Phát triển từ gốc rễ dân tộc - Bài văn giải Nhất HSG Quốc gia 2020

"Không đứng vào dân tộc, như cây không đứng vào đất, làm gì có sức chắc chắn đến tận cùng" - Xuân Diệu.

Phát triển từ gốc rễ dân tộc - Bài văn giải Nhất HSG Quốc gia 2020

"Không đứng vào dân tộc, như cây không đứng vào đất, làm gì có sức chắc chắn đến tận cùng" - Xuân Diệu.

ĐỀ BÀI:

Bàn về vai trò của dân tộc đối với sự phát triển của mỗi con người, Xuân Diệu từng viết: "Không đứng vào dân tộc, như cây không đứng vào đất, làm gì có sức chắc chắn đến tận cùng". 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến đó?

BÀI VIẾT ĐẠT GIẢI NHẤT QUỐC GIA 2020:

"Không đứng vào dân tộc, như cây không đứng vào đất, làm gì có sức chắc chắn đến tận cùng" - Xuân Diệu.

Chúng ta đã không quá xa lạ khi văn hóa Hàn Quốc, Tây Âu hay Nhật Bản xâm nhập vào ngóc ngách trong từng suy nghĩ, hành động của mỗi người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ. Trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ thành thị cho đến nông thôn, từ lớp người trẻ đến lớp trung niên, từ trang phục hay ẩm thực, "Hàn lưu" đã phủ sóng trong đời sống của người Việt. Văn hóa Hàn Quốc đã ngấm vào ý thức của những đứa trẻ, chúng có thể kể vanh vách tên các nhóm nhạc, thậm chí, mua đồ dùng hình thần tượng bằng mọi giá! Tuy nhiên, trong thực tế, những người muốn xem nghệ thuật trình diễn dân tộc tỷ lệ nghịch với số lượng đông đảo bạn trẻ mong ngóng, háo hức trước đêm nhạc hội của nhóm nhạc mình thần tượng. Nhưng nhà hát chèo bao giờ cũng vắng bóng khán giả hơn các liveshow! Và điều đó đã như - một - lẽ - dĩ - nhiên!

Theo quy luật tồn tại, cây muốn phát triển phải có gốc rễ cắm sâu vào lòng đất. Bằng không, cho dù tán cây có cao, lá cây có xanh, hoa có rực rỡ đến chừng nào thì khi bão đến - những cơn bão ngoại lai xâm nhập thì e cây khó mà chống đỡ nổi trước sức càn quét mệt ghê gớm ấy! Cũng như vậy, không đứng vào dân tộc sẽ như cây không bám vào đất, không có gốc rễ để phát triển cho đến tận cùng.

Xin bàn đến nghĩa rộng của khái niệm "dân tộc" - cộng đồng người của một quốc gia, có sự thống nhất giữa chính trị, kinh tế, lịch sử và truyền thống văn hóa. 

Cần "đứng về dân tộc", vì dân tộc là cái nôi trong sự hình thành và phát triển của mỗi con người. Như một lẽ tự nhiên, bất kỳ ai sinh ra cũng được đón nhận tinh túy trời đất, cái hồn dân tộc, được đi dưỡng tâm hồn từ những câu chuyện của bà, lời ru của mẹ, từ câu hát đậm đà hồn quê đất nước. Tôi nghĩ những đứa trẻ ấy không biết "tinh thần dân tộc" là gì, nhưng có lẽ, lòng yêu nước, lòng vị tha, nhân hậu đã nuôi dưỡng con người từ đời này qua đời khác. "Đứng về dân tộc" là "đứng về" những giá trị có từ ngàn đời, là truyền thống đoàn kết, tinh thần lạc quan, là sự thông minh sáng tạo, cần cù. Chỉ khi biết, khi hiểu, khi cảm, khi thấu, khi yêu những giá trị truyền thống đó, con người mới có gốc rễ để hoàn thiện nhân cách, mới biết ý nghĩa sự sống không phải chỉ thuộc về cá nhân mình.

Dưới góc độ lịch sử, 400 năm dựng nước là 4000 năm giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn phải đối mặt với các thế lực ngoại xâm thù địch. Con người Việt Nam đứng trước hai lựa chọn, hoặc là nô lệ, hoặc là độc lập. KHát vọng tự do và ý chí kiên cường không cho phép dân tộc bị chà đạp dưới gót giày của kẻ khác - dù là một cường quốc. Chúng ta thà đổ máu chứ nhất quyết không chịu làm nô lệ! Bởi lẽ, một công dân chỉ được phát triển toàn diện trong một đất nước tự do. Và khi vận mệnh dân tộc bị đe dọa, mỗi cá nhân cần "đứng về dân tộc" đấu tranh đến cùng cho độc lập, chủ quyền, lợi ích của nước nhà.

Đứng về dân tộc, ta có quyền tự do về tiếng Việt, tự hào về "Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát - Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh - Như gió nước không thể nào nắm bắt - Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh" (Lưu Quang Vũ).  Nhưng trong thời kỳ hội nhập, khi sự giao thoa ngôn ngữ, xu hướng cần phải làm giàu đẹp cho ngôn ngữ dân tộc tỷ lệ nghịch với xu hướng muốn học ngôn ngữ nước ngoài. Dĩ nhiên, muốn sinh tồn, ta phải biết ngôn ngữ quốc tế, nhưng muốn phát - triển - bền vững, ta cần phải hiểu và yêu ngôn ngữ mình nhiều hơn.

Chỉ có hai dân tộc trên thế giới bị đô hộ 1000 năm mà không mất đi tiếng nói của mình là Do Thái và Việt Nam. Nếu không tin tưởng và có tình yêu sâu sắc với dân tộc mình, nếu không kiên quyết bảo vệ dân tộc mình trước móng vuốt nhọn của giặc ngoại xâm thì hôm nay sẽ không có Việt Nam trên bản đồ thế giới! Cha ông ta nghìn đời đã sẵn sàng hi sinh xương máu của mình để bảo vệ cho ngôn ngữ ấy, cớ gì chúng ta hôm nay lại không thể làm giàu đẹp Tiếng Việt, thậm chí là đưa ngôn ngữ dân tộc vượt qua biên giới, đem cái hay đến với bạn bè năm châu.

Phát triển đến tận cùng của con người, âu cũng là phát triển trong nhận thức, trong tư tưởng, trong tâm hồn, trong tình cảm và trong hành động. Người nào càng có gốc rễ dân tộc, người nào càng "đứng về dân tộc" mình, người nào càng yêu các giá trị đất nước thì sự phát triển trong con người càng sâu sắc, tầm vóc con người ấy càng lớn, tầm nhìn con người ấy càng rộng. 

Chúng ta có một nền tảng tuyệt vời để kế thừa và phát triển đến tận cùng. Chúng ta được quyền tự hào vì có phong tục, tập quán đa dạng của 54 dân tộc trong suốt mấy nghìn năm. Chúng ta có quyền tự hào bò tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ giàu có, trong sáng và tinh túy nhất thế giới. Chúng ta có quyền tự hào về nền nghệ thuật nước nhà với muôn vàn cung bậc và hàng ngàn di sản được công nhận. Chúng ta có quyền tự hào vì Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (WRA) xác lập 5 kỷ lục thế giới về ẩm thực đặc sản của Việt Nam.

Mỗi con người, nếu tách khỏi dân tộc cũng như cây mất gốc, dù có trở thành ai, dù có tài giỏi đến thế nào cũng không thể đi đến tận cùng chiều sâu cuộc đời vì họ đã mất đi nguồn cội của mình. Một dân tộc nếu không biết bảo lưu và quảng bá dân tộc mình thì sẽ không thể tự chủ để phát triển bền vững cả về chính trị, kinh tế, xã hội. Tôi là một phần của dân tộc, dân tộc là một phần trong tôi. Tôi hòa mình vào dân tộc yêu dấu, tôi nghe thấy dân tộc gọi tên mình... 

(Nguyễn Hải THủy - Giải NHất HSG Quốc gia môn văn 2020)

Xem thêm: "Nếu tôi là một nhà văn" - Bài văn 800 chữ đạt điểm tuyệt đối của thí sinh Chiết Giang 2019