốn nói pháp vì đa phần chúng sanh bị dục lạc chi phối tâm tánh không những không đủ sức tiếp nhận pháp vi diệu của Ngài đã chứng đắc mà còn phỉ báng nữa. Mà phỉ báng pháp thì chúng sanh sẽ đọa lạc, do đó Ngài muốn nhập Niết Bàn.

Khi đó Đại Phạm Thiên Vương hiện ra nhắc lại bổn nguyện của Ngài khi Ngài vượt thành xuất gia là tìm con đường sáng đưa chúng sanh ra khỏi đêm dài u tối vô minh, thỉnh cầu Ngài đừng nhập Niết Bàn vội mà nói Pháp độ sanh như bổn hoài và lòng Từ bi cứu độ chúng sanh.

Nhận lời thỉnh cầu của Đại Phạm Thiên Vương, đức Phật quyết định nói Pháp. Ngài dùng Phật nhãn quan sát để tìm 2 vị tiên mà Ngài đã từng tham vấn và đồng tu là A La La và Uất Đầu Lâm Phất nhưng thấy 2 người đó đã chết rồi. Ngài nhớ lại 5 anh em Kiều Trần Như, những người bạn cùng tu khổ hạnh với ngài ở Vườn Nai, và quyết định đi đến đó để nói pháp cho những người đó nghe.

Nội dung bài Pháp của đức Phật trong Vườn Nai cho 5 anh em Kiều Trần Như lúc đó là Tứ Thánh Đế. Đây là bài pháp đầu tiên và căn bản của Chánh Pháp đức Phật. Dọc theo Kinh Chuyển Pháp Luân và các bộ luận sau này, chúng tôi xin giới thiệu Pháp Tứ Thánh Đế.

Tứ Thánh Đế là 4 sự thật mà bậc Thánh đã giác ngộ. Bậc Thánh ở đây là chỉ cho đức Phật và các vị A La Hán khác. Bốn sự thật đó là: Khổ thánh đế, Tập thánh đế, Diệt thánh đế và Đạo thánh đế.

tu-thanh-de-giao-ly-can-ban-duc-phat-day-cho-de-tu-01
Bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật là pháp Tứ đế.

Khổ thánh đế:

Sự thật về khổ mà bậc thánh đã giác ngộ. Theo đức Phật con người sống trong cuộc đời này phải chịu nhiều khổ đau, mặc dù thỉnh thoảng cũng có những niềm vui, nhưng những niềm vui ấy quá ít và qua rất mau còn khổ đau thì nhiều và dài vô tận. Đây là những nỗi khổ trong kiếp phù sinh:

Sanh khổ: Nổi khổ khi sinh ra. Bị nghiệp quá khứ dắt dẫn, hữu tình chúng sanh phải nhập thai, trụ thai và đủ tháng ngày phải chào đời bằng 3 tiếng khóc. Khi sinh ra hữu tình chúng sinh phải chui qua 1 con đường mà khi nói đến ai ai cũng phải cúi mặt. Thật là khổ vậy.

Lão khổ: Thời gian như thoi đưa, mới đó mà tuổi thanh xuân đã vụt qua, tuổi già đã đến rồi. Mà già thì mắt mờ tai điếc, gánh nặng của cuộc đời đã làm cho lưng còng lại, tóc bạc răng long, trí tuệ dường như mất cả, lỉnh lỉnh lãng lãng như người mất hồn, khổ thật.

Bệnh khổ: Khổ khi bị bệnh tật.

Tử khổ: Khổ khi chết. Khi thần thức bị tách riêng ra khỏi thân tứ đại, tâm thì luyến ái người thân, bị nghiệp dẫn đi tái sinh trong 6 cõi luân hồi như cánh chim lạc loài trong đêm trời giông bão. Đường trước mịt mờ biết trôi về đâu! Khổ thật.

Ái biệt ly khổ: Thương yêu nhau mà sống xa cách nhau là khổ.

Oán tắng hội khổ: Thù ghét nhau mà phải sống chung với nhau là khổ.

Cầu bất đắc khổ: Mong cầu điều gì mà không được toại nguyện là khổ.

Nói tóm lại, hễ 5 uẩn tụ hợp lại thành con người, sống trong cuộc đời này là phải bị khổ đau. Đây không phải là lý thuyếtt suông mà là thường nghiệm. Đời là bể khổ vậy.

Tập Thánh Đế: Nguyên nhân của khổ mà bậc Thánh đã giác ngộ. Đó là vô minh phiền não tham sân si. Do tham sân si chi phối tâm tánh thúc đẫy hữu tình chúng sanh tạo ra ác nghiệp, đã tạo ra ác nghiệp phải bị tái sinh để chịu những quả báo khổ như trên.

Diệt Thánh Đế: Niết Bàn vắng lặng an lạc không còn những nỗi khổ vì tham sân si đã bị diệt trừ trọn vẹn không còn dư tàn.

Đạo Thánh Đế: Con đường đưa đến Niết bàn mà bậc Thánh đã giác ngộ. Đó là 37 pháp trợ đạo, trong ấy Bát Thành Đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định là căn bản nhất. Đây là các phương pháp tu tập mà hành giả phải hành trì để diệt vô minh phiền não tham sân si chứng Niết Bàn an lạc.

Tứ Thánh Đế được thiết lập trên luật nhân quả: Các luận sư sau này phân tích:

Khổ Thánh Đế là quả, Tập Thánh Đế là nhân. Đây là nhân quả tại thế gian.

Diệt Thánh Đế là quả, Đạo thánh đế là nhân. Đây là nhân quả xuất ly thế gian.

Đức Phật, bậc Thánh đã giác ngộ Tứ Thánh đế, ngược lại hữu tình nào giác ngộ được Tứ Thành Đế cũng thành Bậc Thánh. Bậc Thánh ở đây chỉ cho quả vị A La Hán. Muốn chứng quả vị A La Hán thoát ly sanh tử khổ não chứng Niết Bàn vắng lặng an lạc thì phải tu tập Tứ Thánh Đế này.

tu-thanh-de-giao-ly-can-ban-duc-phat-day-cho-de-tu-02
Đức Phật đã dạy rằng: “Nếu con người ta không hiểu rõ Tứ Diệu Đế là gì thì không có cách nào khác có thể tránh được con đường sinh tử luân hồi, không hiểu rõ Tứ Diệu Đế là gì thì sẽ không thể nào tìm được con đường để thoát ly khổ đau, trầm luân từ kiếp này sang kiếp khác”.

Tam chuyển pháp luân: Tam chuyển pháp luân là nói pháp bằng 3 cách: thị chuyển, chứng chuyển và khuyến chuyển. Thị chuyển là chỉ cho thấy. Chứng chuyển là xác nhận mình đã thấy. Khuyến chuyến là khuyên người khác nên thấy. Tứ Thánh Đế ấy được đức Phật nói bằng 3 cách cho 5 anh em Kiều Trần Như lúc đó như sau:

Thị chuyển:

Đây là khổ.

Đây là nguyên nhân của khổ.

Đây là Niết Bàn vắng lặng an lạc không còn khổ.

Đây là con đường đưa đên Niết Bàn.

Chứng chuyển:

Đây là khổ mà Như Lai đã biết.

Đây là nguyên nhân của khổ mà Như Lại đã diệt trừ.

Đây là Niết Bàn vắng lặng an lạc mà Như Lai đã chứng đắc.

Đây là con đường đưa đến Niết Bàn những phương pháp tu tập mà Như Lai đã tu tập xong.

Khuyến chuyển:

Đây là khổ các ông nên biết.

Đây là nguyên nhân của khổ các ông nên trừ diệt.

Đây là Niết Bàn vắng lặng an lạc mà các ông nên tu chứng.

Đây là con đường đưa đến Niết Bàn những phương pháp tu tập mà các ông nên tu tập.

Như thế, chúng ta thấy đức Phật nói pháp là trình bày cho chúng ta biết những gì Ngài đã như thật chứng tri đã như thật thể nghiệm chứ không phải là những lời nói suông hý luận.

Tóm lại, Tứ Thánh Đế không những là thông điệp đầu tiên của Đức Phật mà còn là căn bản của Phật Pháp. Tất cả giáo pháp đức Phật không ra ngoài Tứ Thánh Đế. Phi Tứ Thánh Đế thì không phải là Phật Pháp.

Đức Phật Thích Ca và những câu chuyện tiền kiếp

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận