Quy trình tổ chức Lễ Hằng Thuận tại chùa đúng nhất

Lễ Hằng Thuận là nghi thức tổ chức đám cưới theo cách thức Phật giáo với mong muốn có được một gia đình hạnh phúc, viên mãn.

Đỗ Thu Nga
22:48 12/01/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Lễ Hằng Thuận là gì?

Hiện nay, việc tổ chức hôn lễ tại chùa (Lễ Hằng Thuận) không còn là điều xa lạ đối với các bạn trẻ. Lễ Hằng Thuận tại chùa được xem là nét văn hóa tâm linh đặc thù thể hiện rõ tinh thần thập thế giữa Đạo Phật và hạnh phúc đời thường của người Phật tử thông qua sự kiện quan trọng nhất của đời người. Lễ Hằng Thuận không đơn thuần là lễ cưới mà đó còn là sự lồng ghép của các nghi thức trang nghiêm cầu mong một gia đình hạnh phúc, viên mãn với sự chứng kiến của Tam Bảo và hai họ.

Giải nghĩa tên gọi "Lễ Hằng Thuận" như sau: Hằng là mãi mãi, thường xuyên, luôn luôn; Thuận là hòa hợp, thuận thảo, yên ấm. Hằng thuận là nghệ thuật sống hòa hợp, độ lượng với người khác và trong đạo vợ chồng. Hằng thuận là vợ chồng luôn sống hòa hợp, tương kính, nhường nhịn cùng nhau làm tròn trách nhiệm, bổn phận của vợ chồng trong đời sống gia đình, với ông bà, bố mẹ, con cái. Từ đó hướng đến con đường tu tập giác ngộ, giải thoát trên cơ sở giữ gìn ngũ giới, hành thập thiện và tu tập theo Bát chánh đạo.

Theo Sư phụ Thích Trúc Thái Minh: "Lễ kết hôn ở chùa hay Lễ Hằng Thuận đối với Phật giáo Nguyên thủy Phật giáo Nam Tông hầu hết rất ít thực hiện nghi lễ này. Còn những ngôi chùa thuộc Phật giáo Bắc tông thì những năm gần đây Lễ Hằng Thuận được tổ chức rất nhiều.

quy-trinh-to-chuc-le-hang-tai-chua
Lễ Hằng Thuận là nghi thức tổ chức đám cưới tại chùa

Được biết, Lễ Hằng Thuận bắt nguồn từ khi Đức Phật tại thế. Có lần Đức Thế Tôn trở về thăm Vương thành Ca Tì La Vệ. Khi đó, Đức Thế Tôn về đúng dịp cả kinh thành chuẩn bị làm lễ thành hôn cho Vương tử Mahanam, có thỉnh Đức Thế Tôn và Tăng đoàn vào hoàng cung chứng minh hôn lễ.

Và từ nhân duyên đó, Đức Thế Tôn dạy người làm chồng phải sống sao để họ hàng nhà vợ tôn trọng, chấp nhận. Người chồng phải có trách nhiệm với họ hàng nhà vợ làm sao, trách nhiệm với vợ con trong tương lai như thế nào? Cũng theo đó, Đức Thế Tôn còn giảng dạy về phận làm dâu đối với họ hàng nhà chồng, trách nhiệm đối với người chồng và những đứa con trong tương lai. 

Đức Phật dạy, điều quan nhất là cả hai gặp nhau, bên nhau trọn đời. Có nghĩa là cả hai cùng trải qua vui sướng, buồn khổ, đắng cay trong cuộc đời, cùng nâng đỡ nhau tạo nghiệp lành, khuyên can nhau dứt trừ nghiệp ác và luôn tùy thuận với nhau để cùng tu tập. Mượn nhân duyên vợ chồng để đồng làm pháp lữ tạo thiện nghiệp. Vui cũng thuận, buồn cũng thuận, thành công cũng thuận, thất bại cũng thuận, giàu cũng thuận, nghèo cũng thuận.

Nói về Lễ Hằng Thuận tại Việt Nam, Sư phụ Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng cho biết: "Ở Việt Nam, theo như Thầy tìm hiểu, lễ Hằng thuận đầu tiên là của gia đình Phật tử bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám tổ chức cho con gái đầu lòng tại chùa Từ Đàm, Huế vào năm 1930. Đây chính là lễ cưới đầu tiên ở chùa trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa mới chính thức đặt tên cho lễ kết hôn ở chùa là lễ Hằng thuận. “Hằng thuận” có nghĩa là mãi mãi thuận hòa. “Hằng” là mãi mãi, thường hằng; “thuận” là hòa thuận. Vợ chồng mãi mãi thuận hòa thì gia đình hạnh phúc, êm ấm, vì thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Một số tài liệu khác cho rằng, người khởi xướng nghi thức Hằng Thuận là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật (1883 - 1940), quê ở Hải Dương và có bút hiệu là Đồ Nam Tử. Ông là nhà nho yêu nước, sau quy y đạo Phật. Với lòng mong ước phụng sự đạo pháp, cụ Nguyễn Trọng Thuật đã nghĩ đến việc tổ chức lễ cưới tại chùa nhằm mang đến lợi ích cho đời sống hôn nhân và gia đình phật tử.

Vào năm 1930, lễ thành hôn của con gái đầu lòng bác sĩ Lê Đình Thám đã diễn ra tại chùa Từ Đàm, Huế. Đây được xem là Lễ Hằng Thuận đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã chính thức đặt tên cho lễ cưới tại chùa là Lễ Hằng Thuận.

Nói về ý nghĩa sâu xa của Lễ Hằng Thuận, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết: Khi đôi tân lang, tân nương đã thề nguyện sống với nhau có sự chứng kiến của yếu tố tâm linh tức là đã ràng buộc với nhau bằng tôn giáo. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc, bền vững của cuộc sống gia đình.

Ý nghĩa đạo đức văn hóa và tâm linh của Lễ Hằng Thuận

Lễ Hằng Thuận ở Việt Nam được tổ chức trang nghiêm tại các chùa hoặc thiền viện. Ngoài ra, nghi thức này cũng có thể được tổ chức tại nhà thờ của dòng họ. 

Tình yêu trong Lễ Hằng Thuận được đặt trên nền tảng Phật - Pháp - Tăng sẽ là một tìn yêu bền vững, có trí tuệ, biết cách chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau của chúng ta và của người, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, luôn nghĩ đến hạnh phúc của người khác mà hy sinh, không vì lợi ích cá nhân. 

Hôn nhân là nét đẹp văn hóa truyền thống để kế thừa dòng dõi huyết thông và cuộc hôn nhân đó cũng đặt trên sự tự nguyện, không ràng buộc. Hằng thuận chúng sanh là mộ nghệ thuật sống hòa hợp, độ lượng với người khác. Lễ Hằng Thuận không còn khái niệm "của anh" hay "của em" mà nó là cái chung.

quy-trinh-to-chuc-le-hang-tai-chua
Lễ Hằng Thuận được tổ chức với mong ước về gia đình hạnh phúc, viên mãn

Lễ Hằng Thuận đã tạo điều kiện cho vợ chồng trẻ được đảnh lễ chư Phật, được quy y6 Tam Bảo, được chư tăng đứng ra chứng minh hôn sự trong bầu không khí linh thiêng nơi chánh điện, được quý thầy tận tình hướng dẫn đạo lý vợ chồng trong đời sống hôn nhân theo lời đức Phật. 

Nếu Phật tử triển khai thực hành những lời dạy của đức Phật xây dựng một cuộc sống bình đẳng, tôn trọng, chung thủy, cảm thông, chia sẻ yêu thương gắn bó cùng hướng đến một chân trời thành thiện thì chắc chắn hạnh phúc ở trong tầm tay.

Quy trình tổ chức Lễ Hằng Thuận tại chùa đúng nhất

Trước khi tiến hành Lễ Hằng Thuận, cô dâu, chú rể và gia đình hai bên phải đến chùa hoặc thiền viện xin ý kiến của sư thầy trụ trì, sau khi được sự đồng ý mới tiến hành công tác chuẩn bị. Quy trình tổ chức Lễ Hằng Thuận phải trải qua các công đoạn sau:

- Khi ổn định, đã lên nhang đèn, xông hương trầm, mọi người cung nghinh chủ trì hôn lễ (thường là vị hòa thượng, trụ trì chùa hoặc chư tăng đắc đạo, được tôn kính).

quy-trinh-to-chuc-le-hang
Lễ Hằng Thuận được tổ chức theo quy định của Phật giáo

- Nghi lễ thường diễn ra tại chính điện của chùa, trong không gian rộng và trang nghiêm nhất. Nơi làm lễ gồm một chiếc bàn dài, nơi chủ hôn và các vị chứng giám thực hiện nghi thức truyền thống của lễ thành hôn. Đôi bạn trẻ quỳ trước bàn, hướng về nơi thời Phật và làm theo chỉ dẫn của hòa thượng chủ hôn.

 

- Người thân, bạn bè được sắp xếp ngồi ở vị trí đúng theo nguyên tắc "nam tả, nữ hữu" (từ trong chính điện nhìn ra). Nghĩa là nhà trai đứng bên trái, nhà gái đứng bên phải. 

- Trước khi tiến hành nghi lễ kết hôn, cô dâu chú rể được làm lễ quy y nếu chưa và có pháp danh, trường hợp nếu đã quy y thì chủ hôn sẽ tiến hành các nghi thức khác như bình thường: tuyên bố lý do, thành phần tham dự, đại diện hai bên gia đình lên phát biểu.

- Cô dâu chú rể sau đó phát nguyện, thường là được chuẩn bị từ trước. Tiếp đó là nghe lời vị trụ trì giảng về luân thường đạo lý trong hôn nhân, gia đình cũng như xã hội.

- Hòa thượng trụ trì hôn lễ sẽ buộc dây tơ hồng cho cô dâu chú rể với ý nghĩa kết nối đôi uyên ương không rời xa nhau.

- Cô dâu chú rể đảnh lễ (quỳ lạy) niệm ân cha mẹ, nội ngoại và với đối phương. Sau đó ký tên vào giấy chứng nhận, cả hai tiến hành trao nhẫn cho nhau, nghe sư thầy giảng về ý nghĩa của việc trao nhẫn. 

- Đại diện hai bên gia đình sẽ hứa chỉ bảo, răn dạy cặp đôi để làm tròn bổn phận dâu hiền, rể thảo.

- Nhà chùa và gia đình tặng hoa, quà cho cô dâu, chú rể. 

- Sau khi hoàn thành lễ chính, mọi người cùng dùng trà, bánh ngọt, nói chuyện và tiệc chay tại chùa.

Những điều cần lưu ý khi tổ chức Lễ Hằng Thuận tại chùa

- Thông báo cho nhà chùa biết cô dâu chú rể đã có pháp danh chưa. 

- Nên tổ chức Lễ Hằng Thuận ở nơi cô dâu chú rể cùng quy y tam bảo để cảm thấy an tâm và thoải mái hơn.

- Cô dâu chú rể nên đến chùa trước để thống nhất các hạng mục cần chuẩn bị với nhà chùa.

- Cô dâu chú rể có thể giúp nhà chùa chuẩn bị, có thể chọn màu sắc, kiểu dáng, loại hoa mà bạn thích. 

- Cặp đôi cần nhắc nhở khách mời ăn mặc kín đáo, trang trọng, nói nhỏ nhẹ, từ tốn, giữ không khí trang nghiêm.

quy-trinh-to-chuc-le-hang-tai-chua
Trong quá trình chuẩn bị Lễ Hằng Thuận, cô dâu có rể có thể được góp ý chuẩn bị về hoa cưới và một số vật phẩm khác cho mình

Hiện nay có rất nhiều chùa tổ chức Lễ Hằng Thuận mà các cặp đôi có thể lựa chọn.

Khu vực Hà Nội:

Thiền viện Sùng Phúc: Tổ 10, Phường Cự Khối, Quận Long Biên.

Chùa Đình Quán: Phường Phúc Diễn, Quận Bắc Từ Liêm.

Chùa Lý Triều Phúc Sư: 50 Lý Quốc Sư, Quận Hoàn Kiếm.

Chùa Quán Sứ: 73 Quán Sứ, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên: Xã Đại Đình, Huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh:

Chùa Vĩnh Nghiêm: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 14, Quận 3.

Chùa Pháp Hoa: 220A Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3.

Chùa Giác Ngộ: 92 Nguyễn Chí Thanh, Phường 3, Quận 10, Hồ Chí Minh

Chùa Định Thành: 629 Cách Mạng Tháng 8, Phường 15, Quận 10.

Chùa Viên Giác: 193 Bùi Thị Xuân, Phường 1, Quận Tân Bình.

Chùa Hoằng Pháp: 188/8 Tân Thới 3, Xã Tân Hiệp, Huyện Hóc Môn.

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận