Thân trung ấm là gì và các giai đoạn của thân trung ấm

Thân trung ấm là khoảng thời gian luân chuyển trạng thái từ cảnh giới này sang cảnh giới khác. Sau khi chết, linh hồn sẽ tách rời khỏi thân xác và trải qua 49 ngày trong trạng thái thân trung ấm để chuẩn bị tái sinh vào một trong 6 ngả luân hồi.

Hoa Nguyễn
07:49 26/01/2021 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thân trung ấm là gì?

Thân trung ấm là một thuật ngữ chỉ trạng thái trung gian mà con người chúng ta sẽ trải nghiệm giữa cái chết và lần tái sinh tiếp theo. Đó là khoảng thời gian chuyển trạng thái khi mà linh hồn và thể xác đã tách rời, không còn liên quan đến nhau nữa.

Khái niệm này được phát sinh sau khi Đức Phật qua đời. Vì thế có một số trường phái Phật giáo chấp nhận sự tồn tại của một trạng thái trung gian như vậy. Trong khi những người theo Phật Giáo nguyên thủy thì lại không công nhận nó. Trong Phật giáo Tây Tạng, thân trung ấm là chủ đề được bàn luận nhiều nhất của Bardo Thodol - một dạng văn bản quan trọng của Phật giáo Kim Cương Thừa.

than-trung-am-la-gi-va-ca
Thân trung ấm là khoảng thời gian chuyển trạng thái khi mà linh hồn và thể xác đã tách rời, không còn liên quan đến nhau nữa.

Người ta cho rằng sau khi chết đi, linh hồn sẽ bước vào thế giới thực tại ảo vô cùng sống động. Linh hồn sau đó sẽ chứng kiến những nghiệp mà họ đã gây ra trong suốt cuộc đời của mình. Theo Phật giáo Tây Tạng thì giai đoạn này kéo dài tối đa 49 ngày, sau đó linh hồn buộc phải tái sinh vào 1 trong 6 cõi luân hồi.

Có nhiều loại thân trung ấm được mô tả trong các văn bản truyền thống Phật giáo Tây Tạng bao gồm: Thân trung ấm giấc mơ, thân trung ấm thiền định và thân trung ấm của cuộc đời này - đây là trạng thái trung gian giữa sinh và tử.

Các nhà bí truyền Tây Tạng cho rằng, tất cả sự tồn tại chỉ là một chuỗi các trạng thái chuyển tiếp xen kẽ. Thức dậy, ngủ, thiền định, hấp hối, lang thang trong thế giới của linh hồn và tái sinh,... tất cả đều là thân trung ấm.

Thời gian tối đa của thân trung ấm là 49 ngày sau khi chết, nhưng bất cứ lúc nào tâm thức có thể đạt được cuộc sống mới dưới bất kỳ hình thức nào trong 6 cõi luân hồi được Phật giáo đề cập đến thì nó hoàn toàn có thể tái sinh. 

Những người chưa giác ngộ sẽ phải chịu tác động của nghiệp, dù tốt hay xấu sẽ tái sinh vào một trong 6 cõi luân hồi như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, atula, trời, người.

Nguồn gốc của thân trung ấm

Người Tây Tạng cho rằng, khái niệm về thân trung ấm đã có từ thời Đức Liên Hoa Sanh, vị đạo sư Mật tông ở Ấn Độ, người đã đưa Phật giáo đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 7. Ông được người dân nơi đây gọi là Bậc thượng sư và có sức ảnh hưởng vô cùng lớn đến Phật giáo ở Tây tạng.

Theo truyền thống, Đức Liên Hoa Sanh đã sáng tác ra thân trung ấm như một phần của một tác phẩm lớn hơn được gọi là "Chu kỳ của các bổ sư hòa bình và bạo lực". Văn bản này được viết bởi vợ và các học trò của ông. Nó được giấu trong những ngọn đồi Gampo ở miền trung Tây Tạng. Văn bản được phát hiện vào thế kỷ 14 bởi Karma Lingpa.

than-trung-am-la-gi-va-ca
Người Tây Tạng cho rằng, khái niệm về thân trung ấm đã có từ thời Đức Liên Hoa Sanh

Kể từ đầu thế kỷ 20, nó đã được dịch sang tiếng Anh và nhiều loại ngôn ngữ khác. Bản dịch tiếng Anh đầu tiên được thực hiện bởi Walter Evans-Wentz (1927), với tiêu đề “The Tibetan Book of the Dead“.

3 giai đoạn của thân trung ấm

Theo Phật giáo Tây Tạng trong khoảng thời gian tối đa của thân trung ấm là 49 ngày sau khi chết, quá trình này sẽ trải qua 3 giai đoạn bao gồm:

Giai đoạn 1: Chikai Bardo

Điều này bao gồm quá trình chết và sự giải thể của các nguyên tố tạo nên cơ thể vật lý. Chúng tương tự như các khái niệm về lửa, đất, nước, không khí và liên quan đến sự phân tách của linh hồn ra khỏi cơ thể.

Sự giải thể này theo một tiến trình được thực hiện theo quy tắc như sau: Ban đầu các giác quan dần yếu đi khiến cơ thể trở nên mất kiểm soát, máu không thể lưu thông, môi và mắt bắt đầu khô dần, cơ thể mất đi sự ấm áp và hơi thở trở nên yếu ớt.

Trong giai đoạn này tâm thức sẽ hiện lên những ký ức trong quá khứ một cách chân thật nhất. Phật giáo Tây Tạng tin rằng đây là thời điểm thuận lợi để đạt niết bàn và giải phóng khỏi vòng luân hồi nếu như tâm thức có thể nhận ra ánh sáng của Phật giáo. Tuy nhiên đa phần chúng ta đều lẩn tránh ánh sáng này.

Trong giai đoạn Chikai Bardo ý thức của con người quá cố vẫn có thể nắm bắt được những lời nói và lời cầu nguyện mà thay mặt cho người đó có thể giúp họ vượt qua được sự nhầm lẫn do ảo giác gây ra.

Những lời dạy này vô cùng sâu sắc và phức tạp, rất quan trọng đối với những người tu hành theo Phật giáo. Điều này đặc biệt vì họ tin rằng giai đoạn chuyển đổi này là một cơ hội tuyệt vời để quyết định không tái sinh. Không tái sinh họ sẽ tránh được những đau khổ của 6 ngả luân hồi.

Giai đoạn 2: Chonyid Bardo

Trong giai đoạn này, tâm thức sẽ thấy những hiện thân đáng sợ như ma quỷ và các vị thần hung dữ. Nếu không có sự chuẩn bị khi gặp những hiện tượng này tâm thức sẽ trở nên sợ hãi.

Những vấn đề lớn nhất của tâm thức trong giai đoạn thứ 2 của thân trung ấm là những cảm xúc tiêu cực như thấy tội lỗi hoặc sợ hãi, thiếu sự kiểm soát có ý thức về trải nghiệm của chính mình. Sợ hãi sẽ gây mất tập trung có thể dẫn đến sự nhầm lẫn trong việc lựa chọn đi vào cõi luân hồi nào.

Đối với những người đã tu hành, họ sẽ có nhiều cơ hội để gặp gỡ các vị thần và bước vào cõi của những vị thần đã giác ngộ. Khi những vị thần này xuất hiện sẽ kèm theo đó là ánh sáng, âm thanh mạnh mẽ khiến chúng ta cảm thấy hoang mang, sợ hãi. Ánh sáng tinh thần được mô tả là có một sự sáng chói đáng sợ, rõ ràng và sắc nét.

Đối với một người bình thường họ thường có xu hướng tập trung vào những thứ ánh sáng dịu mắt hơn, đôi khi những gì họ thấy lại biểu hiện cho một trong những niềm đam mê của họ.

than-trung-am-la-gi-va-ca
Trong giai đoạn thân trung ấm, con người sẽ nhìn thấy mọi thứ xảy ra trong suốt cuộc đời của mình

Một người có kinh nghiệm ít bị mất phương hướng bởi dòng xoáy bên trong của thân trung ấm. Nói một cách khác, trong khi tâm thức bơi giữa đại dương mênh mông không biết phải nương tựa vào đâu thì định hướng có thể là một vị thần, một thần chú, một lời cầu nguyện… Tâm thức phải có khả năng tập trung vào mục tiêu thì mới có thể đạt được ước nguyện.

Đây là một trong những lý do quan trọng để thực hành thiền hoặc niệm Phật trong suốt cuộc đời. Mỗi ngày đều ngồi thiền hoặc tụng kinh niệm Phật sẽ giúp tâm thức của chúng ta được định hướng một cách rõ ràng trong thân trung ấm.

Giai Đoạn 3: Sidpa Bardo

Giai đoạn cuối cùng của thân trung ấm là giai đoạn luân hồi. Đây là giai đoạn chuyển đổi thành một cơ thể mới. Trong giai đoạn này ý thức đi xuống và một cơ thể mới sẽ được sinh ra. 

Phật giáo Tây Tạng tin rằng thế giới được mong muốn nhất là thế giới vật chất vì nó mang lại cơ hội cho sự phát triển và thực hành tâm linh. Giai đoạn này bao gồm một loạt các hình ảnh được xác định bởi nghiệp lực dẫn tới các xoáy tâm linh kéo tâm thức vào bào thai người mẹ, một cuộc sống mới sẽ bắt đầu từ đó. Một khi đã tái sinh, nghiệp lực ở tiền kiếp sẽ ảnh hưởng đến bản chất của người đó trong cuộc sống mới của họ.

Đối với những cá nhân không tái sinh trong cõi người họ sẽ tìm đến một trong 5 cõi tái sinh khác.

Qua đó chúng ta thấy rằng, chúng sinh trên đời trong thời gian thọ thân trung ấm chưa quyết định tái sinh về cõi nào. Tùy theo nghiệp lực của thân trung ấm đó mà định hướng cho sứ tái sinh của mình. Vì thế muốn cho một thân trung ấm có được hướng tái sinh tốt thì trong đời chúng ta nên tu tạo nhiều nghiệp lành để hướng tái sinh của chúng ta khi sinh ra ở một cảnh giới tốt đẹp nhất.

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận