Nước mắt của cha trong lễ tốt nghiệp của con gái bị câm điếc: "Hôm nay tôi hạnh phúc không phải vì con thành công, mà vì con đã nên người"

Ông Trần Khương đã đại diện cho hơn 1000 phụ huynh có con được trao bằng trong lễ tốt nghiệp chia sẻ về hành trình trở thành tân cử nhân của con gái mình - nữ sinh bị câm điếc.... 

Đỗ Thu Nga
08:00 09/08/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sáng 6/8 là một ngày đặc biệt của cha con ông Trần Khương và tân khoa Trần Lê Khả Ái - ngành thiết kế đồ họa Trường ĐH Hoa Sen.  Đó là ngày Khả Ái nhận bằng tốt nghiệp ĐH và cũng là ngày người cha cảm thấy nhẹ lòng phần nào vì sau hành trình dài cùng con học tập và trưởng thành.

Con không nghe được lời tôi nói...

Bằng chất giọng Quảng Ngãi đặc sệt, ông Trần Khương nói: "Con gái tôi không phải thủ khoa. Trong những năm qua, con tôi không có gì đặc biệt, nhưng cháu luôn là niềm tự hào của gia đình...

Trong khoảnh khắc này, tôi đứng đây chia sẻ thì ở dưới kia, con gái tôi không nghe được lời tôi nói...". Nói đến đây, ông khóc nghẹn, lấy tay lau nước mắt ngay trên sân khấu lễ tốt nghiệp. 

Tan-cu-nhan-bi-cam-diec-va-tam-long-dang-tran-quy-cua-nguoi-cha-8
Ông Trần Khương chia sẻ cảm xúc của mình trong buổi lễ tốt nghiệp của con gái (Ảnh: Giáo dục Việt Nam)

Những tràng pháo tay đồng cảm vang lên. Ông Khương trấn tĩnh lại, nói tiếp: "Con bị câm điếc bẩm sinh. Tôi nhớ, ngày 1/8/1999, lúc Ái được 22 tháng tuổi, vợ chồng tôi nghĩ con mình có gì đó không bình thường. Chở con đi khám, bác sĩ nói con tôi bị câm điếc bẩm sinh. Con đi học là một chặng đường dài, từ mầm non đến hết cấp III”.

Ông Trần Khương kể tiếp: “Đến khi trúng tuyển vào Trường Đại học Hoa Sen, được cấp học bổng 100%, vợ chồng tôi mừng lắm, nhưng cũng rất lo. Mừng vì con đã vào được đại học, nhưng lo rào cản ngôn ngữ, giao tiếp, con sẽ không theo được chương trình. Nhưng với sự giúp đỡ của thầy cô đã giúp con lấy lại tự tin, hoàn thành chương trình”.

Tấm lòng đáng trân quý của người cha

Trong suốt quá trình phát biển, ông Khương nhận được rất nhiều tràng vỗ tay đồng cảm, động viên từ dưới sân khấu. Ông Khương cũng đã rất nhiều lần nghẹn ngào, lau nước mắt vui mừng của mình khi nói. 

Ông chia sẻ, bản thân chưa bao giờ từng nghĩ con gái sẽ vào học được ở đại học. Khi hay tin con bị câm điếc bẩm sinh, ông và vợ chỉ mong con học được tới đâu, hay tới đó, biết đọc và viết là mừng lắm rồi.

Tan-cu-nhan-bi-cam-diec-va-tam-long-dang-tran-quy-cua-nguoi-cha-6
Ông Khương và con gái

Nghĩ là vậy, nhưng trong lòng của người cha hết mực yêu con như vậy luôn mong đứa con phải chịu nhiều thiệt thòi như vậy cần được yêu thương, nhận được nhiều hơn sự đồng hành từ phía mình.

Và cứ như vậy, hành trình bắt đầu con đường học tập của Ái luôn nhận được sự sát cánh rất chặt chẽ của ông Khương.

“Tôi cho con học hòa nhập, chứ không cho học ở trường dành cho trẻ câm điếc. Tôi muốn con được phát triển bình thường. Tuy nhiên, vì con đặc biệt nên tôi đã phải cùng học để giúp con. Con nghe được, nhưng chỉ khoảng 10 đến 20%”, ông Khương nói.

Tan-cu-nhan-bi-cam-diec-va-tam-long-dang-tran-quy-cua-nguoi-cha
Cả nhà ông Khương đến chúc mừng con gái trở thành tân cử nhân

Khi Trần Lê Khả Ái bước vào tiểu học, hàng ngày đưa con vào lớp, ông Khương đều xin ở lại trường, đứng bên ngoài quan sát con. Ông nói rằng, chính hành động này đã giúp con gái yên tâm hơn, và cũng là dịp học cùng con.

Khi về nhà, ông Khương sẽ giảng bài thêm cho Ái, vì với tật câm điếc bẩm sinh, em sẽ không thể nghe đầy đủ lời thầy cô giảng. 

Với nghề may mưu sinh, kiếm sống hàng ngày, ông Khương dành toàn bộ thời gian ban ngày cho con ở trường. Buổi tối, khi nào học và ôn bài cùng con xong, ông mới ngồi vào ghế may cho khách hàng.

Khi con lên cấp 2, việc học trở nên khó khăn hơn.  Ông Khương xung phong vào hội phụ huynh, để có thể thoải mái ra vào trường, có điều kiện để ý và theo dõi việc học của con nhiều hơn.

Tan-cu-nhan-bi-cam-diec-va-tam-long-dang-tran-quy-cua-nguoi-cha-9
Khả Ái nhận bằng tốt nghiệp đại học

Ông Khương nhờ cô giáo về dạy thêm cho Ái. Lên cấp 3, Ái vào học nội trú trong trường để thầy cô có điều kiện kèm em học tốt hơn. Tuần nào, ông Khương cũng trực tiếp lên thăm con, động viên và hỏi han việc học của em.

Khi Ái đậu trường ĐH Hoa Sen, ông Khương vẫn đều đặn đưa đón con hàng ngày. Kết thúc năm học đại học đầu tiên, ông Khương tập và mua cho con gái chiếc xe gắn máy để tiện việc đi học.

Ròng rã một tháng trời, chính ông Khương là người tập cho em đi xe gắn máy. Cứ như thế hàng ngày, con chạy trước, ông Khương chạy xe theo sau cho đến khi em Ái chạy xe vững mới thôi.

“Hôm nay, tôi hạnh phúc không phải con mình thành công, mà vì con đã nên người”, ông Trần Khương nói trong sự xúc động.

Khả Ái hiện đã được Trường đại học Hoa Sen ký hợp đồng làm việc chính thức.

Xem thêm: Nước mắt của người cha: Bán trâu, vét sạch gạo vẫn không gom đủ tiền chữa bệnh cho con

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận