Sức mạnh của sự từ bi và trí tuệ nhà Phật
Sức mạnh của từ bi và trí tuệ. Trong suốt 49 năm hoằng pháp lợi sanh, đức Phật đã để lại một gia tài to lớn đó là từ bi và trí tuệ cho chúng ta, nhằm mục đích chỉ ra nỗi khổ não, chỉ ra con đường, biện pháp để diệt khổ, dẫn đến an lạc ở hiện tại.
Là một người đệ tử học theo lời Phật dạy và hành trì đúng pháp thì chúng ta sẽ có được an lạc về thân, tâm một cách rõ ràng ở ngay hiện tại, không cần chờ đợi ở tương lai. Trong suốt 49 năm hoằng pháp lợi sanh, đức Phật đã để lại một gia tài to lớn đó là từ bi và trí tuệ cho chúng ta, nhằm mục đích chỉ ra nỗi khổ não, chỉ ra con đường, biện pháp để diệt khổ, dẫn đến an lạc ở hiện tại.
Thật đúng như vậy, đã là người đệ tử Phật thì ai mà không muốn học và hành trì tu tập những đức tính tốt theo lời Phật dạy. Để hưởng được gia tài mà Phật để lại thì chúng ta cần phải có từ bi và trí tuệ đúng như thật qua việc học hỏi, tìm hiểu, hành trì. Trước tiên là phải học sự từ bi. Từ là mến thương, do có mến thương mà chúng ta tạo nên cái vui cho người.
Từ vô lượng là lòng thương vô cùng rộng lớn đối với tất cả mọi loài chúng sinh như trời, người, con vật, cây cỏ, v.v... giúp cho chúng sinh có niềm vui chân thật, cái vui của thế gian chỉ là giả tạm, nó tồn tại rất ít, vì cái vui ấy không bền, cái vui ấy vẫn còn phiền não, chi phối do tham, sân, si, mạn, nghi. Khi chúng ta đã được thỏa mãn thì vui, nhưng thử hỏi những thứ vui ấy có bao giờ được bền lâu, khi những thứ dục vọng sai sử. Còn vui xuất thế gian là chân thật, vì nó bền lâu, thoát ra vòng phiền não của tham sân si mạn, nghi, nó không bị dục vọng chi phối.
Cái vui này rất yên tĩnh, không sôi nổi, không ồn ào, nhưng vĩnh viễn nhẹ nhàng, vì nó là cái vui của cảnh giới giải thoát siêu phàm. Muốn được cái vui này thì bạn phải tự mình nỗ lực tu tập và hành trì chấm dứt các phiền não gây ra. Nếu bạn không thể chế ngự được tham sân si hoành hành, thì bạn chỉ có thể có được cái vui nhất thời giả dối thôi.
Một vị Bồ Tát muốn giúp chúng sanh được vui, thì trước tiên phải có lòng từ bi vô lượng, luôn luôn chỉ dạy chúng sanh đừng có gây tội, tìm cách chỉ dạy chúng sanh xa lìa những hầm hố nguy hiểm. Ngài tìm cách hướng dẫn chúng sinh đi lên con đường quang minh chính đại của ánh sáng trí tuệ, đó là con đường dẫn đến quả vị giải thoát mà hưởng cái vui vĩnh viễn. Có thể nói rõ hơn là lòng từ phải đi kèm lòng bi, để chỉ ra nguyên nhân sự đau khổ và dùng nhiều phương tiện khuyên bảo chúng ta đừng gây nhân khổ. Từ đó chỉ rõ phương pháp diệt khổ được vui.
Còn nói về bi là lòng thương xót rộng lớn trước những nỗi đau khổ của chúng sanh, và quyết tâm làm cho đoạn dứt những nỗi đau khổ ấy. Trong Tứ Đế có nói cái khổ của chúng sanh thật là mênh mông, rộng lớn vô cùng hầu như chúng ta không thể nào nói hết được. Nó bao trùm cả nhân lẫn quả xuyên suốt không hề gián đoạn, kể cả thời gian vô tận, không gian bao la, kể cả phàm lẫn thánh, nói một cách chuẩn xác và đúng nhất là có vô lượng nỗi khổ trong đó có tôi. Cái khổ nằm trong nhân được ghi lại qua các kinh điển thường gặp “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”.
Đa phần chúng ta vì không thấy đúng sự thật mãi chạy theo các vọng chất mê lầm, rồi khi cái khổ đến lúc đó mới lo sợ, than trời trách đất. Lúc đang tạo nhân khổ thì lại không nhận thấy, cứ xem như không có gì. Chúng ta sống trong cảnh khổ mà chẳng biết gì, rồi lại cho đó là sự vui, rồi sinh ra ưa thích. Ví như những người hút thuốc phiện, họ cho đó là vui nhưng thực sự nó là một cái khổ.
Khi mà hết thuốc thì họ sẽ đau khổ tâm trí mê mờ, rồi có thể làm nhiều điều phạm pháp, tạo ra nhiều tội lỗi. Còn cái khổ nằm trong quả: một khi chúng ta đã tạo ra cái nhân đau khổ, tất nhiên phải nhận lấy cái khổ, đó là thành quả của chúng ta. Đây là lẽ tất nhiên đúng không? Những ai trồng cây sẽ biết, trồng bắp thì được bắp, chứ trồng bắp mà được lúa bao giờ? Thế mà người thế gian ít ai công nhận thực tế.
Cuộc sống này đã khổ nay lại càng khổ, cái khổ bao trùm cả thế gian, từ trước đến nay cái khổ chưa bao giờ chấm dứt, mà cứ chất chồng thêm mãi, nó tạo nhân rồi lại kết quả, trổ quả rồi lại gieo nhân, như thế liên tục trong vòng sinh tử, như bánh xe lăn tròn khắp đường cùng ngõ hẹp không bao giờ ngừng nghỉ của một đời người, một chúng sanh….
Khổ bao trùm cả không gian: Tức là cái khổ không có phương hướng và cũng không cần có quốc độ. Nếu ở đâu có vô minh thì ở đó có khổ, vô minh cũng được ví như bóng tối bao trùm không chỉ ở thế giới này mà còn có vô số thế giới khác nữa. Không gian mênh mông vô tận như thế nào thì những nỗi khổ đau cũng mênh mông như thế ấy. Khổ chi phối chúng sinh ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh đã khổ vô cùng rồi, còn loài người chúng ta thì sao?
Chúng ta lại say mê chìm đắm trong ngũ dục và lại bị tham-sân-si chi phối, nên từ đó phải lặn hụp trong sinh tử luân hồi trong biển khổ. Còn chư thiên, mặc dù không khổ như người, nhưng cũng không tránh khỏi cái khổ vì ngũ suy tướng hiện, cho đến các hàng thánh như: Thanh Văn, Duyên Giác,…vì còn mê pháp, trụ trước niết-bàn nên cũng không tránh khỏi nỗi khổ sinh tử. Nỗi khổ thật là ghê sợ, để có được một lòng thương xót lớn lao vô lượng cân xứng với nỗi đau khổ vô lượng và có một chí nguyện sức mạnh cứu độ tất cả thoát khỏi nỗi khổ vô lượng ấy là tâm bi vô lượng.
Tôi cũng vẫn còn khổ nên tôi sẽ cố gắng sức mạnh tu tập qua lời Phật dạy, mong sao chấm dứt được nỗi khổ của mình để đạt được sự an lạc giải thoát của thân và tâm thong dong tự tại mà không bị cái khổ kiềm phá như thế này, thật là xấu hổ quá.
Còn về trí tuệ: trí tuệ là sự sáng suốt không mê lầm, thấy rõ lý chân thật, các sự tướng hữu vi và vô vi… Thấy biết các pháp là vô thường, vô ngã, sinh diệt biến hoại. Muốn có được trí tuệ như thật thì chúng ta cần phải có sức mạnh tu tập: văn tức là học, tư tức là suy nghĩ, tu tức là hành trì thực hành. Còn phải thực hành giới, định, tuệ, có giữ giới từ đó sẽ phát sinh định, từ định dẫn đến phát tuệ.
Tu tập các pháp lục độ vạn hạnh như: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Tu tập 4 pháp tứ vô lượng tâm là: tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả. Bát chánh đạo cũng là pháp môn rất quan trọng đưa đến thánh trí được nằm trong 37 phẩm trợ đạo. Bát chánh đạo được xem là pháp môn chính, lại được nhắc nhở nhiều nhất, là pháp môn của đạo đế. Bát chánh đạo có đầy đủ bao gồm các pháp môn khác của đạo đế, đưa đến thánh trí.
Nếu chúng ta áp dụng sự tu hành của mình để đoạn trừ phiền não khổ đau để bước lên con đường giải thoát an vui tự tại là rất đúng và chính xác gồm có: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Những người còn phàm phu như chúng ta đây nếu nương theo pháp môn này mà tu tập thì sẽ khỏi sự lầm lạc vào nẻo nguy hiểm, lần hồi sẽ có cơ hội chứng quả hiền thánh. Còn những bậc hiền thánh nếu nương theo tám phương tiện trên thì cơ hội đến cảnh giới Niết Bàn không còn xa.
Qua đó, nếu như chúng ta biết hướng đến điều sáng, từ bỏ điều tối cố gắng nỗ lực tu tập theo đúng như tinh thần Phật dạy trong kinh thì có lợi ích lớn cho chúng ta và mọi người, mọi loài được thể hiện qua lòng từ bi và trí tuệ. Từ đó chúng ta sẽ có một đời sống an lạc và hạnh phúc tự tại giải thoát không còn bị lệ thuộc vào tham sân si mạn... do có sức mạnh và ánh sáng, đó là đại từ đại bi và đại trí dẫn đường soi sáng trên bước đường tu tập và giải thoát trước sự vô minh của thế gian này.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận