Chiến tích vang danh sử sách của nữ tướng 'một tay nhổ núi Nga Mi, một tay nhổ núi Thái Sơn'

Phật Nguyệt - Tả tướng thủy quân của Hai Bà Trưng được sử Trung Hoa miêu tả là người "phép tắc vô cùng, một tay nhổ núi Nga Mi, một tay nhổ núi Thái Sơn, đánh quân Hán chết, xác lấp sông Trường Giang, hồ Động Bình, oán khí bốc tới trời".

Đỗ Thu Nga
08:00 26/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nữ tướng nước Nam - Phật Nguyệt là ai?

Phật Nguyệt (23 - 43) là một nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Bà là nữ tướng gây kinh hoàng cho hà Hán nhất khi có trận thắng Mã Viện, Lưu Long và Đoàn Chí ở hồ Động Đình (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc).

Về thân thế của nữ tướng Phật Nguyệt, cuốn ngọc phả “Trưng nữ vương triều công thần nhất vi âm phù, nhất vi đại vương Ngọc phả cổ lục” còn được lưu giữ ở làng Vũ Ẻn (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) có chép: Phật Nguyệt sinh ra và lớn lên ở làng Vũ Ẻn (châu Thanh Ba ven sông Thao xưa). Cha là Đinh Văn Bôn, mẹ là Phí Thị Vang, làm nghề bốc thuốc gia truyền, chữa bệnh cứu người. Tiếng tăm của ông bà nổi khắp vùng. Nhiều gia đình nghèo, không có tiền chữa bệnh đã đến tìm ông bà nhờ chữa bệnh đều được cứu giúp, chăm sóc tận tình.

Dù ông bà tuổi đã cao nhưng vẫn bảo nhau cố tu nhân tích đức may chăng có được một mụn con nối dõi tông đường. Rồi một hôm, trời đã ra ân đối với ông bà. Sau mười tháng mang thai, vào ngày 3 tháng giêng năm Quý Mùi (năm 23 SCN), bà sinh ra một người con gái. Hai vợ chồng ông bà mừng như bắt được vàng, hết sức yêu thương chăm sóc. Qua ba năm ông bà mới đặt tên con mình là Đinh Thị Nguyệt.

Một hôm nọ, khi đang bốc thuốc cho bà con trong làng, ông ngạc nhiên thấy một người không quen biết, xưng làm nghề tướng số đến thăm. Sau khi nói đôi ba câu chuyện, ông bà mời thầy tướng số xem tướng cho con gái.

nu-tuong-phat-nguyet-thoi-hai-ba-trung-la-ai-0
Tượng nữ tướng Phật Nguyệt

Sau khi xem tướng số cho cô bé, vị thầy tướng khuyên ông bà lấy họ của ông là "Đinh" ghép với họ "Phí" của bà thành chữa "Phật", đổi chữ "Thi" thành chữa "Phật" rồi đặt tên cho con gái là Phật Nguyệt. Vậy là ông bà nghe lời, đổi tên con gái từ Đinh Thị Nguyệt thành Đinh Phật Nguyệt.

Năm Phật Nguyệt 7 tuổi, ông Bôn cho con theo học thầy họ Lữ trong làng. Càng học, cô nàng chứng tỏ mình là người thông minh, tài trí. 

Thuở nhỏ, Phật Nguyệt sống bằng nghề chài lưới và đam mê cung kiếm. Năm 15 tuổi, nàng mồ côi cha mẹ. Nhưng ở tuổi ấy, nàng tự lo liệu cho bản thân, thu xếp mọi việc trong nhà gọn gàng. Vả lại họ hàng, làng xóm đều giúp đỡ nàng mà chẳng ai có bụng lấn át hay có ý coi thường nàng. Phật Nguyệt lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của dân làng.

Lớn lên trong cảnh dân tộc bị nhà Hán áp bức, tận mắt chứng kiến các hành vi dã man của ngoại bang với bà con dân làng, Phật Nguyệt vô cùng căm hận. Nàng chỉ mong kết giao được với các trai làng tìm cách giết giặc.

Biết cháu gái có ý nghĩ khác thường nên cậu của Phật Nguyệt vốn là thầy giáo trong làng đã tìm cách khuyên nhủ như không được. Phật Nguyệt một lòng muốn đánh giặc.

Sau nhiều lần thử thách, cậu của nàng đã bố trí để Phật Nguyệt gặp 3 chàng trai từ nơi khác đến cùng nhau bàn mưu đánh giặc. Từ đấy trai tráng trong vùng, bạn bè của 3 chàng trai và học trò của cậu Phật Nguyệt đã tâp hợp dưới trướng của nàng, lặng lẽ vào rừng tập võ nghệ, luyện binh pháp chờ thời cơ.

Lúc này khắp các châu quận đều có các cuộc khởi nghĩa, để tập hợp các cuộc khởi nghĩa lại thành một nhằm có được sức mạnh to lớn. Cuối năm 39, Hai Bà Trưng hiệu triệu thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa. Thủ lĩnh khắp nơi nô nức quy tụ về với Hai Bà Trưng.

Luyện quân, ứng nghĩa, đuổi giặc ngoại xâm

Truy quét quân Hán đến tận biên giới hồ Động Đình

Năm 40 sau công nguyên, Phật Nguyệt đưa 2.00 quân về với Hai Bà Trưng và được phong Tả tướng thủy quân. Hai Bà Trưng tổ chức đại hội quan sĩ ở Hát Môn, rồi chia quân tiến đánh các nơi. Phật Nguyệt được giao trấn giữ vùng sông Thao, ngăn không cho quân Hán tiến về xuôi. Nữ tướng này cho một nửa số quân đóng ở phủ Lâm Thao, một nửa trấn giữ phía Tây sông Thao, hai cánh quân có thể hiệp trợ lẫn nhau.

Nhiều cuộc chiến đã diễn ra nơi sông Thao, quân của Phật Nguyệt thắng lớn, quân Hán khiếp sợ tháo chạy toán loạn. Sau đó, bà cho quân tiến đánh các nơi, cùng với các thủ lĩnh chiếm lại 65 thành trì của tất cả các châu quận.

Quân Hán của Thái tú Tô Định sợ hãi bỏ chạy về nước. Phật Nguyệt nhận lệnh truy kích quân của Tô Định đến tận biên giới là hồ Đồng Đình. Vậy nên, biên giới phía Bắc thời Hai Bà Trưng kéo dài đến tận hồ Động Đình. Hồ này nằm ở giữa 2 tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc của Trung Quốc.

Sau chiến thắng đó, Trưng Trắc lên ngôi vua, đặt tên nước là Lĩnh Nam (tức phía Nam núi Ngũ Lĩnh). Phật Nguyệt lúc này được phong làm tướng trấn thủ vùng Động Đình, ngăn không cho quân Hán xâm phạm biên giới phía Bắc.

nu-tuong-phat-nguyet-thoi-hai-ba-trung-la-ai-9
Tranh minh họa

Nữ tướng khiến quân Hán kinh hồn bạt vía

Năm 42 sau công nguyên, vua Hán cho viên tướng có kinh nghiệp và giỏi bậc nhất của mình là Phục Ba tướng quân Mã Viện tiến đánh Lĩnh Nam. Mã Viện khi ấy điều động đội quân tinh nhuệ cùng với phó tướng Lưu Long tiến đánh Lĩnh Nam.

Khi đến biên giới, Mã Viện đụng phải Phật Nguyệt và thảm bại. Những trận đánh ở hồ Động Đình khiến quân Hán thây chất ngổn ngang khắp nơi, không khí tanh mùi máu tươi. Không chỉ Mã Viện bị thất bại mà viện binh 28 viên tướng của nhà Hán (gọi là nhị thập bát tú) cũng không qua được Động Đình hồ.

Năm 1979, giáo sư Trần Đại Sỹ tìm thấy tại thư viện bảo tồn di tích cổ ở tỉnh Hồ Nam (tỉnh thủ phủ phía Nam Động Đình Hồ, Trung Quốc) có ghi chép trận đánh Động Đình Hồ như sau:

"Quang Vũ nhà Hán sai Phục ba tướng quân Tân tức hầu Mã Viện. Long nhượng tướng quân Thận hầu Lưu Long đem quân dẹp giặc. Vua Bà sai nữ tướng Phật Nguyệt tổng trấn hồ Ðộng Đình. Mã Viện, Lưu Long bị bại. Vua Quang Vũ truyền Nhị thập bát tú nghênh chiến, cũng bị bại. Nữ vương Phật Nguyệt phép tắc vô cùng, một tay nhổ núi Nga Mi, một tay nhổ núi Thái Sơn, đánh quân Hán chết, xác lấp sông Trường Giang, hồ Ðộng Đình, oán khí bốc lên tới trời".

Quyết bảo vệ Giang Sơn đến phút cuối cùng

Không thể tiến quân vào sâu, quân Hán nằm im chờ viện binh. Khi viện binh tới, quân Hán chia thành nhiều ngả tấn công. Trước sức mạnh của ngoại bang, Phật Nguyệt phải cho quân vừa đánh vừa lùi để bảo toàn lực lượng, cuối cùng rút về sông Thao.

Một cánh quân khác của nhà Hán tiến xuống Hợp Phố, chia làm hai đường thủy bộ tiến đến Lạc Bạc khiến quân Lĩnh Nam buộc phải chia ra đối phó với các mũi tấn công của nhà Hán.

Sau nhiều trận đánh ác liệt diễn ra nơi Bạch Hạc, Phú Thọ giữa quân của Phật Nguyệt với quân Hán. Mồng 10 tháng 2 năm 43, phó tướng Lưu Long huy động thêm quân đánh úp vào doanh trại của Phật Nguyệt.

Một trận đánh sống còn diễn ra, nữ tướng Phật Nguyệt tả xung hữu đột giữa trùng trùng quân Hán vây quanh rồi thoát khỏi vòng vây, ra đến bờ sông Thao. Nhưng bà nhìn lại thì không thấy bóng dáng quân sĩ của mình đâu cả, tất cả đã nằm lại, trong khi quân Hán đã bắt đầu áp tới. Để giữ tròn khí tiết, nữ tướng liền gieo mình xuống dòng sông Thao nơi quê nhà.

Sau khi nữ tướng Phật Nguyệt mất, nhiều làng ven sông Thao lập đền thờ để tưởng nhớ. Ngày nay ở đình làng Phượng Lĩnh có đôi câu đối ca ngợi nữ tướng như sau:

Tích trù Động Đình uy trấn Hán,

Danh lưu thanh sử lực phù Trưng.

Nghĩa là:

Một trận Động Đình, oai trấn quân Hán,

Tên còn trong sử, phò tá Trưng Vương.

Xem thêm: Giai thoại thuần phục voi trắng của nữ tướng Bùi Thị Xuân văn võ song toàn

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận