Cam Lâm, Khánh Hòa - Thiên đường nghỉ dưỡng 4 mùa tại miền Trung Việt Nam
Cam Lâm Khánh Hòa với sự ưu đãi từ cảnh quan thiên nhiên cùng khí hậu khô ráo và hệ thống giao thông thuận tiện, trong những năm gần đây đã trở thành điểm sáng trong bức tranh du lịch trải nghiệm tại miền Trung Việt Nam. Đây cũng là địa điểm đang chia sẻ lượng lớn du khách với thị trường nghỉ dưỡng tại Thành phố Nha Trang.
Sự ưu đãi của mẹ thiên nhiên dành cho Cam Lâm Khánh Hòa
Huyện Cam Lâm Khánh Hòa là khu vực có địa hình phong phú và đa dạng với cả núi, đồi, đồng bằng, đầm thủy triều, bãi cát ven biển và biển khơi.
Địa hình thấp dần từ Tây sang Đông và từ Bắc vào Nam, gồm 3 dạng địa hình chính là núi cao (chiếm 33,3% diện tích), núi thấp (28% diện tích), đồng bằng và đồi thoải (khoảng 38,7% diện tích).
Khu vực phía Tây và Tây Bắc của Cam Lâm Khánh Hòa chủ yếu là núi cao, núi thấp và đồi, độ dốc (15 - 25 độ) và chia cắt mạnh, cao trung bình 500 – 700m, có ngọn núi Hòn Bà cao 1.554m với khí hậu mát mẻ.
Khu vực phía Bắc và Đông Bắc chủ yếu là đồi thoải có sự đan xen – giao thoa giữa núi và đồng bằng bồi tụ ven biển, độ dốc 3 – 8 độ, với đất đai phì nhiêu phù hợp với việc trồng lúa và hoa màu.
Khu vực phía Đông và Đông Nam huyện Cam Lâm là địa hình núi thấp, đồi thấp xen kẽ bình nguyên và thung lũng, về phía Đông có Đầm Thủy triều thông với Bãi Dài và biển gồm đồi cát ven biển và biển khơi.
Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi cho cảnh quan, đất trời, Cam Lâm cũng khiến du khách vô cùng yêu thích bởi khí hậu khô ráo phù hợp cho các chuyến du ngoạn.
Theo đó, Cam Lâm Khánh Hòa có khí hậu nhiệt đới gió mùa, đặc trưng cơ bản là nền nhiệt độ cao và lượng mưa trung bình thấp nhất tỉnh, gió Tây khô nóng nhưng không kéo dài (dưới 15 ngày/năm).
Biên độ nhiệt hàng tháng dao động từ 6 - 8oC. Nhiệt độ trung bình năm là 26 - 27oC (thấp nhất là 14,4oC vào tháng 01 và cao nhất là 39oC vào tháng 8).
Tổng tích ôn khoảng 9.600 - 9.700oC. Số giờ nắng trung bình năm khoảng 2.500 - 2.600 giờ/năm. Lượng mưa trung bình năm từ 1.400 - 2.200mm và có sự phân hóa, đồng bằng ven biển từ 1.000- 1.300mm, khu vực vùng núi 2.400-2.500mm. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12, tập trung đến 70 - 80% lượng mưa cả năm, các tháng còn lại nắng ấm.
Vì sao Cam Lâm Khánh Hòa được gọi là thiên đường nghỉ dưỡng mới của cả nước?
Với thềm lục địa rộng lớn, có bãi cát dài và mịn ven biển, cùng hệ thống rừng núi và suối hồ phong phú, đa dạng, cảnh quan Cam Lâm Khánh Hòa tựa như bức tranh sơn thủy vô cùng mát mắt và cực kỳ phù hợp đối với những tâm hồn thích xê dịch và ham mê những vùng đất mới còn lại nhiều nét hoang sơ.
Cam Lâm có 13km bờ biển, trong đó khu vực Bãi Dài (Cam Hải Đông) thuộc khu vực bán đảo Cam Ranh nằm dọc bờ biển 10km. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với các bãi biển đẹp, thoải, nước trong, cát trắng và mịn, rất thuận lợi hình thành bãi tắm để thu hút khách du lịch, nghỉ dưỡng.
Cam Lâm còn có lợi thế để phát triển các loại hình du lịch như du lịch tìm hiểu văn hóa xã hội về với cộng đồng, du lịch sinh thái, khám phá rừng tự nhiên, thể thao leo núi, … Đặc biệt, nếu có cơ hội tới với dải đất miền Trung này, bạn nhất định nên có một lần ghé thăm vườn xoài Úc vvà vườn xoài Tây Cam Lâm để được trải nghiệm nghề trồng xoài lâu đời tại thủ phủ xoài miền Trung Việt Nam.
Trên địa bàn huyện Cam Lâm còn bảo tồn và lưu giữ nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật và di tích lịch sử với khoảng 28 di tích, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia (Chùa Linh Sơn và Mộ Yersin tại xã Suối Cát), 04 di tích cấp tỉnh (Đình Cam Tân, Đình Thủy Triều, Đình Cửu Lợi và Đồn Cửu Lợi). Nhiều di tích lịch sử đang trong giai đoạn khảo sát thống kê sắp xếp và đề nghị công nhận.
Đặc biệt địa bàn xã Suối Cát có núi Hòn Bà với khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà trên độ cao 1.500m, có khí hậu mát mẻ, với nhiều loại cây quý hiếm, nơi lưu giữ các di tích về cuộc đời và hoạt động của nhà bác học Yersin thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, thể thao leo núi.
Với những nguồn tài nguyên này, huyện Cam Lâm Khánh Hòa trong những năm gần đây đang trở thành 'ngôi sao mới nổi' tại thị trường du lịch Việt Nam.
Tính toán sơ bộ cho thấy mỗi năm, Cam Lâm thu hút hơn 1 triệu lượt khách du lịch, tăng gấp 20 lần so với năm 2015. Lượng khách lưu trú đạt gần 670.000 lượt (khách quốc tế hơn 360.000 lượt).
Làm thế nào để đi tới huyện Cam Lâm Khánh Hòa
Nhận thấy được tiềm năng phát triển của huyện Cam Lâm, trong những năm gần đây địa phương này đã nhận được vô số những sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là về hệ thống giao thông thông minh, đa dạng.
Cụ thể, để đi tới Cam Lâm Khánh Hòa và trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng ở nơi đây, du khách có thể sử dụng đường biển, đường hàng không hoặc đường bộ.
Trên địa bàn Cam Lâm có Quốc lộ 1 chạy dọc từ Bắc đến Nam, qua các xã Suối Tân, Suối Cát, Cam Hòa, Cam Hải Tây, thị trấn Cam Đức và Cam Thành Bắc của huyện. Ngoài ra, chạy qua huyện còn có đường Nguyễn Tất Thành với chiều dài 12km chạy dọc biển, song song Quốc lộ 1 thuộc xã Cam Hải Đông. Đường liên xã có tổng chiều dài 76,35km liên thông các xã với nhau tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển đường bộ bằng ô tô, xe máy.
Bên cạnh đó, địa bàn huyện Cam Lâm Khánh Hòa cũng có tuyến đường sắt thống nhất Bắc Nam chạy dọc tỉnh khánh Hòa và huyện, dài 149,2km qua hầu hết các huyện trong tỉnh. Trong huyện có 2 nhà ga là ga Hòa Tân (Xã Cam Tân) và ga Suối Cát (xã Cam Hiệp Nam). Đây sẽ là phương tiện phù hợp cho những du khách đam mê đi du lịch trải nghiệm.
Ngoài các loại hình trên, khách du lịch cũng có thể đến Cam Lâm thông qua đường hàng hải. Cụ thể, địa bàn huyện Cam Lâm có 13km bờ biển (Khu vực Bắc Bán Đảo Cam Ranh) với điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, đồng thời thiết lập cảng biển dành cho du lịch.
Xem thêm: Bãi Dài Cam Lâm cách Sân bay Quốc tế Cam Ranh bao xa?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận