Người tu Phật không được phép dính mắc những vật thọ dụng

Người xuất gia sống nhờ vào sự cúng dường của bá tánh như thực phẩm, chỗ ở, thuốc men... Nhận những vật dụng nhưng người tu không được phép dính mắc, nếu dính vào thì không thể giải thoát.

Hoài Lương
09:36 06/07/2021 Hoài Lương
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chỉ cần một người tu nào đó, có một chút sơ suất mất chánh niệm vào những vật dụng được cúng dường thì tâm người đó dễ dính mắc ngay lập tức. Từ đó những tham ái phiền não ngủ ngầm bên trong sẽ thừa cơ trỗi dậy.

Điều này được đức Phật đã chỉ ra trong đoạn trích Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm20.Thiện tri thức, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.340). Trong đoạn trích này đức Phật lấy hình ảnh sư tử và dê để nói về vấn đề thọ dụng và dính mắc của người tu như sau:

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Nay Ta sẽ nói: Có người như sư tử và có người như dê. Các thầy hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ đó. Các Tỳ-kheo đáp: Xin vâng, Thế Tôn. Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, Thế Tôn bảo rằng:

Người kia tại sao mà giống sư tử? Ở đây, Tỳ-kheo! Có người được cúng dường y phục, đồ ẩm thực, giường nằm, thuốc men trị bệnh. Người đó được rồi liền tự ăn uống, không khởi tâm dính mắc, cũng không có dục ý, chẳng khởi các tưởng, hoàn toàn không có niệm này, tự biết pháp xuất yếu. 

nguoi-tu-phat-khong-duoc phep-dinh-mac-vao nhung-vat-tho-dung-1
Trên bước đường tu, mỗi người tu sĩ có một phước báo khác nhau, nên việc thọ nhận sự cúng dường cũng khác nhau

Cho dù không được lợi dưỡng, cũng không khởi loạn niệm, không có tâm tăng giảm. Ví như sư tử ăn thịt thú nhỏ. Bấy giờ vua loài thú ấy cũng không nghĩ rằng: 'Cái này tốt, cái này chẳng tốt', không có tâm dính mắc, cũng không dục ý, không khởi các tưởng. Người này (người tu) cũng lại như thế. Nếu được cúng dường y phục, đồ ẩm thực, giường nằm, thuốc men, trị bệnh, người này được rồi liền tự ăn uống, không khởi ý dính mắc; ví dù không được cũng không có các niệm.

Ví như có người nhân người cúng dường y phục, đồ ẩm thực, giường nằm, thuốc men trị bệnh, được rồi liền ăn uống, khởi tâm dính mắc, sanh ý ái dục, không biết đạo xuất yếu. Giả sử không được, người ấy hằng sanh tưởng niệm này. Người ấy được cúng dường rồi, hướng về các Tỳ-kheo, mà tự cống cao hủy báng người khác: 'Chỗ ta hay được y phục, đồ ẩm thực, giường nằm, thuốc men trị bệnh. Các Tỳ-kheo này không hay được'. Ví như có một con dê trong bầy dê lớn, ra khỏi bầy, đến đống phân lớn. Con dê này ăn phân no rồi trở về bầy dê, liền tự cống cao: 'Nay ta được ăn ngon, các con dê này không hay được ăn'. Đây cũng như thế, nếu có một người được lợi dưỡng y phục, ẩm thực, giường nằm, thuốc men trị bệnh, khởi các loạn tưởng, sanh tâm dính mắc, người ấy liền hướng về các Tỳ-kheo mà tự cống cao: 'Ta hay được cúng dường, các Tỳ-kheo này chẳng hay được cúng dường'. Thế nên, các Tỳ-kheo hãy học như vua sư tử, chớ như dê. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

Qua câu truyện trên, chúng ta thấy trên bước đường tu, mỗi người có một phước báo khác nhau. Có người được tín thí cúng dường hậu hỷ, dư dật nhưng cũng có người kém duyên, ít phước, chỉ tạm đủ sống qua ngày. Dù dư dả hay thiếu thốn thì người tu cũng là những ‘kẻ ăn xin’ (khất sỹ) mà thôi. 

nguoi-tu-phat-khong-duoc phep-dinh-mac-vao nhung-vat-tho-dung-2
Người tu cần thọ dụng để làm phương tiện tiến tu, song cần thọ dụng trong tinh thần ‘không khởi tâm dính mắc, cũng không có dục ý, chẳng khởi các tưởng

Trớ trêu là, hiện có không ít người tu có biểu hiện tự hào, thậm chí cống cao về phước báo hữu lậu; thành quả ‘ăn xin’ của chính mình. Nếu thọ dụng nhiều rồi ‘khởi tâm dính mắc, sanh ý ái dục, không biết đạo xuất yếu’ thì cũng nên suy ngẫm về ẩn dụ ‘có một con dê trong bầy dê lớn, ra khỏi bầy, đến đống phân lớn, con dê này ăn phân no rồi trở về bầy dê, liền tự cống cao: Nay ta được ăn ngon’ của Thế Tôn. 

Dĩ nhiên khi chưa qua sông, ta rất cần chiếc bè. Cũng vậy, người tu cần thọ dụng để làm phương tiện tiến tu. Tuy nhiên cần thọ dụng trong tinh thần ‘không khởi tâm dính mắc, cũng không có dục ý, chẳng khởi các tưởng, hoàn toàn không có niệm này, tự biết pháp xuất yếu’. Người tu không chết vì sự thiếu hụt mà ngược lại thường bị ngộp trong sự đủ đầy. Thế nên, khi thọ dụng của cúng dường, người tu cần chánh niệm thẩm sát để luôn tự tại trong mọi hoàn cảnh.

Những vấn đề thọ dụng của tín thí, người tu nào cũng rất e dè và không dám phung phí, người tu nào cũng đều biết luật nhân quả. Nếu như người nào không biết mà dùng không có dè chừng thì hậu quả sẽ khiến cho các đời sau rất nhiều đau khổ.

Đức Tri

Nhà Phật chỉ ra 3 khổ nạn lớn nhất của đời người, vượt qua được ắt có cuộc sống an nhàn

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận