TikTok Shop là gì?
TikTok Shop là một sàn thương mại điện tử mới tại Việt Nam được tích hợp trên nền tảng mạng xã hội TikTok cho phép người dùng đặt hàng ngay trên ứng dụng mà không cần thoát app vô cùng tiện lợi.
Với sự phổ biến của mạng xã hội Tiktok tại Việt Nam trong những năm gần đây, vào năm 2022, TikTok Việt Nam đã chính thức ra mắt tính năng Tiktok Shop vào tháng 5/2022.
Việc ra mắt Tiktok Shop chính là sự 'bắt kịp thời đại' của ông hoàng mạng xã hội hiện nay trong thời đại các nền tảng tương tự như Facebook, Instagram cũng đang mạnh dạn lấn sân sang ngành thương mại điện tử (TMĐT) đặc biệt là sau sự xuất hiện của dịch COVID-19.
Mặc dù chỉ mới ra mắt được hơn 2 tháng tại thị trường Việt Nam nhưng TikTok Shop đã và đang thể hiện được năng lực cạnh tranh của mình khi mang lại sự gia tăng doanh số đáng kể cho các thương hiệu nội địa.
Vậy, cụ thể Tiktok Shop là gì?
Tiktok Shop là gì?
Theo chia sẻ của anh Daniel Nguyễn, Quản lý ngành hàng làm việc tại TikTok Shop Việt Nam: "TikTok Shop là hệ sinh thái thương mại điện tử (TMĐT) toàn diện, liền mạch dành cho cả người mua, người bán và nhà sáng tạo nội dung. Được tích hợp trọn bộ ngay trên nền tảng, TikTok Shop giúp các doanh nghiệp và người bán hàng tối ưu quy trình tiếp cận người dùng, đồng thời có trải nghiệm thương mại điện tử liền mạch từ bước đăng tải sản phẩm lên nền tảng, quản lý đơn hàng, đến giao hàng và thanh toán.
Hệ thống đề xuất độc đáo dựa trên sở thích của từng người dùng cũng là một điểm mạnh của TikTok Shop. Nhờ đó, TikTok Shop có thể hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với tệp khách hàng tiềm năng. Đồng thời, nó còn giúp người dùng mua sắm một cách nhanh chóng và liền mạch bằng cách bấm vào giỏ hàng hiển thị ngay trên video, LIVE hoặc trang cá nhân của người bán mà không cần phải rời khỏi nền tảng.
Từ việc khám phá sản phẩm mới, cho đến tìm hiểu thêm thông tin và đưa ra quyết định mua hàng, tất cả đều diễn ra trên một nền tảng duy nhất".
Sự khác biệt của TikTok Shop và các nền tảng thương mại hiện có tại Việt Nam
Về cơ bản, đã là các nền tảng TMĐT thì mục đích chính sẽ là trở thành chung gian cho người mua và người bán trao đổi về nhu cầu cung cầu hàng hóa trên môi trường trực tuyến.
Là nhân tố sinh sau đẻ muộn, việc có thể tồn tại và phát triển của TikTok Shop chính là phải tạo nên thế mạnh riêng từ chính cái nôi là ứng dụng mạng xã hội TikTok.
Theo chia sẻ của đại diện TikTok Shop Việt Nam, 2 điều giúp TikTok Shop tạo nên sự khác biệt đối với những sàn TMĐT sẵn có tại thị trường hiện nay chính là:
Yêu cầu tính sáng tạo nội dung cao
TikTok Shop không chỉ là mảnh đất mới vô cùng màu mỡ giúp thương hiệu tiếp cận người tiêu dùng trẻ, mà còn là môi trường để thương hiệu thấu hiểu cộng đồng và ngược lại, giúp cộng đồng dễ dàng tiếp cận với các thương hiệu một cách chân thật hơn.
Điều này thể hiện ở chính sách, thay vì lượt mua thì khi bán hàng trên TikTok Shop, điều quan trọng nhất đối với người bán hàng và các thương hiệu chính là phải xây dựng được các video với nội dung 'triệu view' liên quan tới sản phẩm để có thể được nền tảng bơm traffic và khiến cho nội dung tiếp cận được với lượng lớn người dùng.
Như vậy, với yêu cầu này, người sử dụng nền tảng vẫn sẽ phải phát huy bản chất sáng tạo nội dung và làm giàu cho tôn chỉ kênh mạng xã hội video mà vẫn giúp nhà bán hàng ra đơn và kiếm thu nhập.
Hành trình mua sắm 'vòng lặp vô hạn'
Nếu là người mua hàng trên TikTok Shop thì bạn sẽ được trải nghiệm hành trình mua sắm 'vòng lặp vô hạn' khi các nội dung/ sản phẩm liên quan liên tục được đẩy lên để gợi ý cho khách hàng.
'Vòng lặp vô hạn' này không chỉ giúp nhà bán hàng có cơ hội ra đơn cao hơn mà còn giúp khách mua hàng dễ dàng tìm kiếm và so sánh giữa các lựa chọn để mua được món hàng ưng ý hơn.
Mô hình "vòng lặp vô hạn" này sẽ rất khó để tìm thấy trên một nền tảng thương mại điện tử nào khác.
Mô hình vận hành TikTok Shop tại Việt Nam
Được biết, mà TikTok Shop không phải là ý tưởng được thực hiện một sớm một chiều mà đây là kế hoạch đã được TikTok Việt Nam rậm rịch chuẩn bị từ 2 năm trước đây.
Trên quãng đường từ ý tưởng đến khi hiện thực hóa gian hàng trên ứng dụng, TikTok Việt Nam đã có nhiều lần tỏ ra muốn bẻ lái sang việc tìm kiếm một hoặc nhiều sàn điện tử như Shopee, Lazada để liên kết thay vì tự mình xây dựng gian hàng riêng.
Hiện tại, sau khi chính thức ra mắt tại Việt Nam, TikTok Shop đang được vận hành với mô hình bao gồm:
Người bán hàng
Là doanh nghiệp, thương hiệu hoặc nhà bán hàng có giấy phép kinh doanh và các loại chứng từ bảo đảm cho hàng hóa được rao bán trên gian hành TikTok Shop
TikTok Shop
Trung gian giúp đơn hàng của người bán đến với khách hàng để ra đơn. Sau khi ra đơn sẽ chịu trách nhiệm chỉ định dịch vụ vận chuyển để đơn hàng đến được với người tiêu dùng.
Trong quá trình này, TikTok Shop cũng chịu trách nhiệm thu phí nền tảng để chi trả cho các bên liên quan theo hình thức thanh toán trực tuyến do khách mua hàng chi trả.
Hiện, phần trăm phí nền tảng ban đầu của TikTok Shop tại Việt Nam là 1%. Con số này có thể không phải là cố định và có thể lên tới mức 5% như TikTok Shop Indo hiện nay.
Người mua hàng
Sau khi chốt đơn, người mua thay vì được lựa chọn trả phí theo hình thức thanh toán trực tuyến hoặc ship COD như các nền tảng TMĐT lâu năm là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,... thì sẽ phải buộc chấp nhận trả tiền hàng thông qua việc chuyển tiền vào hệ thống của TikTok.
Sau khi TikTok chi trả các chi phí vận hành hệ thống và chi phí vận chuyển thì tiền hàng sau đó mới được chuyển trả tới ví của người bán.
Để hạn chế người dùng chán nản và bỏ sàn khi 'bị bắt ép' phải thanh toán trước khi hàng về tay, TikTok Shop hiện nay cũng dần đa dạng hóa các hình thức thanh toán trực tuyến như thông qua thẻ hoặc ví điện tử.
Đặc biệt, việc cung cấp voucher ngẫu nhiên cho người mua hàng trên các live stream của nhà bán hàng cũng đang thu hút rất tốt khách hàng khi vừa có thể đáp ứng được nhu cầu được review sản phẩm chân thật vừa được mua hàng với giá rẻ.
Đồng thời, việc này cũng giúp làm tăng tương tác cho cả người bán và hệ thống TikTok cũng như TikTok Shop.
Vận chuyển
Tương tự như các sàn TMĐT khác hiện nay, đối tác vận chuyển của TikTok Shop sẽ có trách nhiệm nhận hàng tại kho bà giao tới tay người mua.
Hiện, TikTok Shop vẫn chưa cho phép người dùng được lựa chọn đơn vị vận chuyển như các đối thủ Shopee hay Lazada mà chỉ có duy nhất đơn vị J&T Express chịu trách nhiệm này.
Những hạn chế của TikTok Shop khi đến với thị trường Việt Nam
Một trong những thách thức lớn nhất của Tiktok Shop có lẽ là vấn đề thanh toán. Vì thói quen thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (ship COD) tại Việt Nam vẫn còn đang thịnh hành. Tuy nhiên, trên thực tế, phương thức thanh toán COD làm giảm tính minh bạch và sự liền lạc của dòng tiền trong mô hình vận hành.
Đồng thời, việc TikTok Shop yêu cầu người mua thực hiện thanh toán lập tức theo hình thức trực tuyến khi mua hàng cũng đáp ứng xu hướng tiêu dùng không tiền mặt đang được đẩy mạnh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc có ít lựa chọn vận chuyển hàng hóa cũng sẽ khiến sàn thương mại này ít nhiều chịu thiệt thòi do sự kén chọn của người mua hàng.
Có thể nói, đây vừa là nơi lý tưởng để người dùng mua sắm với đa dạng loại hàng hóa. Vừa chính là “mảnh đất màu mỡ” đối với những nhà bán lẻ, doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm/dịch vụ, tăng lượt truy cập, tăng trưởng doanh thu…vì đến nay mạng xã hội này đã thu về hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.
Trên tất cả, hiện nay TikTok Shop vẫn còn là 'mầm non' tại đấu trường TMĐT Việt Nam, nên mặc dù có lợi thế là số lượng người dùng có sẵn từ TikTok nhưng để có thể tạo nên thói quen mua hàng cho người tiêu dùng Việt thì chắc chắn sẽ phải chờ câu trả lời từ thời gian.
Trên đây là những thông tin giúp bạn đọc hiểu hơn về "TikTok Shop là gì?". Mong rằng những kiến thức hữu ích này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sàn thương mại điện tử vô cùng mới mẻ này và tìm kiếm được cơ hội từ nó.
Xem thêm: TikToker Xù LèO: 9x Tây Nguyên chuyên làm clip đồng quê yên bình, thu nhập cả trăm triệu/tháng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận