Câu nói của Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn giúp người người được thức tỉnh
Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn đã nói một câu giúp các môn đồ như được thức tỉnh, khám phá ra sức mạnh tiềm tàng trong họ và được giải thoát.
Câu nói của Đức Phật với môn đồ trước khi ngài tạ thế
Đức Phật đã chu du khắp nơi trong 40 năm và có hàng ngàn môn đồ. Khi sức đã mỏi, chân đã kiệt, ở những giây phút cuối cùng trên cõi đời, ngài đã dành thời gian lắng nghe câu hỏi của các đệ tử.
Theo tài liệu ghi chép, sáng hôm ấy, Đức Phật nói với các đệ tử: "Đây là ngày cuối cùng của ta. Nếu có điều gì muốn hỏi, các ngươi hãy hỏi đi".
Lời nói của Đức Phật khiến không khí xung quanh như được bao trùm bởi thứ bóng tối vô hình. Môn đồ gần gũi nhất với Đức Phật có tên Ananda nghe thấy vậy thì không kiểm soát được cảm xúc, khóc lớn, nước mắt rơi lã chã.
Đức Phật hỏi nguyên nhân sao Ananda lại khóc, Ananda trả lời: "Chúng con sẽ làm gì đây? Khi ngài ở đây, chúng con đã đi theo ánh sáng của ngài. Mọi thứ đều an toàn và ổn định. Chúng con đã hoàn toàn quên mất bóng tối là gì. Đi theo ngài, mọi thứ đều là ánh sáng.
Bốn mươi năm qua đi, và giờ đây, ngài sắp ra đi, ngài sắp để lại chúng con trong bóng tối. Trước khi gặp ngài, ít nhất chúng con còn biết hòa hợp với nó, giờ thì điều đó cũng không còn nữa. Đừng bỏ chúng con lại trong bóng tối.
Nếu không có ngài ở đây, chúng con sẽ không thể nào được giải thoát. Chuyện gì sẽ xảy ra khi ngài ra đi? Chúng con sẽ mãi lạc đường mất thôi".
Ananda nói xong lại tiếp tục nức nở. Lúc này, Đức Phật thong thả nói: "Ngươi hãy nghe đây. Trong 40 năm đi dưới ánh sáng của ta, các ngươi đã không thể tạo ra ánh sáng của mình. Các ngươi thử nghĩ mà xem.
Nếu ta sống thêm 40 năm nữa, liệu các ngươi có đạt được điều đó không? Dù là 4000 năm hay 4 triệu năm nữa cũng như vậy. Càng bước đi dưới thứ ánh sáng vay mượn của người khác thì các ngươi sẽ chỉ càng mất nhiều hơn mà thôi. Tốt hơn hết là ta nên ra đi".
Đức Phật đã để lại một câu nói cuối cùng cho các môn đồ trước khi ngài tạ thế: "Hãy là ánh sáng của chính bản thân mình", hay trong tiếng Phạn, "Appo Deepo Bhava". Và ngày hôm sau, Ananda đã được giải thoát.
Có thể thấy, chính cuộc sống quá êm đềm, bình yên, mọi việc đều thuận lợi khiến con người như bị ngủ quên, để rồi họ không nhận ra được những năng lực tiềm ẩn của bản thân.
Khi không còn chỗ dựa, gặp biến cố, phải đối mặt với khó khăn, thử thách, chính là cơ hội để con người phát huy những thế mạnh của mình. Nhờ đó, họ chứng minh được khả năng và sự độc lập của bản thân.
Cuộc đời này, đâu ai không thể sống được vì thiếu ai, chỉ là bản thân có muốn hay không mà thôi. Con người còn sống là còn phải đối mặt với khó khăn. Nếu không được tôi luyện thì không thể trưởng thành. Chính vì thế, hãy chấp nhận và bình tĩnh đón nhận mọi sự thay đổi trong cuộc sống. Trong phúc có họa, trong họa có phúc, dù tốt hay xấu, dù tích cực hay tiêu cực, đều nên học cách đối mặt.
Câu nói của Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn giúp Ananda và các môn đồ như được thức tỉnh, khám phá ra sức mạnh tiềm tàng trong họ, được giải thoát. Nếu chúng ta biết lắng nghe lời Phật dạy qua câu nói hàm súc và đầy ý nghĩa này, chúng ta sẽ biết cách tạo nên những kỳ tích cho bản thân.
Ý nghĩa của ngày Đức Phật nhập Niết Bàn
Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn vào ngày Rằm tháng Hai Âm lịch năm 544 TCN (theo giáo sử Trung hoa).
Các đệ tử cho hay, ngài đã nhập Niết Bàn thông qua các mức thiền định, một trạng thái giải thoát hoàn toàn khổ đau của cuộc sống.
Xác của Đức Phật được các đệ tử tẩn liệm vào trong kim quan và 7 ngày sau, đưa kim quan ngài vào thành Câu Thi để tại chùa Thiện Quang và làm lễ trà tỳ (lễ hỏa thiêu).
Theo tương truyền, có nhiều hiện tượng lạ xảy ra trong buổi trà tỳ kim thân Phật: hoa mạn đà la bay đầy trời (do các chư thiên cúng dường), và người ta không thể thắp ngọn lửa thiêu xác cho tới khi trưởng lão Tỷ-kheo Maha Kassapa (Ma-Ha Ca-Diếp, một trong các vị học trò Tối thắng của Phật, người đã được Phật truyền lại y bát) tới nơi để làm lễ.
Đức Phật đã nhập Niết Bàn, nhưng gương sáng của đời ngài vẫn còn chiếu sáng rực trước mắt chúng ta. Suốt những năm hoằng pháp, không một lúc nào ngài xao lãng mục đích tối thượng là hóa độ chúng sinh đang trầm luân trong bể khổ. Khi còn tại gia, ngài là người ở trong địa vị có diễm phúc nhất, cao nhất của người đời, thế mà ngài vẫn không màng tưởng đến.
Khi vào trong đạo, ngài là người ở trong địa vị cao chót vót của Đạo, thế mà ngài vẫn không chịu ở yên trong địa vị ấy, lại vất vả trên mọi nẻo đường bụi bặm, gai góc để đưa dắt chúng sinh lên con đường hạnh phúc an vui và giải thoát hoàn toàn. Lòng thương của Phật thật là vô lượng, ân đức của Phật thật vô biên.
Ngày Rằm tháng Hai hằng năm, Phật tử ở khắp mọi nơi trên thế giới lại thành tâm làm lễ kỷ niệm ngày Nhập Diệt của Đức Từ Phụ. Việc cử hành lễ nhằm nhắc lại, tán thán công đức cũng như hạnh nguyện tu hành của Phật.
Xem thêm: 9 lời khuyên của Đức Phật giúp con người sớm đạt thành công sự nghiệp
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận