Vì sao các phiên bản sau này không thể vượt qua được "cái bóng" của Tây Du Ký 1986?
Các phiên bản "Tây Du Ký" sau này được đầu tư về kỹ xảo, trang phục... nhưng vẫn không thể vượt qua được phiên bản 1986, thậm chí còn bị chê tơi tả. Vì sao vậy?
Tây Du Ký 1986 là bộ phim kinh điển được phát đi phát lại suốt gần 40 năm qua. Các thế hệ khán giả xem đi xem lại phiên bản 1986, ai ai cũng phải trầm trồ khen rằng, quá chất lượng, quá đỉnh cao.
Sự thành công của Tây Du Ký 1986 đã tạo ra động lực cho rất nhiều nhà làm phim mới "dựng lại" phiên bản mới. Và trong khoảng 20 năm trở lại đây, có rất nhiều phiên bản được ra đời như: Tây Du Ký hậu truyện, Tề Thiên Đại Thánh, Tây Du Ký: Đại chiến Động bàn tơ...
Trong đó, Tây Du Ký hậu truyện được ra mắt vào năm 2000. Vai diễn Tôn Ngộ Không do Tào Vinh đảm nhiệm. Song thay vì mang một làn gió mới cho khán giả, phim này bị chê tơi tả vì nội dung và diễn xuất của các diễn viên chưa đạt.
Đến năm 2020, phim được làm lại phần 2, Tào Vinh tiếp tục bị phản ứng vì bắt chước phong cách của Châu Tinh Trì.
Ở phim Tề Thiên Đại Thánh ra mắt năm 2002, người thủ vai Tôn Ngộ Không là diễn viên nổi tiếng Trương Vệ Kiện. Tuy nhiên, tác phẩm này cũng không thể lấy lòng được công chúng. Trương Vệ Kiện thực sự đã không thể phát huy được tài năng của mình trong vai diễn này.
Phiên bản 2009 của Tây Du Ký bị chỉ trích là thảm họa. Lý do là bởi phim xây dựng kịch bản phá nát hình tượng nhân vật chính khiến khán giả không thể chấp nhận được.
Tây Du Ký: Đại chiến Động bàn tơ (ra mắt năm 2020) là phiên bản điện ảnh của Tây Du Ký. Phim này do nhiều diễn viên có kinh nghiệm đảm nhận như: La Gia Anh đóng Đường Tăng, Trần Hạo Dân đóng Tôn Ngộ Không, Lâm Tử Thông diễn Trư Bát Giới... cũng không nhận được phản hồi tốt.
Gần đây nhất là phim Ngộ không: Tiểu thánh truyện dựa trên tiểu thuyết Tây Du Ký cũng bị chê tơi tả vì thiếu sáng tạo, bắt chước phim cũ.
Nhìn nhận một cách thực tế, các phiên bản sau 1986 được đánh ía có kỹ thuật tốt hơn, trang phục đa dạng hơn... Nhưng so với bản 1986 thì tất cả các phiên bản sau đều mắc một lỗi chung ở khâu diễn xuất của diễn viên.
Đầu tiên, có thể thấy các phiên bản "Tây du ký" trong hơn 20 năm trở lại đây đều được các biên kịch cải biên nội dung. Nhưng việc này vô tình gây tranh cãi bởi có không ít tình tiết vô lý.
Ví dụ rõ nét nhất là phim Tề Thiên Đại Thánh 2002, việc nhà sản xuất xây dựng hình ảnh Tôn Ngộ Không đào hoa, có 3 mối tình với Bạch Cốt Tinh, Tử Lan Tiên Tử và yêu tinh nhện là vô cùng vô lý.
Hay như ở Tây Du Ký 2009, việc biên kịch để Tôn Ngộ Không có mối tình với Bạch Cốt Tinh, Sa Tăng phải lòng yêu tinh nhện, Đường Tăng và nữ vương Nữ nhi quốc hẹn hò trên thuyền... cũng hết sức vớ vẩn khiến fan trung thành của bản 1986 phẫn nộ.
Tạo hình nhân vật ở các phiên bản sau 1986 cũng bị chê tơi tả. Như ở Tây Du Ký hậu truyện năm 2000, tạo hình của Tào Vinh khi đóng vai Tôn Ngộ Không bị nhận xét là không phù hợp. Nam tài tử khiến nhiều khán giả chê bai là "Tôn Ngộ Không xấu nhất trên màn ảnh".
Quay lại với Tây Du Ký 1986, có thể thấy, sức sống bền bỉ nằm ở việc lựa chọn diễn viên quá phù hợp. Ví dụ như Lục Tiểu Linh Đồng, sinh ra trong gia tộc chuyên diễn xiếc khỉ nên có kinh nghiệm nhập vai. Các động tác, cử chỉ của ông được đánh giá cực cao.Nhà phê bình điện ảnh Mã Khánh Vân cũng từng nhận định tác phẩm "Ngộ Không: Tiểu thánh truyện" nói riêng và nhiều tác phẩm "Tây du ký" được làm sau này đều mắc chung lỗi là bắt chước nhiều phim cũ ở cả nội dung, tạo hình, lối diễn của dàn sao, vì thế thiếu sự sáng tạo.
Mã Khánh Vân thẳng thắn nói các phim này ăn theo những tác phẩm nổi tiếng về "Tây Du Ký", không cho thấy sự tìm tòi của ê-kíp, chưa tạo được dấu ấn của chính họ.
(Theo Lao động)
Xem thêm: Diễn viên có cát xê cao nhất nhưng ít đất diễn nhất Tây du ký 1986 là ai?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận