Chiều nay đi khám bệnh, mình chính thức gia nhập câu lạc bộ uống thuốc huyết áp mỗi ngày, sau nhiều tuần được cô bác sĩ Ấn Độ theo dõi liên tục. Từ nay trở đi, mình phải thường xuyên gặp cô bác sĩ ấy, và mỗi khi xách ba lô lên và đi, trong mớ hành trang, phải luôn có thuốc huyết áp.
Thật ra mình phải gặp bác sĩ cũng gần chục năm nay rồi, nhưng vẫn cố gắng níu kéo bằng thuốc đông y kết hợp tập thể dục, và cả cười thường xuyên nữa. Thời gian thật tàn nhẫn, cuối cùng cũng đến lúc phải gia nhập câu lạc bộ này.
Tự an ủi, so với bạn bè cùng trang lứa, cùng câu lạc bộ, đã có người ra đi trong giấc ngủ, có người ra đi ngay trong phòng tắm, thì mình vẫn còn may mắn. Bạn bè cùng lớp gặp nhau giờ đã bàn đến chuyện bệnh tật thuốc men, cũng có bạn bình yên về với đất mẹ, đúng là bệnh tật không chừa một ai.
Nhớ thời dịch ho gà bùng phát, ho từng cơn rã rời, hai mắt đỏ quạch, mình được chuyển viện từ quê lên Biên Hòa (Đồng Nai). Các bác sĩ điều trị cho mình thời đó là BS Như Hòa, BS Hoàng Hoa, và BS Phùng - người Huế. BS Hoàng Hoa nói giọng nhẹ nhàng, BS Như Hòa thì cười nói rổn rảng, còn BS Phùng thường mặc quần kaki nâu vàng và hình như ông có thói quen bỏ tay vào túi khi nói chuyện.
Đã gần 40 năm trôi qua, mình không còn nhớ khuôn mặt của họ, nhưng mình vẫn còn nhớ rõ hình ảnh họ mặc áo blouse trắng đi tới đi lui rất oai. Cũng không biết giờ này họ còn ở Việt Nam không hay đã vi vu ở xứ người.
Thời đó chưa có vắc xin, ăn uống thiếu thốn, nên không chỉ có mình, mà các bạn bè của mình rất nhiều người cũng trải qua những đợt ốm đau vặt vẹo như mình vậy.
Tuổi đôi mươi phơi phới, sáng sớm từ ký túc xá (KTX) Đại học Bách khoa chạy bộ 10 vòng trên 4 con đường quanh sân Thống Nhất để duy trì sức khỏe. Có những lần ham vui, mình còn chạy qua phía chợ Nguyễn Tri Phương, thấy các quán ăn nhóm lửa bắt đầu một ngày mới.
Nhìn bếp lửa hồng trong ánh đèn vàng vọt, mình lại nhớ những buổi sáng mẹ dậy sớm nấu nướng, gọi mình dậy học bài. Nuôi đàn con 7 đứa, ba mẹ mình đều tứ cố vô thân lưu lạc nhiều nơi, mẹ luôn là người đi ngủ sau cùng và thức dậy sớm nhất nhà.
Không có đồng hồ báo thức, mẹ chỉ thức giấc theo tiếng gà gáy. Nhìn bóng mẹ liêu xiêu tất bật bên bếp lửa sớm, mình ước mong thời gian trôi qua nhanh, để mình mau lớn, đi kiếm tiền cho mẹ bớt khổ. Thật ra, mẹ vẫn là vận động viên dẻo dai nhất trên đường đua đầy sóng gió của cuộc đời.
Ngày đó, mình ý thức được sức khỏe mình không tốt bằng người ta, nên cũng biết tránh xa rượu bia. Mình không uống được, nhưng mình vẫn hay lén mang giùm bia hơi vào KTX cho người khác. Một người gầy gò nhút nhát, có vẻ mặt trong trắng ngây thơ, thường mỉm cười thật tươi gật đầu chào các anh bảo vệ khi qua cổng KTX, có lẽ là lựa chọn tốt để người ta gửi gắm.
Mình cũng không dám thức quá khuya để học bài, vì mình biết thức khuya sẽ không tốt cho một người có sức khỏe như mình. Chỉ có ăn uống thất thường, biết là không tốt cho sức khỏe mình, nhưng cũng không còn cách nào khác. Nhớ những lần đi dạy kèm về khuya, cơm nguội khô quá không nuốt nổi, dì Liên ở nhà ăn số 2 thương mình, lấy một ít nước lèo hủ tiếu thêm chút hành ngò làm thành một tô canh nóng cho mình.
Bước vào lứa tuổi U50, sức khỏe lại giảm sút trầm trọng, mình vẫn duy trì chạy bộ hoặc đi bộ thường xuyên ở công viên khi thành phố bắt đầu lên đèn. Ngày tháng dần trôi, cũng chẳng biết tự bao giờ, mình không còn bận tâm đến danh vọng địa vị và những hơn thua trong cuộc sống nữa, thay vào đó mình lại luôn bận tâm đến cách níu kéo sức khỏe.
Cũng chẳng biết tự bao giờ, mình mong ước con mình không giỏi bằng người ta cũng không sao, không đẹp bằng người ta cũng không sao, không giàu bằng người ta cũng không sao, nhưng nhất định phải khỏe mạnh. Lưu lạc xứ người, mình vẫn luôn nhớ về bạn bè tập thể dục chung ở công viên.
Mới đây nhận được tin một anh bạn thường tập thể dục chung đột ngột về trời ngay trên đường chạy, đúng là cuộc đời không ai biết ra sao ngày mai.
Tuổi đôi mươi phơi phới thì ước mơ được bay đến cùng trời cuối đất. Tuổi U50, chỉ cầu mong sao ơn trên thương mà cho đặng 2 chữ bình an.
(Theo VietNamNet)
Xem thêm: Giải cứu người đàn bà cay nghiệt - Câu chuyện nhân văn sâu sắc