Phổ Hiền Bồ tát là nam hay nữ?

Phổ Hiền Bồ tát là một trong tứ đại Bồ tát của Phật giáo. Phổ Hiền Bồ tát cùng với Bồ tát Văn Thù là hai thị giả của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Đỗ Thu Nga
14:21 06/01/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Phổ Hiền Bồ tát là ai?

Phổ Hiền Bồ tát (dịch âm là Tam mạn đà bạt đà la hoặc Tam Mạn đà bạt đà). Dịch chi tiết, Phổ là phổ biến, Hiền là đẳng giác Bồ tát, Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy ming cầu của chánh sanh mà hiện thân để độ hóa.

Theo Wiki, Phổ Hiền Bồ tát là một vị Bồ tát trong Phật giáo Đại thừa. Kinh Pháp Hoa từng ghi chép, Ngài là vị Bồ tát ở quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai, phía Đông cõi Ta Bà, nghe thế giới này thuyết kinh Pháp Hoa liền lãnh đạo năm trăm vị Đại Bồ tát đến nghe pháp và phát tâm hộ trì Chánh pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. 

Phổ Hiền Bồ Tát là 1 trong tứ đại Bồ tát của Phật giáo (Bồ tát là Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Địa Tạng và Bồ tát Phổ Hiền. Ngài và Bồ tát Văn Thù là thị giả của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử đứng thị giả ở bên trái và Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng đứng thị giả ở phía bên phải.

Nếu Bồ tát Văn Thù là đại biểu cho trí, tuệ, chứng, nắm giữ tuệ và chứng đức của chư Phật thì Bồ tát Phổ Hiền là đại biểu cho lý, định, hạnh, nắm giữ lý đức, định hạnh và hạnh đức của chư Phật. Phổ Hiền Bồ tát cưỡi voi trắng 6 ngà. Voi trắng tượng trưng cho trí tuệ vượt chướng ngại, 6 ngà tượng trưng cho sự chiến thắng 6 căn (6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). 

pho-hien-bo-tat-la-nam-hay-nu
Phổ Hiền Bồ tát cưỡi voi trắng 6 ngà ngồi bên cạnh đức Phật

Pháp khí của Ngài cũng chính là biểu tượng cho sự chiến thắng 6 giác quan, Pháp khí là viên ngọc bảo châu mà ngài thường cầm ở tay bên trái hoặc tay phải cầm hoa sen, trên đó có viên ngọc bảo châu. 

Trong nhiều biểu tượng, một trong 2 tay của Ngài sẽ bắt ấn với ngón cái và ngón trỏ chạm nhau thành hình tam giác. Trong những hình ảnh khác, Ngài lại cầm cuốn kinh hay Kim Cương Chử nơi tay trái. 

Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, phẩm thứ 28 - Phổ Hiền Bồ tát Khuyến Phát - ngài Phổ Hiền có nguyện với Phật về 500 năm sau có ai thọ trì Kinh Pháp Hoa, Ngài sẽ cưỡi voi trắng đến hộ trì, không để cho ma, quỷ đến quấy quả. 

Phổ Hiền Bồ tát cũng dạy rằng, nếu chúng sanh nào nghe danh hiệu Ngài; thấy và chạm đến thân ngày; hay nằm mộng thấy ngài' hoặc tưởng niệm đến ngài trong một ngày đêm hay nhiều hơn thì không còn thối chuyển. Chúng sanh nào nghe thấy thân ngài thanh tịnh thì tất được sinh trong thân thanh tịnh. 

Thấy Phổ Hiền Bồ tát là thấy chân lý, do đó chúng ta phải tránh xa mọi ảo vọng để trở về với chân lý. Gạt bỏ mọi vô minh, đừng lấy chân làm giả mà hãy dùng trí tuệ mà nhìn thẳng vào chân lý để giác ngộ như đức Phật. Chúng ta phải noi theo mười hạnh nguyện của Ngài để diệt tan mọi ích kỷ hẹp hòi. Mười hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ tát là:

1. Kính lễ chư Phật

2. Xưng tán Như Lai

3. Quảng tu cúng dường

4. Sám hối nghiệp chướng

5. Tùy hỷ công đức

6. Thỉnh Chuyển Pháp Luân

7. Thỉnh Phật trụ thế

8. Thường tùy Phật học

9. Hằng thuận chúng sinh

10. Phổ giai hồi hướng

Được biết, vào ngày 21/2 Âm lịch theo Bắc tông là ngày vía đức Bồ tát Phổ Hiền. Lễ vía Ngài thành đạo vào ngày 23/4 Ân lịch.

Sự tích về Phổ Hiền Bồ tát

Hình tượng Phổ Hiền Bồ tát không chỉ được nhắc đến trong Phật giáo mà còn được nhắc đến trong Văn họ. Ở tác phẩm Tây Du Ký, hình tượng Phổ Hiền Bồ tát xuất hiện 1 vài lần, cụ thể ở hồi 24: Tứ thánh thử lòng thiền, Phổ Hiền đã hóa phép vai một trong ba giai nhân thử lòng thầy trò Đường Tam Tạng. Còn trong Phong thần diễn nghĩa, hình tượng Phổ Hiền chân nhân là một trong Thập nhị đại tiên Xiển giáo, học trò của Nguyên Thủy Thiên Tôn. Ngài cư ngụ tại động Bạch Hạc, núi Cửu Cung, đệ tử là Mộc Tra, mang bảo bối là dây Trường Hồng.

Cho đến thời điểm hiện tại, có một sự tích về Phổ Hiền Bồ tát được lưu truyền rộng rãi là: Khi Đức Phổ Hiền Bồ Tát chưa xuất gia học đạo, còn làm con thứ tư của vua vô Tránh Niệm, tên là Năng Đà Nô. Nhờ Phụ Vương khuyên bảo, nên Thái Tử mới phát tâm cúng dường Phật Bảo Tạng và chúng sanh trong ba tháng.

Vào lúc ấy, có quan Đại thần  Bảo Hải thấy vậy, khuyên rằng: “Nay Điện hạ có lòng làm đặng món công đức rất tốt như thế, xin hãy hồi hướng về Đạo Vô Thượng Bồ Đề, mà cầu đặng thành Phật, hơn là cầu sự phước báu hữu lậu nơi cõi nhơn Thiên, vì cõi ấy còn ở trong vòng sinh tử”.

pho-hien-bo-tat-la-nam-ha
Phổ Hiền Bồ tát là biểu tượng của định hạnh và hạnh đức của chư Phật

Thái tử Năng Đà Nô nghe quan Địa thần khuyên bảo liền thưa với Phật Bảo Tạng rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi có món công đức cúng dường Ngài và đại chúng trong ba tháng, xin hồi hướng về đạo vô thượng Chánh Giác, nguyện phát tâm Bồ đề, tu hạnh Bồ tát mà giáo hóa mọi loài chúng sanh, đặng thành Phật đạo, và nguyện đặng cõi Phật rất thanh tịnh trang nghiêm, bao nhiêu những sự tốt đẹp và sự giáo hóa chúng sanh đều y như thế giới của Đức Phổ Hiền Như Lai vậy”.

Đức Bảo Tạng Như Lai nghe Năng Đà Nô Thái Tử phát nguyện như thế, liền thọ ký rằng: Hay thay! hay thay! Người phát thệ nguyện rộng lớn, muốn độ hết thảy chúng sanh đều thành Phật Đạo. Trong khi tu Bồ tát đạo, dùng trí kim cang mà phá nát các núi phiền não của mọi loài chúng sanh, vì vậy nên ta đặt hiệu ngươi là: Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức, trãi hằng sa kiếp làm nhiều công việc Phật sự rất lớn, rồi đến thế giới Bất Huyến ở phương Đông mà thành Phật, hiệu là Phổ Hiền Như Lai, chừng đó những sự tốt đẹp trang nghiêm của người đã cầu nguyện thảy đều thỏa mãn”.

Khi Đức Bảo Tạng Như Lai thọ ký rồi, tự nhiên giữa hư không có nhiều vị Thiên tử ở các cõi Trời đem đủ thứ bông thơm đẹp đến mà cúng dường và đồng thinh khen ngợi.

Năng Đà Nô Thái Tử thưa với Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu những sự ao ước của tôi ngày sau quả nhiên đặng như lời Ngài thọ ký, nay tôi kính lễ Ngài và chư Phật mà xin làm sao hằng sa thế giới có đủ món hương rất tốt rất thơm, mùi bay khắp trong các cõi, và mọi chúng sanh, hoặc ở trong địa ngục, ngạ quỷ cùng súc sanh, cho đến các người ở cõi Thiên Thượng Nhân gian, đương mắc phải nghiệp báo gì, nếu ngửi đặng món hương thơm ấy, tức thì đều đặn rảnh khổ và lại hưởng sự an vui”.

Năng Đà Nô Thái Tử thưa rồi, đương cúi đầu mà lễ Phật, thì trong các thế giới mười phương tự nhiên có mùi hương thơm bay khắp cả. Lúc đó mọi loài chúng sanh ngửi đặng mùi hương ấy, lòng dạ hớn hở, các bệnh phiền não thảy đều tiêu trừ. Năng Đà Nô Thái Tử nhờ Phật thọ ký như vậy, thân tâm vui mừng, bèn đảnh lễ Phật, rồi ngồi xuống nghe Ngài thuyết Pháp.

Năng Đà Nô Thái Tử nhờ công đức đó, nên sau khi mạng chung, sanh ra các thân khác và các đời khác, kiếp nào cũng nhờ lời thệ nguyện mà chăm làm các việc Phật sự và hóa độ chúng sanh, đặng cầu cho mau viên mãn những sự của mình đã ao ước.

Bởi Ngài có lòng tu hành tinh tấn như vậy, nên nay đã thành Phật, ở cõi Bất Huyến, và hóa thân vô số ở trong các thế giới mà giáo hóa chúng sanh.

Phổ Hiền Bồ tát là nam hay nữ?

Phổ Hiền Bồ tát là nam hay nữ là thắc mắc của nhiều Phật tử. Theo một số ý kiến, không thể phân biệt Phổ Hiền Bồ tát là nam hay nữa được. Bởi vì Ngài đã trải qua hằng hà sa kiếp để thành Phật.. Điều quan trọng nhất là Phổ Hiền Bồ tát đã dùng ánh sáng trí tuệ để chiếu khắp mọi loài, độ trì cho tất thảy chúng sanh dù là giới tính nào đi nữa.

Phổ Hiền Bồ tát là một trong tứ đại Bồ Tát của Phật giáo, Ngài cưỡi voi trắng đứng bên phải của đức Phật. Nhìn từ bên ngoài, hình tượng của ngài có mang vẻ nữ tính những điều này phù hợp với danh hiệu của Ngài, đầy từ bi và trí tuệ.

pho-hien-bo-tat-la-nam-hay-nu
Không thể xác định được Phổ Hiền Bồ tát là nam hay nữ

Phổ Hiền Bồ tát là hiện thân cho đại hạnh bao la mười phương ba đời chư Phật, Những lời dạy của ngài mãi là bài học thiêng liêng, cao quý cho tất cả chúng sanh. Bắt đầu từ công phu lễ kính chư Phật cho đến hạnh phổ giai hồi hướng, mỗi công hạnh đều sẽ giúp chúng sinh dần vượt qua được những chấp ngã, ích kỷ, kiêu mạn và vô số lỗi lầm trong lòng mình, để có thể mở rộng tâm hồn đến vô tận vô biên, thành tựu được các công đức lành và tiến tu trên con đường cao thượng hướng về vô ngã.

Khi kính thờ Phổ Hiền Bồ tát chính là đang tôn thờ những chân lý tuyệt đối của vũ trụ, đó là luật nhân quả, khổ, vô thường, vô ngã, Từ bi hỷ xả... để từng phút luôn ý thức tinh tấn tu hành, hướng về giải thoát giác ngộ bao la. Kính lễ Ngài là kính lễ đại hạnh vô biên của Chư Bồ tát. 

Mỗi khi quỳ chắp tay trang nghiêm, dâng tâm chí thành cúng dường lên Ngài là thực hành để xóa dần đi sự ích kỷ, hẹp hòi, mở rộng lòng mình mênh mông, để luôn biết thương yêu cống hiến, phụng sự cho tha nhân. 

Công hạnh của Phổ Hiền bồ tát được đúc thành thập hạnh tiêu biểu, đó chính là bài học để chúng sinh xác định được việc cần làm trên con đường giải thoát ngộ. Xin thần lực của Ngài gia hộ cho quý phật tử dần thành tựu được các hạnh nguyện cao quý, tinh tấn huân thập theo Thập hạnh Phổ Hiền, gây tạo được nhiều công đức lành, luôn chân thành yêu thương, gặp thuận lợi trong công việc, cuộc sống.

Kinh Mười Nguyện Phổ Hiền - Thiền sư Nhất Hạnh

Con xin đem ba nghiệp thanh tịnh

Kính lạy tất cả hằng sa Bụt

Trong các thế giới khắp mười phương

Quá khứ, vị lai và hiện tại.

Thần lực của hạnh nguyện Phổ Hiền

Giúp con có mặt khắp mọi nơi

Nơi đâu có Bụt là có con

Bụt là vô lượng, con vô lượng.

Trong hạt bụi có vô số Bụt

Mỗi vị an trú chúng hội mình

Đức tin của con vẫn tràn đầy

Trong mọi hạt bụi của pháp giới.

Con đang sử dụng biển âm thanh

Phát ra ngôn từ rất vi diệu

Tán dương biển công đức của Bụt

Cho đến vô số kiếp về sau.

Lấy những tràng hoa vi diệu nhất

Hương thơm, âm nhạc và tàng lọng

Sử dụng mọi thứ trang nghiêm ấy

Con đem cúng dường các Như Lai.

Các thức y phục và hoa hương

Đèn đuốc, trầm hương và tọa cụ

Mỗi thứ đều thành ra sung mãn

Con xin cúng dường các Như Lai.

Con đem tâm hiểu biết rộng sâu

Tin tưởng chư Bụt trong ba đời

Con nương sức hạnh nguyện Phổ Hiền

Cúng dường khắp hết các Như Lai.

Từ xưa con đã tạo nghiệp xấu

Vì tham, sân, si từ vô thỉ

Do thân, miệng, ý mà phát sinh

Nay con đều sám hối tất cả.

Con xin tùy hỷ mọi công đức

Của các chúng sinh trong mười phương

Các bậc hữu học và vô học

Các bậc Như Lai và Bồ Tát.

Những ngọn đèn sáng soi thế gian

Hoặc mới thành tựu đạo giải thoát

Con xin tất cả đều thương tưởng

Chuyển bánh xe pháp để độ đời.

Các Bụt đang thị hiện Niết Bàn

Con cũng chí thành cầu như thế

Xin hãy ở lại đời mãi mãi

Để làm lợi lạc cho chúng sanh.

Con xin tán lễ cúng dường Bụt

Thỉnh Bụt ở lại độ chúng sanh

Căn lành tùy hỷ và sám hối

Xin đem hồi hướng cho đạo Bụt.

Con xin đem hết công đức này

Hồi hướng tất cả cho Tam Bảo

Cả tánh và tướng trong pháp giới

Hai Đế dung thông ấn tam muội.

Biển công đức vô lượng như thế

Con xin hồi hướng không giữ lại

Nếu có chúng sanh nào dại dột

Bằng thân, bằng ý hoặc bằng lời

Bài báng phá hoại đạo giải thoát

Xin cho nghiệp chướng được tiêu trừ.

Mỗi giây, trí tuệ trùm pháp giới

Độ khắp mọi loài lên bất thối

Hư không, chúng sanh không cùng tận

Phiền não, nghiệp báo không cùng tận

Bốn thứ kể trên thật vô biên

Hồi hướng của con cũng như thế. 

Thích Nhất Hạnh dịch, (279, tạng Kinh Đại Chánh)

Theo giáo lý nhà Phật, trì tụng kinh Phổ Hiền sẽ có công đức vô lượng. Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa từng khai thị: “Kinh Phổ Hiền Quảng Nguyện Vương này do chính từ kim khẩu của Đức Phật tuyên thuyết ra, lời nói từ một bậc Thầy đã chứa đựng ân phúc gia trì rất lớn, lời nói từ kim khẩu của chính Đức Phật thuyết ra thì năng lực còn mạnh mẽ hơn rất nhiều. Trì tụng dù chỉ một lần khóa lễ Monlam Zangchod cũng giúp bạn tích lũy vô biên công đức; việc trì tụng cộng đồng với tâm Bồ đề và sự hồi hướng thanh tịnh sẽ giúp viên mãn mọi tâm nguyện, cho quốc thái dân an, vạn loài hạnh phúc”.

Những người trì tụng kinh này thì đi trong thế gian không bị chướng ngại, như mặt trăng giữa rừng ra khỏi mây mù, các Đức Phật, Bồ Tát đều khen ngợi, tất cả Nhân Thiên đều nên kính lễ, tất cả chúng sinh đều nên cúng dường.

Người Thiện Nam Tử này trọn được chân người, đầy đủ bao nhiêu công đức của ngài Phổ Hiền, chẳng bao lâu sẽ như Ngài đạt được thành tựu sắc thân vi diệu, đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, nếu sinh ở cõi người hay trời thì thường ở dòng cao quý, trọn có thể phá hoại tất cả đường ác, trọn có thể xa lìa tất cả bạn dữ, trọn có thể chế phục tất cả ngoại đạo, trọn có thể giải thoát tất cả phiền não, như sư tử vương dẹp phục bầy thú. Kham lãnh thọ sự cúng dường của tất cả chúng sinh.

Lại người này lúc lâm chung, phút cuối cùng, tất cả căn thân đều hư hoại, tất cả thân thuộc đều phải bỏ lìa, tất cả oai thế đều bị thối thất, cho đến các quan phụ tướng đại thần, cung thành trong ngoài, voi ngựa xe cộ, trân bảo kho đụn... tất cả đều không đem một món nào theo được. Chỉ có Mười nguyện vương này chẳng rời người mà thôi. 

Xem thêm: Quán Thế Âm Bồ Tát là ai? Lịch sử cuộc đời về Quán Thế Âm Bồ Tát

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận