Lời Phật dạy về tinh thần đoàn kết

Từ xưa đến nay tinh thần đoàn kết là một trong những yếu tố quyết định sự trường tồn hay sớm bị diệt vong của một đất nước hay một tổ chức nào đó. Chính điều này đã được đức Phật nêu ra trong kinh Đại Bát Niết Bàn 1.

Hoài Lương
14:31 15/06/2021 Hoài Lương
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong đó đức Phật đã nêu ra một câu chuyện về việc vua Ajjatasattu sai đại thần Vassakara đến gặp đức Phật thỉnh dò ý kiến làm sao chinh phục nước Vajjì.

Sau khi nghe Đại thần Vassakara trình bày ý muốn của đức Vua Ajjatasattu, Phật không trả lời trực tiếp mà quay qua đức thầy Ananda nêu ra 7 vấn đề về tình hình nước Vajjì. Đức thầy đã trả lời đầy đủ 7 câu hỏi. Đại thần Vassakara nghe xong liền bạch với đức Phật nếu dân nước Vajjì chỉ cần giữ một trong bảy điều ấy thì không có ai xâm phạm được. 

Một trong những câu hỏi mà đức Phật đã nêu ra với Ananda đó là tinh thần đoàn kết của mỗi dân tộc? Nhân đó Phật bảo Ananda gọi chư tỷ kheo đến giảng đường để dạy bảy điều2 này. 

Một trong bảy câu hỏi được đức Phật nêu ra, đó là tinh thần đoàn kết đối với các hàng đệ tử được ghi trong kinh Bát Đại Niết Bàn:

“Này các Tỷ- kheo, khi nào chúng Tỷ kheo tụ hợp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc tăng trong niệm đoàn kết, thời này các Tỷ- kheo, chúng Tỷ- kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”3 .

anh 1 (1)
Người tu học cần phải có tinh thần hòa hợp

Qua những lời Phật dạy, có thể thấy Ngài rất coi trọng việc đoàn kết:

- Thế nào là niệm đoàn kết?

- Tại sao chúng Tỷ kheo tụ hợp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết thì được cực thịnh và ngược lại?

Nếu xét về mặt ngữ nghĩa thì từ đoàn kết mang tính tích cực, mà trong đoạn văn trên đức Phật dùng từ “ niệm đoàn kết” thì nó có nghĩa tương đương với hòa hợp. Vì tập hợp người với số đông mà trong tâm lúc nào cũng cùng một lòng nhớ đến mục đích chính của sự tập hợp thì người viết cho rằng nó cũng chính là tính hòa hợp.

Nếu mỗi người thật sự có niệm đoàn kết thì phải nhìn sự vật bằng con mắt khách quan, không nên nhìn bằng con mắt chủ quan. Tức là trong mỗi quốc gia hay các tổ chức lúc nào cũng phải “như lý tác ý”4  hoặc “như thật tuệ tri”5 thì sự nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi công dân của một đất nước mới đúng với sự thật. 

Đoàn kết phải xuất phát từ nội tâm, từ lòng chân thật. Nếu đoàn kết không xuất phát từ nội tâm thì nó không tồn tại được lâu. Khi chúng tăng tụ hợp, giải tán và làm việc trong niệm đoàn kết thì được cực thịnh là vì mọi người cùng chung một tấm lòng, cùng hoan hỷ và tôn trọng những quyết định chung của tập thể thì tăng đoàn sẽ được phát triển và tồn tại đúng theo tinh thần pháp và luật của đức Phật không có một thế lực nào từ bên ngoài phá hủy nó được.

Nguyên nhân làm cho tăng chúng bị tổn giảm là do trong tăng chúng bất hòa, mà bất hòa thì sẽ dẫn đến mất đoàn kết, hòa bên ngoài không thì chưa đủ vì hòa bên ngoài sẽ dẫn đến kết quả đổ vỡ nhanh chóng.  

anh 2
Người tu học cần phải có tinh thần yêu thương mọi người

Ái dục, quyền lực, danh vọng,… là nguyên nhân gây ra sự bất hòa đối với người thế gian. Còn đối với bản thân người xuất gia, những điều này có nguy hiểm đến  đời sống tu hành không? Nó có nguy hiểm rất lớn nếu mỗi tu sĩ không biết tiết chế, không có cuộc sống hòa hợp giữa những người cùng chí hướng với nhau. 

Trong kinh Tương ưng bộ, tập 2, phẩm thứ hai có nói: “Lợi đắc, cung kính, danh vọng, này Tỷ kheo, cắt đứt da ngoài. Sau khi cắt đứt da ngoài, chúng cắt đứt da trong. Sau khi cắt đứt da trong, chúng cắt đứt thịt. Sau khi cắt đứt thịt, chúng cắt đứt gân. Sau khi cắt đứt gân, chúng cắt đứt xương. Sau khi cắt đứt xương, chúng chạm tới tủy và đứng lại”6 . Và cũng chính những cái hư danh về quyền lực này mà đẩy Devadatta  bất hòa với tăng chúng và sau đó bị diệt vong  “lợi đắc, danh vọng, cung kính khởi lên đưa đến diệt vong cho Devadatta”7

Tại sao đức Phật dạy các đệ tử phải có tâm đoàn kết, vì Ngài sợ sau khi mình diệt độ các hàng hậu học sẽ có mâu thuẩn với nhau dẫn đến sự tổn giảm về giới hạnh và sự chia rẻ trong tăng đoàn. Ngài như một người cha dặn dò các con trước lúc đi xa rằng, các con hãy thương yêu và đùm bọc lẫn nhau, không có một kẻ thù nào hại được các con nếu các con đoàn kết một lòng, và ngược lại.

Cũng với nội dung này đức Phật cũng có đề cập trong phẩm Hoa kinh Tương ưng bộ 3: “Này các tỳ kheo, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta, này các tỳ kheo, người nói pháp không tranh luận bất cứ ai ở đời”8 . Như thế Phật dạy bản thân mỗi người đã là người nói pháp thì không nên tranh luận hơn thua được mất với đời, huống chi là những người cùng là đệ tử Phật. Nếu trên bước đường tu hành các hàng tu sĩ khi cùng ngồi lại bàn luận những vấn đề còn bị gút mắc để tìm ra chân lý giải thoát thì điều này đáng được hoan nghênh. Còn như tranh luận để tự đề cao, cho những điều mình thấy, biết là đúng. Còn những cái gì của người khác thì không chấp nhận với những tranh luận như thế này dễ dẫn đến xung đột, mất đoàn kết và dẫn đến kết quả không tốt.

Vì thế, đức Phật đã đề cập trong bài Kinh như thế nào nhau”10 Trung bộ kinh, tập 3 như sau: “Ở đây các Ông phải học tập tất cả, trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau”9 . Và khi chúng tỷ kheo đã học với tinh thần hoan hỷ, không tranh cãi nhưng có thể có những gì nghi ngờ về văn nghĩa giữa các tỳ kheo về Abhidhamma thì tìm đến một vị tỳ kheo mà mình nghĩ là nhu thuận rồi nhờ vị ấy nói với các tỷ kheo: “Giữa các tôn giả có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn. Về vấn đề này, các vị Tôn giả phải biết có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này, các Tôn giả chớ có cãi lộn nhau”10 

Vì vậy, ngay trong Kinh Làng Sama, đức Phật chỉ cho chúng ta bốn điều tránh “Tránh sự khởi lên do tranh luận, tránh sự khởi lên do chỉ trích, tránh sự khởi lên do phạm giới tội, tránh sự khởi lên do trách nhiệm”11 .

Cũng với nội dung này đức Phật đã dạy rất kỹ trong bốn điều đại giáo pháp trong Trường bộ kinh, tập 1, bài kinh Đại bát niết bàn12 là khi có một tỳ kheo tuyên bố một điều gì đó là do Thế Tôn nói. Mọi người không nên vội vàng khen chê, tranh luận mà hãy đem nó đi đối chiếu với kinh, với luật, nếu là điều đúng thì chúng ta mới xác nhận là đúng, nếu sai thì mới xác nhận là sai.

anh 3 (1)
Người tu học cần phải có tinh thần đoàn kết

Tinh thần đoàn kết là bài học rất lớn cho cuộc đời tu hành của mỗi hành giã, khi có những việc gì không như ý muốn trong cuộc sống thì hãy bình tâm soi xét để tìm ra những ưu khuyết điểm, rồi từ đó chọn cho mình một hướng đi đúng. Còn nếu như trong cuộc sống của chúng ta thường hiện diện sự tranh cãi, mâu thuẩn thì nó sẽ mất đi yếu tố tình thương giữa những người đồng đạo. Người cùng chung chí hướng mà chúng ta không có tình thương, không có sự cảm thông thì chắc chắn đối với những người ngoài chúng ta khó có một tình thương thật sự dành cho họ. 

Chú thích:1. HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ, tập 1, bài kinh Đại bát Niết- bàn, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1991, tr 539.

2. Tức là bảy pháp bất thối

3. HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ, tập 1, bài kinh Đại bát Niết- bàn, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1991, tr 547.

4. Có nghĩa là sự thật như thế nào thì hãy làm như thế ấy. Câu này xuất hiện rất nhiều trong hệ thống kinh tạng Nikaya.

5. Có nghĩa là biết sự việt đúng theo sự thật.

6. HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương ưng bộ, tập 2, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1993, tr 413.

7. Sđd tr 419.

8. HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương ưng bộ, tập 2, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1993, tr 249.

9. HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ, tập 3, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1992, tr 56

10. Sđd tr 57.

11. Sđd tr 70.

12. Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Trường bộ, tập 1, bài kinh Đại bát Niết bàn, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1991, tr 618- 621.

Xem thêm: Lời Phật dạy về chữ Tâm nghe một lần thấm thía một đời

Huệ Sĩ - Hoài Lương

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận