Sự thật bất ngờ về tên gọi của thành phố Quy Nhơn từ những câu chuyện lịch sử thú vị

Thủ phủ của tỉnh Bình Định trước đây có tên là Hòa Nhân, rồi Quy Nhân nhưng hiện nay nó được gọi là Quy Nhơn. Cái tên này từng tốn không ít giấy mực.

Đỗ Thu Nga
15:15 20/01/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Theo Wiki, Quy Nhơn là thành phố ven biển miền Trung Việt Nam. Thành phố này là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Định. 

Thành phố Quy Nhơn nằm ở phía Đông Nam tỉnh Bình Định, có vị trí địa lý: Phía đông giáp Biển Đông; Phía tây giáp huyện Tuy Phước; Phía bắc giáp các huyện Tuy Phước và Phù Cát; Phía nam giáp thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

Thành phố Quy Nhơn đa dạng về cảnh quan địa lý với hệ thống núi, sông ngòi dày đặc tạo ra nhiều đặc sản quý, có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, đây còn là thành phố phát triển công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ bến cảng, nuôi trồng thủy hải sản và du lịch.

su-that-bat-ngo-ve-ten-goi-thanh-pho-quy-nhon-0
Bãi biển Quy Nhơn năm 1966 - 1967

Một trong những điều được quan tâm ở thủ phủ của tỉnh Bình Định chính là tên gọi Quy Nhơn. Tên gọi thành phố này gắn với những câu chuyện lịch sử rất thú vị.

Ngược thời gian về khoảng nửa đầu thế kỷ 15, Quy Nhơn là vùng đất thuộc kinh thành Đồ Bàn (Vijaya) của nước Chiêm Thành (Chăm Pa). Hiện nay, dấu ấn thời kỳ này vẫn còn lưu lại ở thành phố qua di tích tháp Đôi, phường Đống Đa.

Vào năm 1471, sau khi bình định Chiêm Thành, vua Lê Thánh Tông đặt tên vùng đất này là phủ Hoài Nhân. Nhưng đến năm 1602, phủ Hoài Nhân đổi tên thành phủ Quy Nhân. Mỗi tên gọi đều mang một ý nghĩa riêng.

Theo một số ghi chép, Hoài nhân có nghĩa là nghĩ về những điều nhân nghĩa. Còn Quy Nhân có nghĩa là mảnh đất hội tụ những người tài, người nghĩa hiệp hoặc quay về với lòng nhân đức. Cách đặt tên này thể hiện rõ quan điểm trị nước của vua Lê Thánh Tông là Đức trị.

Đến thế kỷ 17, giao thương phát triển, nhiều thương nhân hải ngoại đã tìm đến mảnh đất này. Cũng từ đó địa danh Quy Nhân được các thương nhân phương Tây ký âm là Quignin, sau đổi thành Quinhin. 

Ngoài ra, thủ phủ của Bình Định thời đó còn mang các tên khác là Pullucambi hoặc Qui Nong, tùy theo cách gọi của người Bồ Đào Nha hay người Anh.

Vào thời nhà Nguyễn, tên Quy Nhân đã trở thành Quy Nhơn. Việc đổi tên này để tránh kỵ húy thời Minh Mạng và Thiệu Trị do cách phát âm của miền Nam và miền Bắc có chỗ khác nhau. 

su-that-bat-ngo-ve-ten-goi-thanh-pho-quy-nhon
Quy Nhơn hiện là thành phố biển có tiềm năng du lịch lớn

Sau này, thủ phủ của Bình Định lại tốn nhiều giấy mực và tạo ra nhiều cuộc tranh luận hơn khi xuất hiện 2 cách viết là "Quy" và "Qui". Được biết, phần lớn các văn bản Quốc ngữ từ nửa cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 20 đều ghi là Qui Nhơn nhưng văn bản quốc tế  viết là Quinhon hoặc Qui Nhơn, tức là đều dùng i ngắn cho chữ “Qui”.

Nếu theo căn cứ từ quy chuẩn chữ quốc ngữ hiện đại của Việt Nam, những từ bắt đầu bằng phụ âm ghép "qu" khi kết hợp với nguyên âm i ngắn thì i ngắn đều phải đổi thành y dài. Do đó, "Qui Nhơn" phải viết là "Quy Nhơn".

Theo thông tin từ tờ Tuổi trẻ, ngày 27/8, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Đề nghị điều chỉnh lại tên đơn vị hành chính TP Qui Nhơn (tỉnh lỵ Bình Định) thành TP Quy Nhơn xuất phát từ việc rà soát, đối chiếu lại các văn bản có từ trước và phát hiện sự sai khác chính tả giữa các văn bản pháp lý liên quan. 

Cũng theo ông Thanh, tại quyết định số 124/2004 ngày 8-7-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam, tỉnh Bình Định có đơn vị hành chính cấp huyện là thành phố Qui Nhơn. Trong khi đó các văn bản hành chính, con dấu cũng như tên trang web chính thức của địa phương lại là Quy Nhơn.

Trong quyết định số 41 của Hội đồng Bộ trưởng năm 1981 về việc điều chỉnh địa giới một số huyện, thị xã thuộc tỉnh Nghĩa Bình (nay là 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định) và quyết định số 81 năm 1986 của Hội đồng Bộ trưởng về việc mở rộng và đổi tên thị xã Quy Nhơn thành TP Quy Nhơn đều thể hiện là Quy Nhơn.

Chính vì thế mà UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tư pháp xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại tên thành phố để đảm bảo thống nhất trong các tài liệu pháp lý về quản lý nhà nước cũng như trong giao dịch nói chung. 

Ngày nay thành phố Quy Nhơn có 16 phường, trong đó 10 phường mang tên danh nhân, như Bùi Thị Xuân, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Quang Trung... Cách đặt tên phường này thể hiện tinh thần "quy tụ người tài" của tên gọi Quy Nhân xưa kia...

Có một Cao Bằng rất khác: Đẹp như mùa thu Đông Âu, ai không đi sẽ tiếc đến hết năm

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận