Ông chủ Chợ Lớn - Quách Đàm: Từ kẻ vô gia cư đến "tỷ phú lúa gạo" giàu có bậc nhất Sài Gòn thế kỷ 20

Có người nói, Quách Đàm ăn nên làm ra trở thành tỷ phú Sài Gòn thế kỷ 20 là nhờ hiệu buôn nằm trên long mạch. Thực tế chứng minh, Quách Đàm đã vượt lên chính mình, sử dụng trí thông minh để tạo dựng cơ đồ...

Ông chủ Chợ Lớn - Quách Đàm: Từ kẻ vô gia cư đến "tỷ phú lúa gạo" giàu có bậc nhất Sài Gòn thế kỷ 20

Có người nói, Quách Đàm ăn nên làm ra trở thành tỷ phú Sài Gòn thế kỷ 20 là nhờ hiệu buôn nằm trên long mạch. Thực tế chứng minh, Quách Đàm đã vượt lên chính mình, sử dụng trí thông minh để tạo dựng cơ đồ...

Nhắc đến chợ Bình Tây (Chợ Lớn) - chợ đầu mối quy mô bậc nhất khu vực miền Nam, người dân trong và ngoài nước chắc chắn không khỏi trầm trồ về kiến trúc đặc biệt. Thế nhưng, khi được hỏi ai là người xây dựng nên khu chợ bề thế có bề dày lịch sử gần trăm năm này thì không phải ai cũng biết.

Theo một số thông tin, Quách Đàm chính là người đặt nền móng xây chợ Bình Tân. Cái tên Quách Đàm còn khá lạ lẫm, bởi tuy giàu có nhưng vì "sinh sau đẻ muộn" nên vị tỷ phú người Hoa này chưa được dân gian liệt vào 1 trong tứ đại cự phú của Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20 (gồm Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt; Tổng đốc Phương - Đỗ Hữu Phương; Bá hộ Xường - Lý Tường Quan và Chú Hỏa - Hui Bon Hoa).

Chợ Bình Tây

Dù vậy, công bằng mà nói, nếu xét về độ giàu có và danh tiếng trong giới thượng lưu Sài Gòn thời đó thì Quách Đàm chỉ đứng sau Chú Hỏa. Và đáng chú ý nhất là cuộc đời "siêu phàm" của ông từ kẻ vô gia cư đến tỷ phú lúa gạo Sài Gòn.

Đứa trẻ mồ côi lấy mái hiên làm nhà, nhặt ve chai kiếm sống

Quách Đàm (1863 -1927) tên thật là Quách Diệm, vốn là người Triều Châu (Trung Quốc). Theo ghi chép trong "Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn" của tác giả Thượng Hồng thì Quách Đàm mồ côi cha mẹ, không có nhà cửa. Thời thơ ấu ông sống cuộc đời cơ cực, lang bạt đầu đường xó chợ.

Tuy tuổi nhỏ nhưng suy nghĩ rất người lớn. Ông không chấp nhận làm kẻ ăn không ngồi rồi, dựa dẫm vào người khác. Quách Đàm đổ mồ hôi để lao động kiếm bát cơm. 

Công việc hàng ngày của Quách Đàm là quảy 2 giỏi đan bằng tre trên vai, đi khắp các con đường trong thành phố nhặt phế liệu, tìm mua phế liệu. Những gánh phế liệu đã nuôi sống Quách Đàm trở thành một người đàn ông trưởng thành, chững chạc.

Quách Đàm thời trẻ (Ảnh tư liệu)

Tuy cuộc sống vô gia cư, bữa đói bữa no nhưng Quách Đàm vãn nuôi chí làm giàu. Ngoài mua bán phế liệu, Quách Đàm còn tích cóp tiền để buôn bán thêm các mặt hàng khác như da trâu, vi cá. 

Việc làm ăn khá suôn sẻ, số vốn ngày càng tăng nhưng ông vẫn sống cảnh ngủ bờ ngủ bụi. Và Quách Đàm trở thành đích nhắm của quân bất lương. Đã có không ít lần ông bị lấy cắp số tiền dành dụm được. Nhưng ông không nản chí, vẫn tiếp tục làm lại từ đầu.

Trong 1 tác phẩm viết về Sài Gòn, tác giả Vương Hồng Sến từng ghi về Quách Đàm như sau: "Ngày ngày Đàm thả rong làng xóm, hai giỏ tre trên vai, quản bao mưa gió. Buổi trưa, Đàm thường nằm nghỉ hàng ba phố trống, ghe phen bị một phu vác lúa làm khổ, móc túi lấy đi giấy thuế-thân để chẹt Đàm chuộc 5 xu 1 hào".

Vừa bị móc lấy tiền, vừa bị bắt chẹt làm tiền nhưng chỉ trong 1 thời gian ngắn, Quách Đàm đã "hồi" lại, tích kiệm được số vốn mới. Quách Đàm bỏ hẳn nghề buôn phế liệu chuyển sang mặt hàng da trâu, vi cá. Ông lặn lội khắp nơi ở Sài Gòn rồi đi các tỉnh miền Tây mua bằng được mặt hàng này về xuất ra nước ngoài.

Cũng nhờ chăm chỉ và chí làm giàu nên Quách Đàm phất lên hẳn, vốn liếng ngày càng nhiều, công việc làm ăn ngày càng phát đạt.

"Tỷ phú lúa gạo" Sài Gòn

Sau khi có vốn liếng, Quách Đàm quyết định thuê hẳn 1 căn nhà để mở tiệm làm ăn. Được biết, căn nhà này nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Ông đặt tên cho hiệu buôn của mình là Thông Hiệp mà theo giải thích hai chữ này xuất phát từ 2 câu "Thông thương sơn hải" (bán buôn khắp chốn), "Hiệp quán càn khôn" (thâu tóm cả đất trời).

Hiệu buôn Thông Hiệp của Quách Đàm phất lên như diều gặp gió, có lúc nhiều người cho rằng: Sở dĩ ông thành công là vì cửa tiệm đặt ở vùng đất long mạch. Nhưng đó cũng chỉ là suy đoán không khoa học. Sự thành công của Quách Đàm được dựng lên bằng mồ hôi, nước mắt, máu và cả sự liều lĩnh của một đứa trẻ mồ côi.

Vài năm sau khi vốn liếng tăng cao, ông tiếp tục thuê thêm 1 căn nhà sát bờ kênh. Con kênh này thông với kênh Tàu Hủ là khu vực chợ Kinh Biên bây giờ. Hàng ngày, trên kênh tấp nập ghe thuyền của thương nhân qua lại.

Nhìn cảnh nông sản, lúa gạo, Quách Đàm nghĩ đến việc làm giàu từ lĩnh vực này. Tuy vất vả nhưng lợi nhuận cao. Lợi dụng địa thế căn nhà ở ngay bờ sông, Quách Đàm chuyển sang kinh doanh nông sản, thực phẩm, chủ yếu là thu mua lúa gạo ở các tỉnh miền Tây. Ban đầu buôn nhỏ, sau phát triển to dần, trở thành nhà thầu cung cấp gạo lớn nhất nhì Sài Gòn – Chợ Lớn.

Trong cuốn "Sài Gòn xưa", học giả Vương Hồng Sển đã kể về một mánh lới làm ăn làm nên tên tuổi Quách Đàm như sau: "Lần nọ, ông sai mua lúa khắp miền Tây chở về dự trữ ngập trong các nhà kho, chờ ngày xuất bán sang nước ngoài. Nhưng do nắm tin thị trường chưa kỹ, năm đó giá lúa quốc tế sụt giảm nặng. Với kho lúa hiện tại, Quách Đàm có thể lỗ nặng, phá sản nên người nhà, nhân công hết sức lo lắng.

Lúc đó Quách Đàm vẫn bình tĩnh như thường, ông ra mật lệnh cho nhân viên dưới miền Tây tiếp tục mua lúa giá như cũ. Không những thế, ông còn trả giá lúa cao hơn các thương lái khác để gom mua bằng hết. Mặt khác, Quách Đàm gửi thư cho đại diện ở nước ngoài tung tin đồn giá lúa sắp tăng vọt lên cao.

Mánh lới này của ông nhanh chóng khiến các thương lái "sập bẫy". Họ đua nhau thu mua lúa trong nước với giá cao chờ bán kiếm lời. Lúc này, Quách Đàm mới âm thầm dừng mua lúa đồng thời xuất lúa chứa trong kho ra bán. Kho lúa vơi dần cũng là lúc các nhà buôn khác phát hiện bị lừa. Họ chia nhau gánh thay phần lỗ của ông".

Chợ Bình Tây - giấc mộng chưa thành của Quách Đàm

Được biết, năm 1925, chánh tham biện Chợ Lớn thấy khu vực thành phố đất chật người đông nên muốn mở rộng thêm địa giới ra vùng ngoại thành. Quách Đàm bèn hỏi điền chủ một khu vực đất hàng chục mẫu giáp ranh thì nhận được cái giá khá chát.

Chợ Bình Tây xưa

Vốn là dân kinh doanh thông minh, biết nắm bắt thời cơ nên ngay khi có được thông tin, Quách Đàm đã nhanh trí chớp lấy miếng mồi béo bở. Ông bèn đưa ra đề nghị tặng một mảnh đất rộng 17.000m2 ở xóm Bình Tây, và bỏ cả tiền túi ra xây một ngôi chợ thật lớn cho chính quyền thành phố.

Thế nhưng kèm theo đó là 2 yêu cầu: Thứ nhất, Quách Đàm xin xây 2 dãy nhà phố quanh chợ; Thứ hai là dựng tượng mình để đặt ở giữa chợ. Thực ra yêu sách thứ hai mới là khó vì chỉ những danh nhân thì mới được dựng tượng nhưng cuối cùng chính quyền thực dân cũng thông qua vì tượng chỉ đặt trong chợ.

Bỏ nhiều tiền xây chợ không đơn thuần Quách Đàm chỉ nhằm mục đích được dựng tượng, ý định thâm sâu của ông là dời được trung tâm buôn bán của thành phố Chợ Lớn về chợ Bình Tây để thu lợi. Nhưng tiếc thay, người tính không bằng trời tính, khi mọi công đoạn chuẩn bị xây chợ hoàn thành thì năm 1927 Quách Đàm qua đời.

Chợ Lớn Mới được xây dựng trên diện tích rộng lớn

Việc xây chợ bị dời lại 1 năm. Đến năm 1928, các con của ông thay cha đứng ra xây chợ Bình Tây.

Đến năm 1930, chợ được hoàn thành với quy mô lớn và cao hơn cả chợ Bến Thành. Chợ được xây theo công nghệ phương Tây nhưng mang kiến trúc phương Đông với mái ngói âm dương và rồng chầu nguyệt trên mái. Giữa chợ có một công viên nhỏ, nơi đặt tượng Quách Đàm được đúc bằng đồng, có hồ nước và bệ đá toàn bằng cẩm thạch trắng với bốn con rồng và hai con lân to bằng đồng phun nước bạc.

Tượng Quách Đàm

Sau 1975, tượng Quách Đàm ở Bình Tây bị tháo dỡ. Nhiều năm sau nằm kho  tại phòng Văn hóa Thông tin quận 6, đến năm 2003, bức tượng được dời về lại Bảo tàng Mỹ thuật.

Để tưởng nhớ Quách Đàm, các tiểu thương trong chợ đã quyên tiền dựng tượng mớ để đặt ở vị trí cũ. Song tượng mới chỉ là chân dung, khá nhỏ, đặt lên cũng không cân xứng với bệ tường cũ. 

Dù không tận mắt chứng kiến chợ Bình Tây được hoàn thành, thế nhưng tin rằng Quách Đàm sẽ luôn tự hào về công trình mà mình đã tâm huyết để lại. Gần 100 năm trôi qua, chợ Bình Tây vẫn sừng sững với thời gian và luôn là niềm tự hào của cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn.

Xem thêm: Thương nhân giàu nhất Thanh triều Hồ Tuyết Nham: Từ kẻ đổ nước tiểu đến đại phú hộ giàu nức tiếng